14:57 04/09/2007

“Sẽ giao lưu hàng quý với nhà đầu tư”

Từ Nguyên

Hỏi chuyện bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh.
Xung quanh sự kiện 4 doanh nghiệp niêm yết hàng đầu vừa tổ chức giao lưu với nhà đầu tư, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh REE.

>>Bốn đại gia trấn an nhà đầu tư

Việc REE và 3 “đại gia” niêm yết khác tổ chức giao lưu là một sự kiện tốt cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư nhỏ khác tỏ ra không hài lòng vì họ vẫn không có cơ hội để nắm bắt thông tin. Bà nghĩ sao về điều này?


Chúng tôi hiểu sự không hài lòng này của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy nhiên, đây lại là một việc bất khả kháng vì trước hết nó liên quan đến địa điểm, chỗ ngồi.

Vì vậy, cả 4 doanh nghiệp chúng tôi đã thống nhất tổ chức giao lưu tại 2 địa điểm, tại Tp.HCM ngày 28/8 và tại Hà Nội ngày 30/8 nhằm tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư có cơ hội tiếp xúc, trao đổi những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh, đầu tư tài chính của chúng tôi.

Dự kiến vào tháng 12 tới, chúng tôi sẽ tổ chức một buổi giao lưu có quy mô hơn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Riêng đối với REE, tôi xin chắc chắn rằng, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức giao lưu hàng quý ngay tại trụ sở của công ty.

Nhân đây, tôi cũng xin nhận khiếm khuyết với các nhà đầu tư trong việc chuẩn bị, cung cấp các tài liệu, hồ sơ liên quan đến công ty. Vì thế, ngay từ bây giờ chúng tôi sẽ đẩy tất cả các thông tin liên quan đến 4 công ty chúng tôi lên trên các website của 4 công ty và các phương tiện thông tin đại chúng khác.

Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm tăng giá trị của cổ phiếu.Vậy tỷ lệ của nhà đầu tư nước ngoài tại REE là bao nhiêu và bà có ý định tăng tỷ lệ đó lên không?

Hiện nay tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại REE là 49%, và theo tôi đây là một tỷ lệ hợp lý vào thời điểm hiện tại. Bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng muốn dòng vốn từ nước ngoài đổ vào càng nhiều càng tốt vì nó sẽ tạo cơ hội cho VN-Index tăng lên và giá cổ phiếu cũng tăng theo. Và đương nhiên nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi ngắn hạn, nhưng về dài hạn, khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu hết room thì họ khó giảm tỷ lệ xuống.

Tuy nhiên, nếu tăng tỷ lệ nắm giữ của người nước ngoài thì cũng đồng nghĩa với việc quyền sở hữu của người Việt Nam sẽ thấp đi. Điều này lại không tốt đối với vấn đề sở hữu tài sản quốc gia.

Đối với REE, hiện nay chúng tôi đang xúc tiến một số dự án lớn, đồng nghĩa với việc sẽ cần một lượng vốn rất lớn. Vì vậy, trong 2 – 3 năm tới, chúng tôi sẽ phát hành thêm cổ phiếu mới cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng trong thâm tâm tôi vẫn muốn người Việt Nam sở hữu nhiều hơn người nước ngoài trong một công ty Việt Nam.

Cho dù người nước ngoài hay người Việt Nam, nếu tin tưởng vào sự phát triển của REE thì đều có thể sở hữu cổ phiếu của REE thông qua thị trường chứng khoán Việt Nam.

REE được biết đến là một doanh nghiệp hàng đầu về cơ điện lạnh. Tuy nhiên, trong buổi giao lưu hôm qua, các nhà đầu tư lại thấy REE đề cập nhiều đến đầu tư vào lĩnh vực tài chính và bất động sản. Điều này đã khiến các nhà đầu tư lo lắng và phản đối vì họ hoài nghi về hiệu quả đầu tư trong những lĩnh vực mà REE thiếu kinh nghiệm?

Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi xác định, doanh nghiệp muốn phát triển thì tất yếu phải kinh doanh đa ngành nghề. Trên thực tế chúng tôi đã bắt tay vào những lĩnh vực mới và cũng đã có những thành công bước đầu.

Còn trong 2 năm tới, đầu tư của REE sẽ được dàn trải đều trên cả 3 lĩnh vực: điện máy chiếm 1/3, đầu tư tài chính chiếm 1/3 và bất động sản chiếm 1/3.

Vì vậy, với tư cách là người lãnh đạo của REE, tôi khẳng định với các nhà đầu tư rằng, REE tham gia đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và tài chính là bởi REE đã có ít nhiều kinh nghiệm và lợi thế trong những lĩnh vực này. Cụ thể là trong năm qua, bất động sản đã đóng góp tới 40% tổng doanh thu của REE.

Bà vừa cho biết, trong thời gian tới REE sẽ cần một lượng vốn rất lớn cho các dự án của mình. Tuy nhiên, được biết đến thời điểm này REE lại chỉ mới bán ra 200 nghìn cổ phiếu trong tổng số 1 triệu cổ phiếu sẽ bán theo dự kiến. Điều này dường như có mâu thuẫn hay REE có ý định “om” lại chờ cổ phiếu tăng giá?

Việc này thực sự là vì lợi ích của công ty. Hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại. Vì vậy, giá cổ phiếu đang trên đà giảm xuống. Và tất nhiên, tất cả đều phải tự bảo vệ mình và mỗi người đều phải có quyết định cho riêng mình.

Hy vọng, từ giờ đến cuối năm thị trường sẽ có những chuyển biến tích cực theo hướng có lợi cho cả công ty, cổ đông cũng như nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới sẽ có xu hướng giao dịch bỏ sàn. Là một “đại gia” niêm yết, điều này có làm cho REE lo lắng?

Ngược lại, theo tôi đây là một xu hướng tích cực, tạo thuận lợi cho nhiều nhà đầu tư không có điều kiện để đến sàn giao dịch. Vì vậy, nếu điều này trở thành hiện thực thì đó cũng là một điều tốt và tôi tin rằng số lượng nhà đầu tư cũng theo đó mà tăng lên.

Xin hỏi bà một câu riêng tư. Bà là một trong những người có mức lương cao nhất Việt Nam hiện nay, điều này có tạo cho bà áp lực gì không?

Áp lực duy nhất của tôi chính là việc hưởng lương cao buộc tôi phải làm việc thật hiệu quả cho công ty.

Hội đồng Quản trị trả một mức lương cao như vậy thì đương nhiên họ cũng đề ra yêu cầu rất cao. Cụ thể, Hội đồng Quản trị đặt ra cho tôi năm nay phải làm sao công ty lãi tối thiểu là 340 tỷ đồng và mức tăng trưởng tối thiểu là 20%/năm.

Nhưng tôi là một người có tham vọng lớn. Vì vậy, mục tiêu của tôi là sẽ đem về cho công ty trên 340 tỷ đồng trong năm nay và tăng trưởng sẽ ở mức 25% - 30%/năm.

Trên thực tế, kể từ khi về làm việc cho REE từ năm 1982 đến nay, tôi chưa bao giờ nghĩ đến lương và vì lương. Tham vọng của tôi là muốn đưa REE trở thành một tập đoàn mạnh, có đẳng cấp quốc tế chứ không chỉ bó hẹp trong lãnh thổ Việt Nam như hiện nay.