09:01 12/12/2007

“Sẽ hình thành mới một số khu công nghiệp có chọn lọc”

Thanh Hải

Phỏng vấn TS. Trần Ngọc Hưng, Phó Vụ trưởng vụ Khu công nghiệp và chế xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Phỏng vấn TS. Trần Ngọc Hưng, Phó Vụ trưởng vụ Khu công nghiệp và chế xuất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thưa ông, trong năm 2007 có sự đột phá nào về thu hút đầu tư ở các khu công nghiệp?

Quá trình phát triển các khu công nghiệp ở nước ta đã được 16 năm. Đến nay cả nước có 154 khu công nghiệp được thành lập với diện tích tự nhiên trên 32.000 ha trong đó diện tích cho thuê là 21.775 ha. Hiện tại có 92 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích tự nhiên trên 22.000 ha với 62 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích tự nhiên 12.000 ha. Hiện nay, 55 tỉnh thành đã có khu công nghiệp.

Trong 10 tháng đầu năm 2007, các khu công nghiệp đã thu hút được 4,6 tỷ USD tăng gần 1,6 lần so với 10 tháng đầu năm 2006. Tính đến hết tháng 10/2007 các khu công nghiệp đã thu hút được trên 2.600 dự án của nước ngoài với tổng vốn là 25,3 tỷ USD, gần 2.800 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 7.000 tỷ đồng. Nâng tổng dự án đầu tư trong nước lên khoảng 5.700 dự án.

Tiến độ đầu tư tại các khu công nghiệp cũng nhanh hơn. Thường chỉ mất khoảng 2-3 năm là lấp đầy các khu công nghiệp trong khi trước đây thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp kéo dài 7-8 năm mới có khả năng lấp đầy. Giá trị sản xuất trong 10 tháng đầu năm 2007 dự kiến đạt khoảng trên 20 tỷ USD tăng khoảng 20% so với 2006 chiếm khoảng 23-24% GDP của cả nước.

Chúng ta đã có sự tính toán như thế nào khi chuyển đổi quỹ đất nông nghiệp sang phát triển các khu công nghiệp?

Trong quá trình xây dựng và phát triển các khu công nghiệp chúng tôi cũng tính toán trên cơ sở phát triển nền kinh tế xã hội của từng địa phương. Trong vấn đề phát triển khu công nghiệp tức là quỹ đất từ nông nghiệp chuyển sang phát triển các khu công nghiệp thì các khu công nghiệp phải đảm bảo những tiêu chí như hạ tầng giao thông thuận lợi, cung cấp điện, nước cho các khu công nghiệp để các doanh nghiệp hoạt động... Cũng có nhiều ý kiến cho rằng sử dụng đất nông nghiệp sản xuất lúa để phát triển các khu công nghiệp thì không nên.

Về vấn đề này, chúng tôi cũng khuyến cáo các địa phương cân nhắc lựa chọn những phần đất nông nghiệp hiệu quả thấp để phát triển khu công nghiệp nhưng tất nhiên nó phải đảm bảo được các điều kiện để khu công nghiệp phát triển. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao hiệu quả sử dụng đất thì chuyển đổi một phần đất nông nghiệp sang phát triển các cơ sở công nghiệp là điều không tránh khỏi.

Ví dụ, các địa phương ở vùng Đồng bằng sông Hồng như: Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên... trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế đều dành một quỹ đất nông nghiệp nhất định để chuyển đổi sang phát triển khu công nghiệp. Hiệu quả 1 ha đất làm nông nghiệp nếu khai thác tốt thì chỉ đạt 60-70 triệu đồng/1ha/năm trong khi đó tại các khu công nghiệp, 1 ha mang lại 1,4-1,6 triệu USD/năm gần gấp 300 lần so với việc sử dụng đất trong nông nghiệp.

Có ý kiến cho rằng việc đầu tư phát triển các khu công nghiệp ở nước ta không theo một quy hoạch thống nhất, hầu như địa phương nào cũng có các khu công nghiệp với chức năng tương tự nhau, vậy ông có bình luận gì về vấn đề này?

Ý kiến này khoảng 5 năm trước thì đúng hơn tức là sau đợt khủng hoảng nền kinh tế năm 1997 thì nó ảnh hưởng đến sự phát triển các khu công nghiệp nước ta. Nhất là trong những năm 2000, 2001 và năm 2002, các địa phương tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư, nhiều khi còn đưa ra những ưu đãi vượt quá thẩm quyền của địa phương,vấn đề này đã được Thủ tướng nhắc nhở và ra quyết định hủy bỏ những văn bản trái luật của các địa phương.

Việc phát triển khu công nghiệp ở các địa phương là cần thiết, giúp cho các địa phương phát triển nhanh và bền vững đồng thời đây cũng là công cụ hữu hiệu để các địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và lao động công nghiệp cũng như quản lý môi trường được tốt hơn hướng tới sự phát triển bền vững.

Tuy nhiên, việc phát triển các khu công nghiệp cần phải tính toán, cân nhắc các điều kiện để đảm bảo hài hòa giữa việc phát triển khu công nghiệp với ổn định cuộc sống của người dân bị mất đất làm khu công nghiệp cũng như bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Định hướng để phát triển các khu công nghiệp trong thời gian tới là gì thưa ông?

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 1107/QQĐ-TTg, đến năm 2010 lấp đầy các khu công nghiệp hiện có, hình thành mới một số khu công nghiệp có chọn lọc tại các vùng kinh tế trọng điểm mang tính cạnh tranh cao với khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, cũng dành một quỹ đất nhất định để phát triển các khu công nghiệp ở các vùng kinh tế khó khăn để tạo điều kiện phát triển cho những vùng này nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng.

Trong kế hoạch từ năm 2008-2010 sẽ dành khoảng 15-17 ngàn ha đất để phát triển các khu công nghiệp. Đưa tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp (giá trị sản xuất công nghiệp) của các khu công nghiệp chiếm từ 40-45% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước... Giá trị xuất khẩu của các khu công nghiệp đến năm 2010 chiếm khoảng 25-30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Mặt khác trong thời gian tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo các địa phương khẩn trương xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp bảo đảm đến năm 2010, 100% các khu công nghiệp của cả nước đều có trạm nước thải tập trung đồng thời triển khai xây dựng các trung tâm xử lý chất thải rắn và chất thải công nghiệp độc hại.