10:08 17/01/2011

Sẽ hồi tố tịch thu khoản lời bất chính từ một số vụ thao túng giá

Nguyễn Hoàng

Khi thông tư hướng dẫn tính các khoản lời từ hoạt động thao túng giá được ban hành, một số vụ việc đã bị phát hiện sẽ được hồi tố

Vụ làm giá AMV bị phát hiện tháng 11/2010 là vi phạm đầu tiên bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 85
Vụ làm giá AMV bị phát hiện tháng 11/2010 là vi phạm đầu tiên bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 85
Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), cho VnEconomy biết thông tư hướng dẫn Nghị định 85 xử phạt vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán sắp được ban hành sẽ quy định chi tiết việc tính toán các khoản thu lời bất chính.

Theo đó, những vụ thao túng giá được phát hiện sau khi Nghị định 85 có hiệu lực sẽ bị hồi tố.

Năm 2010 nổi bật với khá nhiều vụ thao túng giá, giao dịch nội gián bị phát hiện. Tuy nhiên mức độ xử phạt vẫn bị đánh giá là khá nhẹ, đồng thời cũng không tiến hành tịch thu các khoản lời bất chính. Điều này sẽ thay đổi trong năm 2011?

Năm 2010 hiện tượng vi phạm trên thị trường gia tăng, đặc biệt là hiện tượng thao túng, nội gián, vi phạm quy định giao dịch, các nghiệp vụ mới... Đối với SSC, năm qua chúng tôi tăng cường chỉ đạo thanh tra giám sát quyết liệt hơn, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, phân cấp thêm cho các sở giao dịch, rà soát lại quy trình giám sát.

SSC cũng chủ động trình Chính phủ sửa đổi nghị định về thanh tra xử phạt. Đây là vấn đề cấp bách phải làm ngay, trước đây cũng định chờ sửa Luật Chứng khoán rồi mới ban hành. Sau khi có nghị định xử phạt mới, chúng tôi cũng trình Bộ Tài chính thông tư hướng dẫn, nổi bật nhất là có khoản tính thu lời bất chính. Đến thời điểm hiện nay Bộ Tài chính về căn bản là chấp thuận nguyên tắc với dự thảo này. 

Riêng trong năm vừa qua, có 17 vụ xử lý vi phạm thao túng, 9 trường hợp vi phạm nội gián. Điển hình là vụ DVD có sự phối hợp hình sự với cơ quan điều tra. Tất nhiên còn nhiều việc phải rút kinh nghiệm để làm mạnh hơn trong năm nay. Chúng tôi dự định sau hội nghị giao ban thị trường sau Tết âm lịch sẽ có sự quán triệt trong các công ty chứng khoán và thành viên thị trường, đặc biệt là công ty chứng khoán phải tăng cường hơn nữa công tác giám sát hoạt động của các nhà đầu tư. 

Thứ hai chúng tôi cũng sẽ tăng cường xử phạt công ty chứng khoán, công bố ngay từ đầu năm những gì được phép làm, cái gì cấm đoán cũng phải rõ ràng, như các vấn để về giao dịch, margin, sản phẩm mới...

Khi thông tư hướng dẫn được ban hành, liệu các vụ việc đã bị phát hiện có bị hồi tố không, thưa ông?

Đây là vấn đề chúng tôi cân nhắc rất kỹ. Tất cả mọi việc đều phải xử lý theo khuôn khổ pháp lý. Quy định tại Nghị định 85 thì có hồi tố. Các vụ việc phát hiện tại thời điểm mà thông tư có hiệu lực thì sẽ vẫn áp dụng thu lời bất chính. Các vụ việc trước đó thì theo tôi nên có thanh tra xử phạt dứt điểm trước khi thông tư quy định tính thu lời bất chính được ban hành để thị trường nhận thức rõ từ thời điểm này phải làm ăn nghiêm túc.

Năm 2010 tình trạng phát hành thêm của doanh nghiệp rất lớn khiến sức cầu có phần thiếu hụt. Vậy năm 2011 có giải pháp nào để tăng cầu cho thị trường?

Huy động vốn nhiều hơn thường dẫn đến sự pha loãng. Dĩ nhiên mức độ pha loãng còn phụ thuộc vào hiệu quả sử dụng vốn. Nếu sử dụng hiệu quả thì tạo ra tăng trưởng bước sau.

Liên quan đến sức cầu năm nay, có thể thấy phụ thuộc vào hai kênh: cầu từ bên ngoài và cầu trong nước. Cầu trong nước phụ thuộc vào chính sách tiền tệ và tài chính, nếu được nới lỏng thì cung tiền sẽ mạnh hơn. Thứ hai là các giải pháp về thị trường, giải pháp tạo thanh khoản, nếu được ban hành cũng sẽ góp phần tạo cầu tốt hơn.

Thứ ba là sự cạnh tranh giữa các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ, bất động sản.

Nhìn vào đó, tín hiệu của việc ổn định vĩ mô có thể thấy chính sách tiền tệ và tài chính sẽ có sự tiết kiệm hơn, khó quá nới lỏng như thời kỳ kích cầu. Trong ngắn hạn sẽ có giới hạn thận trọng về nguồn tiền. Nhưng trong dài hạn, nếu ta bắt được mạch, xử lý lạm phát tốt thì là cơ hội kinh tế phát triển hơn, cung tiền sẽ tốt hơn.

Về vốn từ bên ngoài, năm 2008 vốn ngoại rút ra khoảng 1,9 tỷ USD. Năm 2009 rút 230 triệu USD, nhưng năm 2010 lại vào 900 triệu USD. Như vậy trong xu hướng hậu khủng hoảng, thế giới còn khó khăn, thị trường mới nổi thường bị co cụm hoặc rút vốn mà Việt Nam vẫn nhận được 900 triệu thì là dấu hiệu tương đối khả quan. Chúng tôi hy vọng năm nay vốn nước ngoài sẽ tiếp tục vào vì trong bối cảnh khó khăn 2010 mà Việt Nam vẫn tăng trưởng xuất khẩu, nhập siêu cải thiện thì xu hướng sẽ tốt hơn thời gian tới.

Giải pháp chung về tài chính tiền tệ, nếu xử lý tốt sẽ có thêm luồng tiền chung cho nền kinh tế và chứng khoán sẽ tốt hơn.

Năm nay tiến trình cổ phần hóa được đẩy mạnh trở lại và việc bán cho đối tác chiến lược nếu có giải pháp xử lý sẽ hút vốn mạnh hơn. Theo tôi, đấu giá cổ phần cho đối tác chiến lược nắm giữ 2-3 năm thì đó là nguồn đầu tư trực tiếp, tính ổn định dài hạn tương đối cao và nên có ưu đãi hơn.  

Về các giải pháp thị trường như giao dịch cùng phiên, mở nhiều tài khoản, margin mà được ba hành sẽ tạo thanh khoản và sức cầu tốt hơn. Thông tư về an toàn tài chính vừa qua đã được Bộ Tài chính chính thức ký. Trước khi ký SSC cũng đã yêu cầu các công ty chứng khoán tính toán thử trong vòng vài tháng. Thông tư này sẽ áp dụng từ 1/4/2011 và từ đó các công ty chứng khoán tự tính toán và báo cáo. Sau 1 năm SSC mới áp vào diện kiểm soát. Như vậy công ty chứng khoán có 1 năm để triển khai, độ an toàn sẽ tốt hơn. Trung tâm lưu ký cũng đã theo dõi tài khoản đến từng nhà đầu tư và khả năng kiểm soát rủi ro sẽ tốt hơn.

Đó cũng là cơ sở để mở các giải pháp thị trường.