09:49 31/01/2012

“Sẽ tổ chức hệ thống đại lý huy động vàng”

Nhật Nam

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bước đầu gợi mở về định hướng triển khai đề án huy động sức vàng trong dân cư

Khi huy động được, một phần nguồn vàng có thể được chuyển đổi thành tiền phục vụ cho các mục đích điều hành và phát huy giá trị của nguồn lực.
Khi huy động được, một phần nguồn vàng có thể được chuyển đổi thành tiền phục vụ cho các mục đích điều hành và phát huy giá trị của nguồn lực.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bước đầu gợi mở về định hướng triển khai đề án huy động sức vàng trong dân cư.

Bắt đầu đề cập từ tháng 8/2011, đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn đang trong quá trình xây dựng đề án huy động vàng trong dân cư. Trả lời báo chí đầu năm mới, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã bước đầu gợi mở về nội dung của đề án này.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện lượng vàng trong dân cư tương đối lớn, khoảng 300 - 500 tấn. Huy động được và sử dụng được nguồn lực này là mục đích chính của đề án. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nói rằng: “Nếu chúng ta không huy động được số vàng này trong dân để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thì đất nước chưa thể mạnh lên được”.

Trong những năm qua, thực tế hoạt động huy động và cho vay bằng vàng vẫn được các tổ chức tín dụng triển khai, nhưng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình là hoạt động này chưa phát huy được hiệu quả. Đặc biệt trong năm 2010 và 2011, giá vàng biến động mạnh khiến việc huy động và cho vay bằng vàng có nhiều rủi ro. Và ngày 29/4/2011, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 11/2011/TT-NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kể từ ngày 1/5/2011 phải chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng với lộ trình nhất định.

“Trong đề án huy động vàng, thời gian tới, nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các tổ chức tín dụng. Hay nói khác, các tổ chức tín dụng sẽ làm đại lý cho Ngân hàng Nhà nước trong việc huy động vàng. Với hình thức này, nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian, ở đây là các tổ chức tín dụng. Mặt khác, với nhiều công cụ khác nhau, ví dụ kinh doanh vàng trên thị trường quốc tế, nhà nước sẽ bảo hiểm được rủi ro do biến động của giá vàng thế giới, do đó đảm bảo giá trị tài sản của người dân mà vẫn có thể sử dụng số vàng đó quy đổi thành ngoại tệ để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội”, Thống đốc nói.

Hiện vẫn chưa rõ cơ chế cụ thể của hình thức này như thế nào, cũng như thời điểm hoàn thiện và triển khai dự án. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng, cùng với nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời, nhà điều hành sẽ có thêm công cụ và nguồn lực để quản lý thị trường vàng nói riêng và thị trường ngoại hối nói chung tốt hơn trong thời gian tới.