09:00 01/08/2013

Sẽ xử lý các trang mạng cá nhân chuyên tổng hợp thông tin

Thủy Diệu

Trang thông tin cá nhân không được trích dẫn của các cơ quan báo chí và website của các cơ quan Nhà nước

Theo lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, hiện trên thực tế vẫn còn nhiều trang blog, tài khoản facebook lập ra để tổng hợp thông tin thời sự của các cơ quan báo chí, tổ chức Đảng, Nhà nước…<br>
Theo lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, hiện trên thực tế vẫn còn nhiều trang blog, tài khoản facebook lập ra để tổng hợp thông tin thời sự của các cơ quan báo chí, tổ chức Đảng, Nhà nước…<br>
Trang thông tin cá nhân chỉ được phép đưa thông tin của chính mình, không được dẫn thông tin tổng hợp, tức không được trích dẫn của các cơ quan báo chí và website của các cơ quan Nhà nước.

Thông tin trên được ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời báo chí, tại buổi họp báo giới thiệu Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý và cung cấp sử dụng dịch vụ Internet do Bộ này tổ chức, chiều 31/7/2013.

Lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng, hiện trên thực tế vẫn còn nhiều trang blog, tài khoản facebook lập ra để tổng hợp thông tin thời sự của các cơ quan báo chí, tổ chức Đảng, Nhà nước… vì thế, trong vấn đề quản lý, các cơ quan nhà nước phải tăng cường thanh tra chấn chỉnh xử lý những hoạt động này. 

Theo ông, trang thông tin cá nhân được phép đưa thông tin của chính mình, không được dẫn thông tin từ tổng hợp, tức không được trích dẫn của các cơ quan báo chí và các trang web của các cơ quan Nhà nước. Các trang thông tin cá nhân không phải muốn đưa thông tin gì lên cũng được, mà phải tuân thủ qui định về việc đưa thông tin trên mạng.

“Vi phạm những điều đó thì đương nhiên phải xử lý theo qui định của pháp luật và nghị định này”, ông Bảo nói. 

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Nam Thắng cho biết, về thông tin điện tử, Bộ sẽ có thông tư qui định hướng dẫn rõ hơn. Tuy nhiên, về nguyên tắc cơ bản, trang thông tin của cá nhân là phục vụ cho cá nhân của người đó. 

“Những thông tin tổng hợp, thông tin chính thức của các cơ quan báo chí còn liên quan đến vấn đề bản quyền, vấn đề của cơ quan báo chí, không thể lấy từ chỗ này đặt sang chỗ kia được, mà phải trích dẫn, xin phép, đồng ý. Hay, thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước hoặc của các tổ chức, không thể lấy đưa lên rồi làm thành tin tức của mình được. Đấy là qui định chung về Luật Dân sự và qui định của pháp luật về Luật Sở hữu trí tuệ”, ông Thắng cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Nghị định 72 được ban hành (có hiệu lực từ ngày 1/9/2013) sẽ tạo điều kiện phát triển bền vững cho viễn thông, Internet, tạo hành lang pháp luật một cách công khai, minh bạch giúp Internet Việt Nam phát triển.

Đồng thời, Nghị định này bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ, thông tin trên mạng Internet theo hướng thúc đẩy cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính…

Tại buổi họp báo giới thiệu Nghị định trên, một số nội dung được đại diện các tổ chức, đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam quan tâm như buộc phải cấp phép thiết lập mạng xã hội; cung cấp thông tin công cộng qua biên giới… 

Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, qui định trong Nghị định về việc cấp phép các mạng xã hội chỉ điều chỉnh đối với các doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam, không điều chỉnh đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không thành lập theo pháp luật Việt Nam.

Theo Thứ trưởng, điều này đã được thể hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, theo đó có nội dung cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và trong cam kết WTO quy định đầy đủ các điều kiện của việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Việt Nam tuân thủ đầy đủ các điều kiện, các quy định của WTO trong việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. 

Thứ trưởng Thắng cũng cho biết, trong nghị định mới đề ra nguyên tắc chung nhất là, việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Trên cơ sở đó, Chính phủ giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hướng dẫn các nội dung về cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. 

Hiện, Bộ tạm xây dựng thông tư để hướng dẫn nội dung trên, tuy nhiên về nguyên tắc, dù là thông tư thì vẫn phải tuân thủ nghị định, tuân thủ Luật Viễn thông, các luật khác có liên quan, và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. 

Liên quan đến câu hỏi, làm thế nào xử lý được những trang mạng mạo danh thông tin lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ông Thắng cho biết, Internet cũng như một xã hội - một xã hội thu nhỏ hơn, nên cũng giống như trong đời thực, có người tốt, người xấu, có thông tin tốt, thông tin không chính xác hay lừa đảo. Việc xử lý, ngăn chặn các trang thông tin, nội dung thông tin độc hại thì cũng như cuộc đời thực.

Theo ông, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ ngành liên quan, cơ quan báo chí phải vào cuộc, để ngăn chặn những thông tin giả mạo, đấu tranh chống lại luận điệu sai trái, thông tin không đúng, vi phạm pháp luật. 

“Đây là nỗ lực của cả cộng đồng, chứ nếu chỉ dùng biện pháp kỹ thuật chặn một cách đơn thuần, hay bằng biện pháp kinh tế, hành chính… thì cũng không đủ mà phải kết hợp đồng bộ các giải pháp, biện pháp để xử lý, ngăn chặn”, ông nói.