11:50 17/09/2008

“Sẽ xử lý Vedan bằng biện pháp cứng rắn nhất”

Phan Anh

Quan điểm của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về hành vi gây ô nhiễm môi trường của Công ty Vedan Việt Nam

Nhà máy của Vedan.
Nhà máy của Vedan.
Quan điểm của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về hành vi gây ô nhiễm môi trường của Công ty Vedan Việt Nam.

"Luật Bảo vệ môi trường đã bắt đầu phát huy hiệu lực"

Thưa ông, đây không phải là lần đầu tiên phát hiện vi phạm ô nhiễm môi trường của Công ty Vedan, nhưng sao đến nay, vấn đề này mới được làm quyết liệt?

Pháp luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân vi phạm ô nhiễm môi trường. Không phải đến bây giờ mà ngay từ năm 2005 và 2006, Bộ đã liên tục kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của Công ty Vedan, liên tục phát hiện ra các vấn đề vi phạm ô nhiễm môi trường. Có thể do nhận thức của doanh nghiệp chưa đầy đủ, nên đã có những hành vi vi phạm.

Bộ đã từng bước yêu cầu doanh nghiệp khắc phục, có lộ trình khắc phục, xử lý đáp ứng. Đợt kiểm tra năm 2008 là tiếp theo của những năm trước. Có kiểm tra, thanh tra, xử lý nhưng nếu chất lượng môi trường sông Thị Vải tiếp tục xấu đi thì có thể xác định rõ được nguyên nhân ô nhiễm là do đâu.

Chính vì vậy, đợt vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành gắn với sự tham gia sát sao của Cục Cảnh sát môi trường điều tra phát hiện các hành vi vi phạm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên sông Thị Vải như Công ty Vedan.

Quan điểm của ông đánh giá thế nào về sự vi phạm này của Công ty Vedan cũng như việc phát hiện ra hành vi vi phạm của các cơ quan chức năng?

Bằng những hành vi tinh xảo, sử dụng công nghệ cao, nhưng qua phát hiện vi phạm của Vedan thì có thể thấy, công tác quản lý môi trường ở Việt Nam đã bắt đầu phát huy hiệu quả.

Có thể khẳng định, Luật Bảo vệ môi trường 2005 đã bắt đầu phát huy hiệu lực và trong thời gian sắp tới, với cách làm có hệ thống, đồng bộ và liên ngành phối hợp giữa kiểm tra, thanh tra với điều tra; giữa cơ quan bảo vệ môi trường với Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) và các địa phương.

Nếu còn nhiều doanh nghiệp có hành vi vi phạm như Vedan thì sẽ còn nhiều vụ việc được phát hiện và xử lý nghiêm minh theo luật.

"Đóng cửa một doanh nghiệp không phải là mục tiêu của chúng tôi"

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc xử phạt hành chính hiện nay áp dụng với các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm, mà đặc biệt là các trường hợp vi phạm nghiêm trọng như Vedan là không đáng kể và không đủ sức răn đe? Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Để giải quyết một vấn đề vi phạm của doanh nghiệp phải tiếp cận ở nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó công việc của Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ có liên quan, các sở ban ngành từ năm 2005 đến nay đã kiên trì kiểm tra, yêu cầu khắc phục.

Điều đó có thể thấy, năm 2008 không phải là năm chỉ đưa tra việc xử phạt hành chính bằng tiền đơn thuần mà kèm theo đó sẽ áp dụng các chế tài xử phạt nặng, cứng rắn nhất, không thể khoan nhượng với các hành vi vi phạm mang tính chất nghiêm trọng, gây nguy hại cho môi trường của các đơn vị doanh nghiệp.

Liệu với trường hợp vi phạm của Công ty Vedan, các cơ quan chức năng có đóng cửa hoạt động của doanh nghiệp không, thưa ông?

Điều này phụ thuộc vào quá trình xem xét cụ thể, vào sự tập trung khắc phục sự cố, xử lý hậu quả của doanh nghiệp. Bởi việc đóng cửa một doanh nghiệp không phải là mục tiêu của chúng tôi.

Điều chúng tôi mong muốn là làm sao để doanh nghiệp đó chấp hành các quy định pháp luật môi trường, bảo vệ môi trường theo những cam kết và đáp ứng các yêu cầu môi trường, các chất thải thải ra môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường theo quy định.

Nhưng nếu doanh nghiệp đó không có nỗ lực xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm trong một thời ngắn, thì có nghĩa là phải tạm thời đình chỉ hoạt động của đơn vị này.