18:23 15/06/2010

Singapore tăng tốc trong cuộc đua băng thông rộng

Kiều oanh

Singapore có thể sẽ sớm trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có mạng lưới cáp quang tốc độ cao phủ khắp

Nhiều quốc gia đang phát triển mạng lưới cáp quang tốc độ cao.
Nhiều quốc gia đang phát triển mạng lưới cáp quang tốc độ cao.
Nhờ diện tích nhỏ và những khoản đầu tư không nhỏ từ chính phủ, Singapore có thể sẽ sớm trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có mạng lưới cáp quang tốc độ cao phủ khắp, cho phép nội dung của một đĩa DVD có thể được tải về trong vòng có vài giây đồng hồ.

Tờ New York Times cho biết, Chính phủ Singapore đã quyết định đầu tư 1 tỷ đôla Singapore, tương đương 700 triệu USD, để đưa nước này vượt lên trong cuộc đua băng thông rộng tốc độ cao, trong đó nhiều nước châu Á đang ở thế dẫn đầu.

Mạng cáp quang tốc độ cao này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của các ngành dịch vụ như video trực tuyến và điện thoại Internet. Hãng nghiên cứu thị trường viễn thông Pyramid Research cho biết, doanh thu của các nhà mạng viễn thông ở Singapore sẽ tăng lên mức 5,1 tỷ USD trong thời gian từ nay tới năm 2014, từ mức 3,8 tỷ USD trong năm 2009.

Trong khi các nhà hoạch định chính sách ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn còn đang phân vân với chiến lược băng thông rộng, chẳng hạn nên để khu vực tư nhân hay chính phủ đóng vai trò chính trong việc phát triển công nghệ này, thì người sử dụng băng thông rộng ở nhiều nơi tại châu Á đã được tiếp cận với thế hệ mạng tốc độ cao tiếp theo.

Nhật Bản và Hồng Kông là hai nền kinh tế đi đầu trong lĩnh vực mạng tốc độ cao, trong đó các công ty tư nhân cung cấp tốc độ mạng lên tới 1 gigabit/giây, tương đương 1.000 megabits/giây, cao gấp nhiều lần tốc độ 35 megabit/giây cần thiết cho video với độ phân giải cao. Tuy nhiên, các mạng tốc độ cao này chưa phủ sóng tới mọi hộ gia đình.

Hàn Quốc, một trong những quốc gia có hệ thống mạng phát triển nhất thế giới, mới đây cũng đã công bố kế hoạch xây dựng băng thông rộng mới với tốc độ 1 gigabit/giây tại tất cả các thành phố lớn trong thời gian từ nay tới năm 2013.

Để phát triển mạng băng thông rộng tốc độ cao, Singapore cùng lúc dựa vào các chương trình hỗ trợ của khu vực công và sự tham gia của khu vực tư nhân, đồng thời chia chiến lược này thành ba mảng chính: xây dựng cơ sở hạ tầng mạng, vận hành mạng, và cung cấp dịch vụ tới người sử dụng.

OpenNet, công ty chịu trách nhiệm xây dựng hạ tầng mạng, thuộc sở hữu của một nhóm doanh nghiệp có sự tham gia của công ty Axia từ Canada và 3 công ty Singapore là SingTel, Singapore Press Holdings và SP Telecommunications. Nhà xây dựng hạ tầng mạng này sử dụng một số phần hiện đã có trên hệ thống mạng của SingTel.

Theo thỏa thuận giữa các bên liên quan, SingTel - nhà cung cấp dịch vụ viễn thông từng một thời độc quyền ở Singapore - đã chuyển 30% cổ phần của công ty này trong liên doanh trên sang một công ty khác và sẽ giảm dần số cổ phần nắm giữ trong vòng 5 năm.

Được giao nhiệm vụ vận hành mạng, công ty Nucleus Connect được nhận khoản trợ cấp 750 triệu đôla Singapore từ chính phủ, sẽ phải đưa mạng tốc độ cao đi vào vận hành tại Singapore trước năm 2013. Đến nay, công ty này đã kết nối cáp quang tới khoảng 30% số nhà cao tầng ở Singapore và đặt mục tiêu kết nối 60% trong thời gian từ nay tới cuối năm.

Ông Khoong Hock Yun, một quan chức thuộc Cơ quan Phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Singapore, cho biết, Chính phủ nước này đã nhận thấy cơ hội phát triển một mạng cố định thế hệ mới và tái cấu trúc ngành viễn thông ở "đảo quốc sư tử".

“Nếu nhìn vào lịch sử của nhiều nước phát triển, có thể thấy, sau nhiều năm mở cửa lĩnh vực viễn thông, bộ phận mạng cố định vốn là một phần quan trọng của hệ thống viễn thông, vẫn chủ yếu thuộc sở hữu của những doanh nghiệp lớn và mang tính độc quyền. Những công ty có trong tay cơ sở hạ tầng có lợi thế cạnh tranh lớn, và tất cả các công ty dịch vụ vẫn phải phụ thuộc vào các công ty lớn này”, ông Khoong nói.

Theo vị quan chức này, vì lý do trên, quá trình phát triển của lĩnh vực mạng cố định, bao gồm cả giá cả và các dịch vụ được cung cấp, đều phụ thuộc vào các quyết định đầu tư của các doanh nghiệp lớn, và mức độ muốn hợp tác của họ với các công ty khác để đưa ra những giải pháp mà họ còn chưa thấy sẵn sàng.

Ông Khoong cho rằng, bằng cách tách riêng việc xây dựng cơ sở hạ tầng khỏi việc vận hành mạng, các nhà chức trách Singapore tin rằng, họ có thể tạo ra một môi trường có mức độ cạnh tranh cao hơn với cánh cửa rộng mở hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ nhỏ.

Mô hình của Singapore  được xây dựng dựa trên những mạng băng thông rộng cộng đồng ở cấp độ địa phương tại nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Hà Lan và Thụy Điển.

“Chúng tôi nhận thấy, ở nhiều thành phố có mạng tốc độ cao của riêng họ, tốc độ tăng trưởng của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông ở cấp độ rất mạnh. Đối với những cộng đồng nhỏ, nếu có từ 20-30 nhà cung cấp dịch vụ ở cấp độ bán lẻ thì sự cạnh tranh thực sự sẽ diễn ra”, ông Khoong phát biểu.

Công ty vận hành mạng Nucleus Connect cho biết, giá bán buôn dịch vụ mạng sẽ bắt đầu tư 21 đôla Singapore đối với tốc độ 100 megabit/giây dành cho các hộ gia đình. Cũng theo đơn vị này, đã có nhiều công ty cung cấp dịch vụ mạng quan tâm tới việc bán lẻ dịch vụ mạng từ Nucleus Connect và dự kiến sẽ có khoảng 12 công ty đăng ký tham gia.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tỏ ra chưa mấy tin tưởng vào sự cạnh tranh sắp tới sẽ gia tăng trong ngành viễn thông ở Singapore, đồng thời cũng lo ngại, mức giá của dịch vụ mạng tốc độ cao sẽ phải giảm nhiều mới đủ để hấp dẫn người tiêu dùng.

Người sử dụng ở Singpore hiện phải trả mức cước hàng tháng 40 đôla Singapore cho kết nối băng thông rộng với tốc độ 6 megabit/giấy, một mức giá khá cao so với ở Hồng  Kông - nơi người tiêu dùng mỗi tháng phải trả khoảng 200 đôla Hồng Kông (36 đôla Singapore) cho dịch vụ tương tự với tốc độ 1 gigabit/giây.

“Tôi không cho rằng, chiến lược của chính phủ sẽ tạo ra sự cạnh tranh mới, ít nhất ở cấp độ cung cấp dịch vụ cơ bản. Singapore là một thị trường nhỏ, và cuộc chơi vẫn sẽ thuộc về ba doanh nghiệp viễn thông chính hiện nay là SingTel, StarHub và M1”, ông Bryan Wang, nhà phân tích thuộc công ty nghiên cứu Springboard Research, nói.

Theo chuyên gia này, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông bán lẻ không có khả năng cung cấp cùng lúc được nhiều dịch vụ như truyền hình, điện thoại di động hay cố định… sẽ phải vật lộn để giảm giá. Thêm vào đó, không phải người tiêu dùng nào cũng cần tới tốc độ kết nối lên tới 1 gigabyte/giây, nhất là khi họ có thể sử dụng mạng băng thông rộng di động với cước phí rẻ hơn.