15:56 09/06/2010

Singapore và sòng bạc: Từ siết đến nới

Kiều Oanh

Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore từng nói rằng sòng bạc muốn được mở ở nước này “phải bước qua xác tôi”

Bên trong sòng bạc Resorts World Sentos ở Singapore - Ảnh: NYT.
Bên trong sòng bạc Resorts World Sentos ở Singapore - Ảnh: NYT.
Là một người rất phản đối chuyện cờ bạc, nhà lập quốc Singapore, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, từng nói khi còn đương chức rằng, sòng bạc muốn được mở ở nước này “phải bước qua xác tôi”.

Giờ là cố vấn cho Chính phủ do người con trai cả Lý Hiển Long đứng đầu, ông Lý Quang Diệu vẫn có ảnh hưởng không nhỏ đối với đất nước Singapore. Tuy nhiên, hiện đã có hai sòng bạc hoành tráng không kém gì các casino Las Vegas hay Macao mới đây được khai trương ở đảo quốc sư tử.

Theo tờ New York Times, với quy mô lớn và vị trí thuận lợi để kết nối với trung tâm Singapore, hai sòng bạc trên đã làm thay đổi quang cảnh trên đất nước nhỏ bé này. Singapore hy vọng, hai sòng bạc sẽ giúp cải thiện hình ảnh, văn hóa và suy nghĩ của người dân nước này. Tuy nhiên, New York Times cho rằng, còn quá sớm để khẳng định mục tiêu đó có thành công hay không.

Những sòng bạc này là biểu tượng rõ nét nhất cho mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ Singapore trong việc nới lỏng những quy định chặt chẽ ở quốc gia này và đưa Singapore cạnh tranh mạnh hơn với những trung tâm tài chính quốc tế như Dubai hay New York.

Ngoài ra, được mở cửa hoạt động với những quy tắc giám sát vào hàng khắt khe nhất trên thế giới, những sòng bạc này cũng cho thấy, Singapore lo sợ sẽ nới lỏng quy định quá nhiều và quá nhanh.

Để hạn chế người dân chơi bạc, Chính phủ Singapore thực hiện thu phí vào cửa sòng bạc, với mức phí áp dụng là 70 USD/24h hoặc 1.400 USD/năm, đối với tất cả người bản xứ và những ai cư trú dài hạn ở nước này. Có khoảng 30.000 người, phần lớn thuộc diện nhận trợ cấp xã hội hoặc đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản, tự động bị cấm đặt chân tới casino.

Dù hy vọng sẽ thu hút được đối tượng khách hàng không phải trả phí vào cửa là người Trung Quốc, người Indonesia, hoặc đến từ các quốc gia khác tới sòng bạc, nhưng Chính phủ Singapore đã đặt ra những quy định nghiêm ngặt về báo cáo tình hình hoạt động đối với các casino này, khiến họ khó có thể thu hút được những con bạc “khát nước”, đối tượng vốn đóng góp một phần không nhỏ vào doanh thu của các casino.

Ở châu Á, đặc biệt là ở Macao, các con bạc lớn thường tìm đến những sòng chịu giữ kín thông tin cho họ. Tuy nhiên, Chính phủ Singapore lại yêu cầu các sòng bạc phải cung cấp tên tuổi, số hộ chiếu và mã số thuế của các khách hàng.

“Chúng tôi cho rằng, một số quy định của Chính phủ hiện hơi kém thân thiện đối với hoạt động kinh doanh sòng bạc. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu vì sao Chính phủ phải áp dụng những quy định như vậy”, ông Robin Goh, phát ngôn viên của khu tổ hợp nghỉ dưỡng và sòng bạc trị giá 4,7 tỷ USD có tên Resorts World Sentosa mới đi vào hoạt động hồi tháng 2/2010, phát biểu.

Ông Goh nói thêm, ở đây có những nỗi lo sợ rằng đánh bạc tại casino “có thể gây ra những vấn đề xã hội có tác động xấu tới hình ảnh vốn sạch sẽ của Singapore”.

Giống như ở Sentosa - khu tổ hợp nghỉ dưỡng và sòng bạc do một công ty Malaysia làm chủ đầu tư, ở Marina Bay Sands - tổ hợp nghỉ dưỡng và sòng bạc trị giá 5,5 tỷ USD mới mở cửa hồi tháng 4/2010 thuộc sở hữu của tập đoàn Mỹ Las Vegas Sands, khu vực sòng bạc chỉ chiếm 3% tổng diện tích sàn của cả khu.

Cùng với việc cho phép mở sòng bạc, Chính phủ Singapore quy định, casino chỉ được chiếm một phần nhỏ trong các tổ hợp bao gồm cả trung tâm hội nghị, mua sắm, nghỉ dưỡng, thăm quan văn hóa…

Theo ông Gillian Koh, một nhà nghiên cứu thuộc trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng, các khu nghỉ dưỡng có sòng bạc là một phần trong chiến lược nhằm biến Singapore từ “một trung tâm thương mại hoặc sản xuất” thành một “trung tâm dịch vụ”.

“Trước kia, Singapore phản đối sòng bạc, nhưng nay thì mọi chuyện đã khác vì chúng tôi biết phải thích nghi ra sao. Đó là một dấu hiệu về sự đổi mới về mặt xã hội và cả trong lĩnh vực dịch vụ nói riêng”, ông Koh phát biểu.

Việc Singapore phản đối sòng bạc trong nhiều thập kỷ qua xuất phát từ nhiều lý do, trong đó phải kể tới sự lo ngại các loại tội phạm rửa tiền, nghiện ma túy, mại dâm, và các vấn đề khác bị cho là thường đi kèm với hoạt động đánh bạc quy mô lớn.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các sòng bạc ở khu vực châu Á để phục vụ tầng lớp người giàu mới ở thị trường này, từ năm 2005, Chính phủ Singapore đã bàn chuyện cho mở cửa casino ở nước này.

Từ chỗ phản đối, ông Lý Quang Diệu đã chuyển sang ủng hộ việc mở casino và cho rằng việc này có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của Singapore. Ông Lý Quang Diệu khẳng định, việc phản đối cho sòng bạc hoạt động sẽ phát đi tín hiệu cho thấy “chúng ta không chịu thay đổi”.

Thủ tướng Lý Hiển Long thì cho rằng, casino sẽ đem tới cho Singapore sức hút như của London, Paris và New York.

Tới thời điểm này, báo chí Singapore cho biết, người địa phương đã chiếm một tỷ lệ lớn hơn dự kiến ban đầu trong số khách hàng đặt chân tới hai sòng bạc ở nước này. Tuy nhiên, còn phải chờ xem mới biết liệu các casino này có tạo ra được sức hút lớn như kỳ vọng và thu hút được nhiều khác nước ngoài hay không.