13:54 27/04/2010

Sôi động thị trường… diệt virus

Mạnh Chung

Các hãng phần mềm diệt vius đã và đang liên tục công bố các phiên bản mới và các chiêu khuyến mại để mở rộng thị phần

Ngay sau khi BkavPro 2009 được công bố, “thị trường diệt virus” bắt đầu được hâm nóng.
Ngay sau khi BkavPro 2009 được công bố, “thị trường diệt virus” bắt đầu được hâm nóng.
Các hãng phần mềm diệt vius đã và đang liên tục công bố phiên bản mới và những chiêu khuyến mại để thu hút người dùng và mở rộng thị phần.

Mở đầu là Trung tâm An ninh mạng Bách Khoa (Bkis). Gần cuối năm 2010, Bkis đã công bố phần mềm diệt virus BkavPro 2009, với tham vọng đánh bật các sản phẩm virus nước ngoài ra khỏi thị trường Việt Nam và trong năm 2010 sẽ “tiến” ra thị trường thế giới để mở rộng thị phần của mình.

Ngay sau BkavPro 2009 được công bố, “thị trường diệt virus” bắt đầu được hâm nóng. Liên tiếp các hãng phần mềm diệt virus cả trong nước và ngoài nước công bố phiên bản mới và các chương trình “kích cầu” của mình.

Hãng Symatec chính thức công bố hai đối tác phân phối mới là Công ty Thương mại Gia Long (Hà Nội) và Tân Niềm Tin (Tp.HCM), độc quyền phân phối các sản phẩm Norton tại miền Bắc và miền Nam. Công ty cổ phần An ninh An toàn thông tin CMC ra mắt phiên bản 2010 phần mềm CMC AV và CMC IS với 4 dòng sản phẩm cùng những tính năng mới.

Nối tiếp, hãng phần mềm diệt virus của Nga – Kaspersky cũng thông qua nhà phân phối Nam Trường Sơn công bố chương trình khuyến mại từ 1/3 - 30/5/2010 tặng Open Xchange cho doanh nghiệp khi mua sản phẩm KOSS R2 và triển khai giá bán mới giảm 15% (còn 500.000 đồng) cho bộ sản phẩm KIS 3PC (Kaspersky Internet Security 3) dành cho người dùng cá nhân và gia đình…

Tiềm năng lớn

Theo giới chuyên gia công nghệ, việc các hãng phần mềm cả nội và ngoại thời gian qua liên tiếp công bố các phiên bản mới và các chương trình khuyến mại, “kích cầu” cho sản phẩm của mình cho thấy tín hiệu thị trường phần mềm diệt virus tại Việt Nam đang có nhiều tiềm năng và hứa hẹn phát triển sôi động.
 
Hiện tại, trên thị trường phần mềm bảo mật cho máy tính đang tồn tại gần chục hãng và có sự phân chia khá rõ giữa hai sản phẩm trong nước là Bkav, CMC Infosec cùng các doanh nghiệp phần mềm nước ngoài như Symantec, Kaspersky, Trend Micro, McAfee và Bit Defender.
 
Ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Bkis cho rằng, cách đây 4 – 5 năm, mỗi tuần chỉ có vài ba con virus xuất hiện nên nhu cầu sử dụng phần mềm có bản quyền rất thấp, chỉ cần các bản miễn phí cũng có thể diệt được, vì thế nhu cầu cạnh trạnh, phát triển các sản phẩm bảo mật cũng chưa lớn.

Nhưng khoảng một hai năm lại đây, theo thống kê của Bkis, mỗi ngày có hàng trăm con virus, mỗi con virus lại nhân ra hàng trăm, hàng nghìn các biến thể, vì thế nhu cầu sử dụng phần mềm bảo mật có bản quyền của người dùng cũng nhiều hơn.

Bởi, nếu không sử dụng phiên bản có bản quyền thì sẽ rất khó phát hiện virus và khó bảo vệ được máy tính ở mức độ thường xuyên.

Theo đại diện một số hãng phần mềm bảo mật, tiềm năng cho thị trường bảo mật sẽ ngày càng lớn và xu hướng phát triển nhanh. Do môi trường làm việc, giải trí trên mạng của người dân ngày càng trở nên phổ biến, nhu cầu sử dụng Internet trong giao dịch thương mại điện tử, hành chính công, trong các doanh nghiệp… sẽ trở thành xu thế tất yếu.

Khi đó, các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức hành chính đều cần thiết phải sử dụng các phần mềm bảo mật để bảo vệ thông tin, đặc biệt là những thông tin quan trọng về hợp đồng kinh tế, giao dịch thương mại, hay cả về chính trị…

Bkis tính toán, trong tổng số khoảng 23 triệu thuê bao Internet hiện nay có khoảng hơn 5 triệu khách hàng tiềm năng là có nhu cầu sử dụng phần mềm bảo mật của Bkis. “Tuy nhiên, trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng phần mềm bảo mật chăc chắn sẽ cao hơn rất nhiều”, ông Quảng nói.

Cuộc cạnh tranh gay gắt

Mặc dù các hãng phần mềm trên đều xuất hiện khá sớm trên thị trường, nhưng tới cuối năm 2009, đầu năm 2010, thị trường phần mềm diệt virus mới có vẻ thực sự trở nên sôi động và có sự cạnh tranh gay gắt “ngầm” giữa các hãng.

Mức độ cạnh tranh không đơn thuần còn là sử dụng các phiên bản miễn phí như lâu nay mà các hãng đã đẩy mạnh cạnh tranh ở góc độ thị trường có bản quyền – mất tiền khi sử dụng.

Một số hãng đã tự quảng cáo bằng cách công bố thị phần của mình - đều chiếm thị phần tương đối lớn, như Bkav chiếm 85% thị phần; CMC Infosec chiếm 22%... Tuy nhiên, đây chỉ là những con số do thống kê của riêng hãng, nên chưa thể khẳng định đảm bảo tuyệt đối với mức độ chính xác.

Theo đánh giá của người tiêu dùng trên nhiều diễn đàn về công nghệ thì, Bkav và Kaspersky đang chiếm ưu thế trên thị trường phần mềm diệt virus hiện nay. Trong đó, Bkav chiếm ưu thế đối với nhóm đối tượng khách hàng cá nhân, khối khách hàng trung bình; còn Kaspersky được nhóm doanh nghiệp và khối các cơ quan nhà nước sử dụng nhiều hơn.

Hiện tại giá phiên bản BkavPro 2009 có giá là 299.000 đồng/1 năm sử dụng và khách hàng sử dụng sẽ được tự động nâng cấp lên phiên bản mới miễn phí. Trong khi đó, giá bản quyền của Kaspersky với phiên bản Internet Security 2010 có giá là 290.000 đồng và Anti-Virus 2010 có giá là 200.000 đồng. Hay của Symantec với sản phẩm NAV 2010 là 299.000 đồng cho bản quyền sử dụng 1 máy tính (kèm giấy phép cập nhật và hỗ trợ kỹ thuật miễn phí trong thời hạn 1 năm)…

Với các mức giá trên cho thấy, mức độ cạnh tranh về giá giữa các sản phẩm bảo mật hiện không quá chênh lệch. Các hãng đã đưa ra những chính sách giá cạnh tranh và “nhìn nhau” để phát triển. Vì thế, giá cả cũng chưa phải là yếu tố để người tiêu dùng phân biệt lựa chọn.

Tất nhiên, một số hãng vẫn có ưu thế trong xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng, nhưng vấn đề về chất lượng các phần mềm hiện nay thì vẫn chưa có một bản nghiên cứu, đánh giá khoa học, khách quan và chính xác nhất.

Vì vậy, một hãng phần mềm khá có uy tín tiết lộ, thời điểm tăng cường quảng bá, truyền thông, tăng cường các dịch vụ chăm sóc khách hàng và hỗ trợ kỹ thuật, cộng với sản phẩm có chất lượng được người sử dụng nhiều sẽ có vai trò quyết định để các hãng cạnh tranh với nhau.