10:10 15/10/2007

“Soi” lại lợi nhuận quá cao của ngân hàng cổ phần

Những nghi vấn bước đầu trước những công bố lãi cao của các ngân hàng cổ phần trong 9 tháng đầu năm nay

Dường như lãi của một số ngân hàng chủ yếu lại liên quan đến kinh doanh chứng khoán.
Dường như lãi của một số ngân hàng chủ yếu lại liên quan đến kinh doanh chứng khoán.
Còn mấy tháng nữa, nhưng nhiều ngân hàng thương mại cổ phần công bố đã đạt gần 85% đến trên 100% kế hoạch lợi nhuận năm.

Nhưng mức lãi này có phản ánh đúng năng lực hoạt động dài hạn, khả năng tăng trưởng bền vững, khả năng gia tăng giá trị cổ phiếu và yếu tố rủi ro của một số ngân hàng không?

Không thể phủ nhận mức độ tăng trưởng rất nhanh của các ngân hàng thương mại cổ phần trong 9 tháng đầu năm. Ví như, so cùng kỳ năm trước, các ngân hàng thương mại cổ phần ở Hà Nội đạt mức tăng tổng tài sản 50%, vốn huy động 60,4 % và dư nợ tăng 42,5 %, trong khi đó mức tăng tương ứng của khối ngân hàng thương mại nhà nước chỉ là 21,9%-27% và 24%. Các ngân hàng thương mại cổ phần đều kinh doanh có lãi.
Tuy nhiên lợi nhuận của một số ngân hàng có đến mức "chót vót" và cơ cấu lãi có đảm bảo sự phát triển dài hạn không? Vẫn có một số vấn đề khiến người ta phải đặt câu hỏi.

Môi trường không thuận lợi

Chín tháng đầu năm là một khoảng thời gian khó khăn cho hoạt động ngân hàng. Thị trường chứng khoán sụt giảm kéo dài. Việc mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế khó khăn do điều kiện vay vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa được cải thiện rõ rệt, các doanh nghiệp lớn ngày càng giảm sử dụng vốn vay ngân hàng, tăng huy động từ thị trường chứng khoán. Cho vay lĩnh vực bất động sản vẫn hạn chế vì thị trường tiếp tục trầm lắng...

Bên cạnh đó, để ngăn ngừa rủi ro trong hoạt động tín dụng và kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Nhà Nước buộc các tổ chức tín dụng phải giảm tỉ lệ đầu tư, cho vay kinh doanh chứng khoán về dưới mức 3%/tổng dư nợ và tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc lên gấp đôi khiến chi phí vốn của các ngân hàng tăng lên.

Từ tháng 6, nhiều ngân hàng đã dự đoán kết quả thu nhập của năm sẽ giảm sút. Trái lại, mức lợi nhuận 9 tháng được một số ngân hàng thương mại cổ phần công bố tăng một cách ngỡ ngàng.

Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần trong top 5 ở Tp.HCM nói: "Không hiểu một số ngân hàng làm gì mà lãi lớn thế? Chúng tôi xoay xở cật lực, tỉ lệ sử dụng vốn để cho vay đến hơn 80% vốn huy động mà lợi nhuận cũng chưa bằng nửa họ. Cổ đông cứ chất vấn sao quy mô vốn không thua mấy mà lợi nhuận thì thấp thế?".

Ngay cả một vị lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước cũng phải quan tâm tìm hiểu xem thực chất một số ngân hàng có lãi cao như công bố không?

Chi phí cao

Một số vị lãnh đạo của ngân hàng thương mại cổ phần giải thích lợi nhuận cao là do năm 2007 các ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhanh về quy mô hoạt động và mạng lưới, mở rộng tín dụng, đa dạng hoá các sản phẩm tăng thu dịch vụ...

Những lý do này tính thuyết phục chưa cao lắm vì: Thứ nhất, từ năm 2006 đến nay, đa số các ngân hàng thương mại cổ phần tập trung vào mở rộng mạng lưới. Riêng 8 ngân hàng thương mại cổ phần ở Hà Nội mở thêm 39 chi nhánh và hàng trăm điểm giao dịch trên khắp toàn quốc.

Chi phí để mở chi nhánh là rất lớn và hầu hết các chi nhánh mới mở năm đầu lỗ hoặc hoà vốn, sau 2 năm hoạt động mới bắt đầu có lãi. Theo một vài nguồn tin thì nhiều chi nhánh (kể cả mở đã lâu) của các ngân hàng thương mại cổ phần Tp.HCM mở tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ không có lãi.

Thứ hai, thời gian qua, hệ thống ngân hàng nói chung và ngân hàng thương mại cổ phần nói riêng đều không phát triển mạnh được dịch vụ. Nhìn vào kết quả thu nhập 8 tháng đầu năm của các ngân hàng thương mại cổ phần thì hầu hết tỉ trọng thu dịch vụ (trừ góp vốn mua cổ phần) đều giảm, giảm nhất là thu kinh doanh ngoại hối.

Thứ ba, theo một lãnh đạo ngân hàng thì trong bối cảnh dư thừa vốn khả dụng ngắn hạn, nhiều ngân hàng phải hạ lãi suất cho vay để giải ngân. Trong khi vốn huy động vẫn phải trả lãi cao thì càng đẩy mạnh tín dụng càng có nguy cơ lỗ.

Lãi do đầu tư và kinh doanh chứng khoán?

Những chỉ tiêu công bố vừa qua của các ngân hàng chỉ bao gồm: Tổng tài sản, vốn điều lệ, vốn huy động, dư nợ, lợi nhuận trước thuế. Nhìn vào đây, các nhà đầu tư thấy chỉ tiêu nào cũng tăng trưởng rất cao, ROA, ROE rất "đẹp".

Không ai biết được tỉ trọng lãi từ từng loại hoạt động của ngân hàng thế nào. Như mọi người đều biết, ngân hàng là một tổ chức tài chính trung gian chủ yếu hoạt động trên thị trường tiền tệ. Một cơ cấu thu nhập đảm bảo sự phát triển bền vững của ngân hàng là thu nhập từ các hoạt động cốt lõi phải chiếm tỉ trọng lớn.

Tuy nhiên, có vẻ như lãi của một số ngân hàng chủ yếu lại liên quan đến kinh doanh chứng khoán. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã có các công ty con, trong đó có công ty chứng khoán.

Báo cáo do các ngân hàng này công bố là báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng mẹ và các công ty con. Lãi của các công ty chứng khoán có khi chiếm đến một phần ba, thậm chí một nửa tổng lãi của một số ngân hàng.

Bên cạnh đó, dư nợ cho vay, đầu tư để kinh doanh chứng khoán (những đối tượng được đề cập đến trong Chỉ thị 03) cũng được tính vào hoạt động tín dụng chung. Như vậy, ngay trong thu nhập từ hoạt động tín dụng của các ngân hàng cũng có một phần liên quan đến chứng khoán.

Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng thương mại Nhà nước nói: "Một số ngân hàng thương mại cổ phần vừa qua có mức lãi cao là do họ bán chứng khoán đầu tư, phát mãi tài sản thế chấp của một số khoản nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, thu được thặng dư vốn từ phát hành thêm cổ phần...".

Phương pháp hạch toán có vấn đề?

Cũng liên quan đến mức lãi công bố quá cao, một số chuyên gia am hiểu về kế toán còn nghi ngờ về nguyên tắc ghi nhận và phương pháp hạch toán lãi - lỗ.

Ông T. (Ngân hàng Nhà nước) nói: "Tôi nghĩ mức lợi nhuận cao của một vài ngân hàng có thể còn do cách chế hạch toán nữa. Ngân hàng nào bây giờ cũng có các phần mềm tự động (corebanking) để lập các báo cáo tài chính. Vì thực hiện theo quy định hạch toán dự thu, dự chi nên những khoản nợ có dấu hiệu rủi ro đáng lẽ ra phải chuyển sang các nhóm nợ phải trích lập dự phòng (làm tăng chi phí) thì máy tự động xếp vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn và tự động tính lãi dự thu, đúng ra lúc đó phải chuyển sang tính lãi thực thu. Nếu ngân hàng không tự giác thực hiện kỷ luật kế toán thì không thiếu gì cách để tạo ra lãi."

Cũng theo chuyên gia này, phải nhìn vào các dòng tiền vào (nhận) và ra (chi trả) trong một thời kỳ nhất định từ các hoạt động của ngân hàng (báo cáo lưu chuyển tiền tệ) thì mới biết chính xác mức lãi thực, nhưng đáng tiếc là báo cáo lưu chuyển tiền tệ chỉ thực hiện cho năm tài chính kết thúc.

Từ tháng 4/2007, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có Quyết định 16/2007/QĐ-NHNN ban hành chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng thay thế cho các chế độ đã ban hành trước đây. Theo đánh giá chung, chế độ báo cáo tài chính mới phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam, các mẫu biểu hợp lý, khoa học.

Tuy nhiên để có số liệu đầu vào phản ánh chính xác tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của ngân hàng thì một số văn bản có liên quan cũng cần được sửa đổi, nhất là Quyết định 493/2005/QĐ-NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng.

Bên cạnh đó, tuy các ngân hàng đều có kiểm toán, nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng nên tiến hành phân tích báo cáo tài chính của một số ngân hàng có dấu hiệu bất thường để kịp thời phát hiện ra những vấn đề cần chấn chỉnh, cảnh báo, kể cả việc thẩm tra lại kết quả của các đơn vị kiểm toán.