01:27 15/03/2010

Sóng ngành nào sẽ dẫn dắt thị trường chứng khoán?

Huỳnh Văn Phát - Lê Anh Thi

Một số ngành có tính chất “dẫn dắt” VN-Index trong khi một số ngành khác “ăn theo”, đi sau

Là một trong ba ngành lớn có tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index, sóng bất động sản có thể là động lực cho thị trường tăng trưởng trong thời gian tới - Ảnh: Quang Liên.
Là một trong ba ngành lớn có tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index, sóng bất động sản có thể là động lực cho thị trường tăng trưởng trong thời gian tới - Ảnh: Quang Liên.
Nhìn vào giao dịch cụ thể trên thị trường, chúng ta sẽ thấy nhiều sóng ngành đang diễn ra có đặc điểm, vai trò và đóng góp cho VN-Index khác nhau.

Các sóng ngành trong thời gian qua khá sinh động và cho chúng ta cái nhìn sâu hơn về thị trường đang diễn biến như thế nào.

Hiểu thế nào về sóng ngành?

Đặc trưng của sóng ngành là nó được tạo nên bởi sự tăng giá đột ngột của các cổ phiếu trong ngành đó, kèm theo tăng đột biến khối lượng giao dịch - biểu hiện của dòng tiền đổ vào ngành.

Tương tự như sóng của VN-Index, trước khi tăng trưởng, sóng ngành cũng trải qua thời kỳ tích lũy, thường được biểu hiện bởi khối lượng giao dịch tăng dần và giá đi ngang. Khi kết thúc, sóng ngành có thể phản ánh thời kỳ phân phối: khối lượng giao dịch sau khi tăng đột biến chuyển sang giảm dần, giá không tăng lên được nữa. Tuy nhiên, sóng ngành có thể lại trỗi dậy khi có đủ thông tin hỗ trợ.

Sóng các ngành thường chỉ bắt đầu khi hai điều kiện cơ bản được đáp ứng khi sự tăng trưởng thuận lợi của VN-Index, hoặc kỳ vọng VN-Index sẽ tăng ổn định (tuy nhiên, yếu tố này sẽ không tác động đến các ngành mang dẫn dắt thị trường) và có các tin tốt hỗ trợ cho ngành đó.

Một điều đáng lưu ý là sóng ngành có thể diễn ra song song, hoặc trước, hoặc chậm hơn so với tăng trưởng của VN-Index. Một số ngành có tính chất “dẫn dắt” VN-Index trong khi một số ngành khác “ăn theo”, đi sau. Một số ngành có thể có sóng gần như kết thúc cho dù VN-Index vẫn còn tiếp tục tăng.

Nhìn chung, sóng ngành thường được quan tâm ở một số góc độ. Thứ nhất là cường độ của sóng: mức độ tăng giá cao hơn, thấp hơn hay tương đương so với VN-Index.

Thứ hai là mức độ tăng trưởng của khối lượng giao dịch, phản ánh độ lớn của dòng tiền đổ vào. Thứ ba là thời gian của sóng diễn ra dài hay ngắn, có lặp lại hay không. Thường thời gian này gắn liền với thời gian tác động của các tin tức hỗ trợ.

Ngoài ra, do mỗi ngành đều có những cổ phiếu có đặc điểm dẫn dắt ngành đó, nên khi sóng ngành bắt đầu, những cổ phiếu này sẽ tăng trưởng đầu tiên. Các cổ phiếu này tăng mạnh kéo theo các cổ phiếu khác trong ngành tăng theo.

Những ngành nào cấu thành VN-Index?

Hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có quy mô chiếm 38% GDP năm 2009. Vốn hóa thị trường lên đến 619.948 tỷ đồng, với 478 công ty niêm yết. Lớn nhất là 3 nhóm ngành ngân hàng, bất động sản và tài chính - chứng khoán, chiếm hơn 50% tổng vốn hóa thị trường. Đây là nhóm chủ yếu cấu thành VN-Index và có tính dẫn dắt thị trường.

Cơ cấu vốn hóa các ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến nay được thể hiện ở bảng sau.

Ngành Vốn hóa thị trường (tỷ đồng)
Tỷ trọng vốn hóa
Ngân hàng 149.492 24,11%
Bất động sản 91.070 14,69%
Tài chính - Chứng khoán 74.011 11,94%
Công nghiệp xây dựng 35.585 5,74%
Công nghiệp khác 46.892 7,56%
Công nghệ thông tin 18.133 2,92%
Dầu khí 19.006 3,07%
Dịch vụ tiêu dùng 10.169 1,64%
Dược phẩm 8.047 1,30%
Hàng tiêu dùng 84.816 13,68%
Nguyên vật liệu 64.101 10,34%
Tiện tích công cộng 18.623 3,00%
HOSE & HNX 619.945 100,00%
Nguồn: HOSE, HNX, AVSC

Ngành ngân hàng tuy hiện tại chỉ có 6 đại diện niêm yết cổ phiếu nhưng vốn hóa lại chiếm tỷ trọng lớn nhất. Ngân hàng là nhóm ngành có hình thức hoạt động đặt biệt hơn tất cả các ngành khác ở chỗ ngành này chịu tác động trực tiếp từ chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, sau đó hoạt động của ngành này ảnh hưởng đến hầu hết hoạt động của các ngành khác thông qua ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng và chi phí vốn.

Chính vì hai lý do này mà nhóm ngành ngân hàng luôn tác động nhiều đến hướng đi của thị trường.

Ngành bất động sản chiếm tỷ trọng vốn hóa thị trường đến 14,69%. Bản chất hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành mang tính chất đột biến rất lớn, ngoài ra bất động sản còn là một kênh đầu tư có thể tách rời hoàn toàn với chứng khoán. Có thể nói, khi đầu tư vào cổ phiếu ngành bất động sản, dường như là đã đầu tư cùng một lúc vào hai kênh đầu tư mạnh nhất ở Việt Nam hiện nay. Vì vậy, cổ phiếu ngành bất động sản mang tính dẫn dắt dòng tiền rất cao.

Các doanh nghiệp ngành tài chính - chứng khoán (công ty tài chính, đầu tư, bảo hiểm, chứng khoán) chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu vốn hóa thấp hơn (11,94%), đặc biệt ngành chứng khoán chỉ chiếm 4,67%, nhưng có ảnh hưởng rất lớn đến hướng đi của thị trường.

Nguyên nhân là do hoạt động của các doanh nghiệp này gắn liền với sự biến động của thị trường chứng khoán. Kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán (phần lớn từ tự doanh) phản ánh sự thăng trầm của cả thị trường và do đó, kỳ vọng về sự tăng trưởng của thị trường phản ánh qua kỳ vọng về sự tăng giá của các cổ phiếu công ty chứng khoán.

Các nhóm ngành khác do vốn hóa không cao, đồng thời tính đặc thù là không quá khác biệt so với các ngành khác. Chính vì lẽ đó, sự biến động của cổ phiếu các ngành này bị ảnh hưởng nhiều bởi hướng đi của thị trường. Khi thị trường tăng trưởng ổn định, các thông tin hỗ trợ cho nhóm ngành cũng sẽ là làm sóng ngành có thể hình thành bất cứ lúc nào, tuy nhiên mức độ sẽ khác nhau rất nhiều.

Như vậy, lịch sử cũng như bản chất hoạt động cho thấy tính dẫn dắt thị trường rất lớn của 3 nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.

Diễn biến các sóng ngành thời gian qua

Sóng ngành ngân hàng luôn là sự khởi đầu cho một giai đoạn tăng trưởng của thị trường chứng khoán, tuy nhiên không nhất thiết song hành suốt quá trình tăng trưởng của VN-Index. Cuối tháng 2 vừa qua, sóng ngành ngân hàng nổi lên với sự đóng góp lớn của khối nhà đầu tư nước ngoài khi liên tục mua vào CTG và VCB.

Thông tin hỗ trợ lúc này là thanh khoản ngân hàng được cải thiện, tỷ giá sau khi điều chỉnh đã ổn định, cho phép trần lãi suất cho vay thuận lợi cho ngân hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, khi tin tốt về ngành ngân hàng chưa có bước đột phá, sóng ngân hàng đến nay đã giảm dần.

Trọng tâm chú ý lại hướng đến nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán khi sóng ngân hàng giảm dần, vì đây là nhóm tiếp tục vai trò dẫn dắt thị trường. Sóng ngành chứng khoán diễn ra từ đầu tháng 3 nhưng khá mờ nhạt. Điều này phần nào làm thị trường liên tục dao động trong một biên độ hẹp mà không có sự bứt phá đáng kể.

Tuy nhiên, sự kiện KLS chia thưởng cổ phiếu 1:1 (điều chỉnh giá ngày 8/3) đã tạo ra một lực cầu cực lớn liên tục trong 3 ngày sau đó, kéo theo các cổ phiếu chứng khoán khác cũng tăng giá. Lúc này sóng chứng khoán trở nên mạnh hơn và có thể nói, sóng chứng khoán là động lực giúp VN-Index bứt phá ra lên trên ngưỡng kháng cự mạnh 520 điểm.

Năm 2010, giá cả các hàng hóa như than, điện, nước sẽ dần dần được áp dụng theo cơ chế thị trường. Cuối tháng 2, giá than chính thức được được tăng giá khi bán cho các tập đoàn, chênh lệch với giá than xuất khẩu được giảm đáng kể. Đây là nguyên nhân chính làm cho sóng ngành than được hình thành vào cuối tháng hai.

Sóng ngành than diễn ra, tuy nhiên lại không mạnh nên chỉ để lại ấn tượng nhỏ cho hầu hết nhà đầu tư. Mặc dù có chỉ số P/E thấp nhất so với các ngành khác, nhưng có lẽ đa số nhà đầu tư vẫn ít quan tâm do họ nhìn nhận ngành than như là ngành “phúc lợi” - tức là cơ chế trích quỹ khen thưởng cho cán bộ công nhân viên quá lớn so với quyền lợi dành cho cổ đông.

Đầu ra của ngành than là đầu vào của ngành nhiệt điện, và giá điện cũng được điều chỉnh tăng 6,8% so với năm 2009, áp dụng từ 1/3/2010. Những doanh nghiệp nào được tăng giá bán mà không phải tăng giá nguyên liệu đầu vào như doanh nghiệp thủy điện rõ ràng là được lợi nhiều nhất.

Cổ phiếu VSH đã có hai phiên tăng trần với khối lượng giao dịch kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, các phân tích cho thấy mặc dù giá điện tiêu dùng tăng ngay, EVN chưa thể sớm điều chỉnh giá mua điện của các công ty sản xuất điện, dự kiến chỉ từ quý 2 hoặc 3/2010, nên có lẽ kỳ vọng của nhà đầu tư đã diễn ra sớm hơn với thực tế tăng trưởng lợi nhuận của ngành. Kết quả là sau hai phiên đó, sóng ngành điện, bao gồm cả VSH, đã giảm dần.

Tỷ giá gia tăng sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thủy sản và cao su sẽ được gia tăng. Sóng ngành thủy sản được khởi động với tiên phong là cổ phiếu ANV, sau đó là AAM, một cổ phiếu mới lên sàn với chỉ số tài chính rất tốt như P/E < 8. ABT từng là cổ phiếu dẫn dắt ngành thủy sản trong năm 2009, nhưng lần này lại có vai trò khá mờ nhạt. Thực tế là dù cho tỷ giá tăng, doanh thu quý 1 thường là doanh thu thấp nhất của các doanh nghiệp thủy sản trong năm do tính mùa vụ. Sóng ngành thủy sản yếu dần sau 3 phiên giao dịch.

Ngành cao su tự nhiên được lợi lớn khi giá cao su thế giới liên tục tăng điểm. Giá cổ phiếu của các công ty trong ngành liên tục tăng điểm. Lịch sử giao dịch cho thấy sóng ngành cao su diễn ra rất dài và rất chậm, điều này vẫn đúng với con sóng hiện tại. Sóng ngành cao su đã diễn ra từ đầu tháng 3 và vẫn còn kéo dài đến bây giờ, và không có sự tăng giá đột biến trong nhiều phiên giao dịch.

Cuối tháng 2, giá đường thế giới đã tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái do thời tiết xấu khiến sản lượng tại Ấn Độ và Brazil giảm mạnh. Đây là một thông tin hỗ trợ khá tốt cho sóng ngành mía đường hình thành. Tuy nhiên, sự đồng thuận không cao giữa ba yếu tố giá, nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm đã làm sóng ngành lại diễn ra rất nhanh chỉ trong 3 phiên giao dịch.

Điểm đáng chú ý hơn cả là sóng ngành thép và khai khoáng. Sóng ngành thép xảy ra rất mạnh vào cuối tháng 2 và đến nay mới có dấu hiệu chững lại. Thông tin hỗ trợ cho ngành là giá thép thế giới liên tục tăng và kỳ vọng của nhà đầu tư về hoạt động xây dựng ít nhiều khôi phục lại từ quý 2, nhất là khi còn nhiều “room” cho tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, nhằm mục đích kiểm soát lạm phát nên một số mặt hàng chủ đạo sẽ được điều chỉnh giá, trong đó có cả ngành thép. Đây là một yếu tố phần nào làm giảm đà tăng của sóng ngành thép. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư chắc vẫn còn in đậm ấn tượng về thành tích tăng trưởng vượt bậc của cổ phiếu thép trong năm 2009 nên dòng tiền vẫn đổ khá mạnh vào cổ phiếu thép và trong thời gian khá dài, cùng với VN-Index.

Sóng ngành khai khoáng diễn ra trong thời gian ngắn hơn ngành thép nhưng lại có mức độ mạnh hơn và quy mô lại xảy ra trên nhiều mã cổ phiếu hơn. Giá các vật liệu khai khoáng gia tăng cũng như việc tiến hành khai thác các mỏ mới là động lực để sóng của ngành được tạo ra trong thời gian qua. Riêng với các cổ phiếu khai thác đá như DHA, KSB… có chỉ số hiệu quả tài chính rất tốt. Tương tự ngành thép, có lẽ yếu tố lịch sử tăng giá ấn tượng trong năm 2009 làm cho dòng tiền vẫn đổ mạnh vào ngành khai khoáng khi có cơ hội vào lúc này.

Sóng ngành nào sẽ dẫn dắt thị trường chứng khoán? - Ảnh 1
Biểu đồ sóng một số ngành có tính dẫn dắt thị trường trong thời gian qua.

Phân tích sóng bất động sản

Là một trong ba ngành lớn có tỷ trọng lớn nhất trong VN-Index, sóng bất động sản có thể là động lực cho thị trường tăng trưởng trong thời gian tới.

Các công ty bất động sản có kết quả kinh doanh 2009 nhìn chung thuận lợi, nên dự kiến nhiều công ty sẽ công bố các tin chia cổ tức, cổ phiếu thưởng hấp dẫn trong mùa đại hội cổ đông này. Ngoài ra, do tính chất lợi nhuận ngành bất động sản có thể “để dành” được, không loại trừ nhiều công ty vẫn duy trì được lợi nhuận ấn tượng trong quý 1/2010.

Giao dịch thời gian gần đây cho thấy sóng ngành bất động sản liên tục thay đổi trong một thời gian rất ngắn. Điều này cũng ứng với đặc điểm quý 1/2010, khi tăng trưởng tín dụng còn thấp và các dự án bất động sản thường không đẩy mạnh trong thời gian ngay sau Tết. Lịch sử nhiều lần cho thấy, từ cuối quý 2 trở đi, sóng bất động sản sẽ diễn ra mạnh hơn, xảy ra nhiều lần và kéo dài đến cuối năm (tương ứng với thời kỳ mở rộng tín dụng và tăng trưởng kinh tế mạnh hơn).

Sóng bất động sản cũng kéo theo những ngành liên quan là ngành xây dựng và vật liệu xây dựng như thép, xi măng… có khả năng hình thành sóng.

Xin lưu ý là nhiều công ty tuy phân loại thuộc nhóm xây dựng nhưng cũng có hoạt động kinh doanh dự án bất động sản, hoặc tỷ trọng lợi nhuận đến mà có dự án bất động sản đang được kỳ vọng gia tăng mạnh. Những công ty này cũng ít nhiều sẽ có sóng như sóng bất động sản.

Trong lịch sử, sóng ngành xây dựng thường được chú ý từ thời điểm quý 2 trở đi, hoạt động xây dựng được đẩy mạnh. Riêng dòng "sông Đà" thường tạo ra được những con sóng rất mạnh, có tính đầu cơ cao.

Trong các ngành vật liệu xây dựng, thì nhóm ngành thép tuy đã có đợt tăng vừa qua, vẫn có khả năng tăng tiếp, theo như các yếu tố đã phân tích trên. Riêng ngành xi măng thì vẫn mang yếu tố hỗ trợ cho ngành xây dựng phát triển và có ảnh hưởng lớn đến lạm phát nên giá cả luôn bị chi phối và được bình ổn nên sự đột biến lợi nhuận của các doanh nghiệp rất khó. Do đó, sóng ngành này, nếu có xảy ra, nhiều khả năng cũng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

* Nhóm tác giả bài viết thuộc Công ty Cổ phần Chứng khoán Âu Việt (AVSC).