11:09 21/08/2007

Sốt ruột cổ phần hóa các mạng viễn thông di động

Thông tin về việc cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông di động của Việt Nam đã được các cơ quan chức năng công bố từ năm 2005

Đến nay, mới chỉ có MobiFone chính thức khởi động tiến trình cổ phần hóa.
Đến nay, mới chỉ có MobiFone chính thức khởi động tiến trình cổ phần hóa.
Thông tin về việc cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông di động của Việt Nam đã được các cơ quan chức năng công bố từ năm 2005.

Song đến nay, mới chỉ có MobiFone chính thức khởi động tiến trình này. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của WTO, việc chậm cổ phần hóa các mạng viễn thông di động sẽ cản trở tự do hóa thị trường viễn thông.

MobiFone: Đầu năm 2008 sẽ IPO?

Đầu năm 2007, lãnh đạo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và MobiFone tuyên bố, mạng viễn thông di động này sẽ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối năm 2007. Tuy nhiên, đến tháng 8-2007, MobiFone mới “gút” được danh sách 6 nhà thầu quốc tế tham gia đấu thầu tư vấn cổ phần hóa.

Thời gian mở thầu chưa được công bố, nhưng theo giới phân tích, nếu làm nhanh thì đến tháng 10-2007 mới chọn được nhà tư vấn cổ phần hóa MobiFone. Sau đó, nhà tư vấn này sẽ phải mất khoảng 2-3 tháng để xây dựng đề án cổ phần hóa chi tiết, cũng như kế hoạch IPO để trình Chính phủ phê duyệt. Theo kế hoạch được VNPT tiết lộ, IPO MobiFone sẽ được tiến hành vào đầu năm 2008 và VNPT vẫn là đơn vị chủ quản nắm số cổ phần chi phối của MobiFone.

Tuy nhiên, với tiến trình triển khai như trên, cộng với chủ trương của Chính phủ muốn giãn thời điểm IPO của một số doanh nghiệp lớn, khó có khả năng MobiFone tiến hành IPO đúng theo kế hoạch.

Mạng di động VinaPhone cũng chưa có đề án cụ thể cổ phần hóa. Ông Hoàng Trung Hải, Giám đốc VinaPhone, cho biết VNPT đang tập trung cổ phần hóa MobiFone trước, sau đó mới tiến hành tiếp theo với VinaPhone. Còn mạng viễn thông di động còn lại nằm trong kế hoạch cổ phần hóaù là Viettel đã tuyên bố: “cổ phần hóa không phải là mục tiêu ưu tiên trong thời điểm này”.

Lý do là Viettel lo ngại nếu tiến hành cổ phần hóa, sự tham gia của quá nhiều cổ đông nhỏ với những mục tiêu rất ngắn hạn trước mắt sẽ ảnh hưởng tới những chiến lược xây dựng tập đoàn Viettel về lâu dài. “Khát vọng của chúng tôi là muốn đưa dịch vụ viễn thông, đặc biệt là thông tin di động tới tất cả người dân, nhất là những người nghèo. Bởi vậy, nếu như cổ phần hóa, liệu các cổ đông có muốn chúng tôi dựng trạm ở những vùng sâu, vùng xa không? Chắc là không, bởi ở đó đâu có giúp Viettel sinh lợi nhuận”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel nói.

Nhà đầu tư sốt ruột!

Trong những năm qua, thị trường viễn thông di động Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng 60-70%/năm và được coi là thị trường đầy tiềm năng đối với các nhà đầu tư. Xếp về mức độ tăng trưởng cao trên thế giới về viễn thông di động, Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc. Hiện tổng số thuê bao di động trên cả nước đạt hơn 12 triệu thuê bao/84 triệu người.

Tốc độ tăng trưởng nhanh, khả năng thu hồi vốn lớn... là những yếu tố khiến lĩnh vực thông tin di động của Việt Nam thu hút sự chú ý của không ít nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là khi nước ta gia nhập WTO. Bởi thế, khi kế hoạch cổ phần hóa các mạng viễn thông di động được công bố, nhiều tập đoàn nước ngoài đã tỏ rõ dự định và tham vọng mua lại cổ phần của MobiFone, VinaPhone hay Viettel.

Ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), cho biết các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang rất nóng lòng tham gia vào quá trình cổ phần hóa lĩnh vực viễn thông. “Eurocham cùng các thành viên của mình mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm đưa ra một lộ trình cho sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài” -ông Alain Cany nói.

Hồi tháng trước, VodaFone -hãng điện thoại di động đứng thứ ba thế giới về doanh thu- đã công bố ý định đầu tư vào Việt Nam, trong đó ưu tiên nhắm tới mua cổ phần của MobiFone hoặc VinaPhone. Mới đây, Tập đoàn Viễn thông Singapore Telecommunications Ltd. (SingTel) cũng đã tuyên bố sẽ đầu tư vào lĩnh vực viễn thông của Việt Nam. Còn ở trong nước, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng liên tục có văn bản thúc giục các doanh nghiệp viễn thông sớm tiến hành cổ phần hóa.

Cản trở tự do hóa thị trường?

Theo cam kết WTO về lĩnh vực dịch vụ viễn thông cơ bản (như dịch vụ điện thoại cố định và di động, truyền số liệu, thuê kênh riêng…), bên nước ngoài chỉ được phép đầu tư dưới hình thức liên doanh với nhà khai thác Việt Nam đã được cấp phép, vốn góp tối đa 49% vốn pháp định của liên doanh. Như vậy, con đường ngắn nhất vào Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài là mua cổ phần của các doanh nghiệp trong nước.

Theo TS. Phan Minh Ngọc (Khoa Kinh tế - Đại học Kyushu, Nhật Bản), sự thâm nhập vào thị trường viễn thông Việt Nam sẽ bị cản trở nhìn từ triển vọng cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông nội địa. Theo thỏa thuận với WTO, các doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát bao nhiêu phần trăm thị phần dịch vụ này phụ thuộc vào số lượng công ty nội địa được cổ phần hóa và lên sàn. “Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có công ty nội địa nào được cổ phần hóa và đưa lên sàn, khiến cho triển vọng tự do hóa thị trường viễn thông từ kênh này chưa rõ ràng,” TS. Phan Minh Ngọc nói.

Theo nhiều chuyên gia, việc gia nhập WTO sẽ khó có một ảnh hưởng lớn đến sự tự do hóa thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam. Mặc dù sẽ có nhiều văn bản luật được ban hành đáp ứng nhu cầu cam kết gia nhập WTO, nhưng xét về cơ cấu thị trường, những tiểu ngành chủ chốt như ngành dịch vụ điện thoại di động và cố định sẽ vẫn được đặt dưới sự kiểm soát mang tính độc quyền hoặc bị chi phối bởi VNPT.

Những tiểu ngành ngoại vi như paging, Internet và các dịch vụ thặng dư giá trị khác sẽ được mở rộng cửa cho cạnh tranh nước ngoài. Cơ cấu giá cước có thể thay đổi dần, phản ánh sát hơn quan hệ giữa dịch vụ nội hạt và đường dài. Kết quả là lợi nhuận (độc quyền) sẽ giảm mạnh.

Hiệu ứng của việc này là sự nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài, vì biên độ lợi nhuận trong một số lĩnh vực dịch vụ viễn thông béo bở nhất sẽ giảm mạnh vào thời điểm thị trường này được mở ra cho cạnh tranh nước ngoài. Nếu thực tế diễn ra theo đúng theo viễn cảnh này, rõ ràng việc chậm cổ phần hóa các doanh nghiệp viễn thông đã làm mất đi cơ hội cho nhà đầu tư và cả việc phát triển của thị trường viễn thông Việt Nam.