08:06 27/04/2010

Standard Chartered: Cần cảnh giác với luồng vốn “chảy ngược”

Dương Lâm

Các luồng tín dụng đang đổ vào khu vực kinh tế mới nổi ngày một nhiều, nhưng chúng có thể gây ra bong bóng tài sản

Cần có hành động khẩn cấp để ngăn chặn tác động từ tín dụng nóng - Ảnh: AP.
Cần có hành động khẩn cấp để ngăn chặn tác động từ tín dụng nóng - Ảnh: AP.
Các nền kinh tế mới nổi cần có “hành động khẩn cấp” đối với các luồng vốn đang đổ vào khu vực này ngày một nhiều, bởi chúng có thể gây ra bong bóng tài sản và bắt đầu một giai đoạn mới của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngân hàng Standard Chartered của Anh cảnh báo.

Sự tăng mạnh luồng vốn từ các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là ở châu Á, đã góp phần gây ra bong bóng tài sản ở phương Tây và dẫn tới sự đổ vỡ tài chính năm 2007. Tuy nhiên, dòng chảy này đã đảo chiều, và khu vực kinh tế mới nổi hiện là điểm tiếp nhận cuối.

Bloomberg dẫn báo cáo công bố ngày 26/4 của các chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Standard Chartered cho biết, những luồng vốn đổ vào các nền kinh tế mới nổi đang ngày một lớn hơn. Chúng bao gồm khoản cho vay của ngân hàng, đầu tư trực tiếp, gián tiếp và tín dụng nóng.

Sở dĩ luồng vốn đổ vào khu vực này ngày một tăng là do sức hấp dẫn của tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và lãi suất hấp dẫn hơn. Gerard Lyons, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Standard Chartered, cho rằng châu Á là nơi tiếp nhận chủ yếu các nguồn vốn từ phương Tây. Tiếp đến là Mỹ Latinh, Đông Âu và châu Phi.

Theo ông, sự dư thừa về tín dụng có nguy cơ gây ra các vấn đề mới về kinh tế và tài chính tại các nền kinh tế đang nổi. Thêm vào đó, khả năng hấp thụ vốn của nhiều nền kinh tế mới nổi còn rất hạn chế. Khi không có chỗ chứa, luồng tiền chảy vào sẽ đổ sang thị trường chứng khoán hoặc bất động sản, qua đó làm tăng sức ép lạm phát.

Standard Chartered cho rằng, mặc dù các nền kinh tế mới nổi rất cần nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để giúp họ tăng trưởng, nhưng sự gia tăng các nguồn “tín dụng nóng” là một mối nguy lớn. Bởi tín dụng nóng là những khoản đầu tư tài chính mang tính tạm thời để hưởng lãi suất cao, nên có thể bị rút khỏi thị trường bất cứ lúc nào.

Theo đó, ngân hàng này cảnh báo, các nền kinh tế mới nổi cần có hành động khẩn cấp để ngăn chặn với những tác động tiềm tàng của dòng chảy tín dụng này, như hạn chế tăng trưởng tín dụng, giới hạn cho vay trên thị trường bất động sản và áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn.