22:05 21/10/2013

Starbucks bị báo chí Trung Quốc tố “chặt chém”

An Huy

Chuỗi cửa hiệu cà phê này bị cho là đã áp giá một số sản phẩm bán tại Trung Quốc cao hơn một số nước khác

Người tiêu dùng bên ngoài một cửa hiệu của Starbucks ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters.<br>
Người tiêu dùng bên ngoài một cửa hiệu của Starbucks ở Bắc Kinh - Ảnh: Reuters.<br>
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vừa có một bản tin cho rằng chuỗi cửa hiệu cà phê Starbucks “chém” giá cao đối với người tiêu dùng ở nước này. Đây được xem là vụ tấn công mới nhất của truyền thông nhà nước Trung Quốc nhằm vào các doanh nghiệp nước ngoài.

Báo Wall Street Journal cho hay, trong một bản tin dài 20 phút có tên: “Starbucks: Đắt ở Trung Quốc”, CCTV cho rằng, chuỗi cửa hiệu cà phê này đã áp giá một số sản phẩm bán tại Trung Quốc cao hơn 50% so với ở một số nước khác như Mỹ, Anh và Ấn Độ.

Theo bản tin, tỷ suất lợi nhuận của Starbucks ở Trung Quốc là quá cao, với mức lợi nhuận mà hãng này đạt được ở Trung Quốc và khu vực châu Á-Thái Bình Dương lên tới 32%, so với mức 21,1% ở Mỹ và 1,9% ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Phản ứng trước nhận định trên của CCTV, Starbucks nói, họ “hiểu những lo ngại mà truyền thông Trung Quốc nêu gần đây”. Starbucks cũng nói rằng, những số liệu mà truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa ra là không xác thực với hoạt động của công ty ở nước này vì kết quả kinh doanh của hãng tại các nước châu Á-Thái Bình Dương khác được gộp chung vào với kết quả kinh doanh ở Trung Quốc. Starbucks không công bố thông tin về kết quả kinh doanh ở từng quốc gia khác nhau.

Tuyên bố của Starbucks cho biết, giá cà phê Starbucks khác nhau tùy theo từng thị trường, dựa trên các chi phí khác nhau như đầu tư cơ sở hạ tầng, lao động, hàng hóa cơ bản và bất động sản.

Hồi tháng 9, báo Wall Street Journal có một bài viết lý giải về việc vì sao giá cà phê Starbucks ở Trung Quốc cao hơn ở một số quốc gia khác. Trong đó, một phát ngôn viên của Starbucks nói rằng, người tiêu dùng Trung Quốc thích những cửa hiệu lớn với nhiều chỗ ngồi, dẫn tới giá thuê cửa hàng cao, đẩy giá cà phê của hãng này ở Trung Quốc tăng.

“Đối với nhiều khách hàng ở Trung Quốc, các cửa hiệu của chúng tôi là nơi để tụ tập và thưởng thức những thứ đồ uống và món ăn yêu thích cùng với bạn bè và người thân”, phát ngôn viên của Starbucks nói. Bài viết này cũng được CCTV trích dẫn trong bản tin nói trên, cùng với thông tin trên báo chí và phát biểu của các chuyên gia trong nước.

Giá cả từ lâu đã là một chủ đề nhạy cảm ở Trung Quốc, quốc gia mà tốc độ tăng trưởng cao trong thập kỷ qua đã dẫn tới lạm phát tăng mạnh. Trong mấy tháng gần đây, nhà chức trách Trung Quốc đã siết chặt quản lý một số công ty nước ngoài bị cho là áp mức giá “chát” đối với thị trường nước này. Các công ty bị “tuýt còi” thuộc các lĩnh vực sữa, dược phẩm và ô tô. Nhiều hãng sữa bột nước ngoài như Abbott đã phải giảm giá bán sản phẩm tại thị trường Trung Quốc sau khi Chính phủ nước này tổ chức điều tra về chính sách giá cả của các công ty này tại đây.

Người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng thận trọng với vấn đề giá cả. Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc, nhất là những người đi lại nhiều và có cơ hội so sánh giá cả ở Trung Quốc với ở nước ngoài, đã hoãn kế hoạch mua hàng hóa trong nước để chờ ra nước ngoài mới mua.

CCTV thời gian qua liên tục có các bản tin về hoạt động của các công ty nước ngoài làm ăn ở nước này, trong đó chủ yếu mang nội dung phê phán. Hồi tháng 3, CCTV cáo buộc hãng công nghệ Apple không áp dụng chính sách bảo hành và chăm sóc khách hàng đầy đủ ở Trung Quốc như ở nước khác. Đài này cũng cáo buộc hãng xe Volkswagen của Đức bán xe ở Trung Quốc với hệ thống hộp số DGS không đủ tiêu chuẩn, dẫn tới những vấn đề về tăng tốc và tai nạn xe hơi cho một số lượng người tiêu dùng chưa rõ.

CEO Tim Cook của Apple sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng Trung Quốc. Volkswagen thì tuyên bố sẽ “không từ một nỗ lực nào để cải thiện tình hình trong tương lai”.

Tuy nhiên, bản tin của CCTV đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều cư dân mạng Trung Quốc, trong đó có những người cho rằng bản tin đã không đề cập đến những lý do mà Starbucks phải áp mức giá cao hơn ở thị trường này.

Một người sử dụng mạng xã hội Sina Weibo nói rằng, người tiêu dùng Trung Quốc “phải mua những ngôi nhà đắt nhất thế giới, lái những chiếc xe hơi đắt nhất thế giới, mua xăng với tốc độ tăng giá nhanh nhất, ăn những thức ăn kém an toàn nhất, chịu số vụ phá sản lớn nhất liên quan tới bệnh tật vì hệ thống y tế nhiều vấn đề, sử dụng mạng Internet chậm chạp với cước phí đắt đỏ… nhưng các ông bỏ qua tất cả những vấn đề này và chỉ bảo chúng tôi đừng uống loại cà phê đắt nhất thế giới mà thậm chí, tôi chẳng uống đến 5 lần mỗi năm”