14:35 05/01/2023

Startup EdTech sẽ tiếp tục tạo ra nhiều làn sóng đổi mới trong năm 2023

Ngô Huyền

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, giáo dục đang được tích cực đầu tư để sẵn sàng trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 7 nghìn tỷ USD vào năm 2025…

Những đổi mới của edtech trong năm 2023
Những đổi mới của edtech trong năm 2023

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự phát triển của edtech, lĩnh vực sử dụng công nghệ nhằm giúp việc học tập trở nên toàn diện, hấp dẫn và cá nhân hóa. Hiện nay, tại Ấn Độ, công nghệ giáo dục đang được đẩy mạnh phát triển để trở thành ngành công nghiệp trị giá 30 tỷ USD trong 10 năm tới. 

KHÔNG GIAN KHỞI NGHIỆP EDTECH TRONG NĂM 2O22

Theo Entrepreneur, công nghệ giáo dục của Ấn Độ hiện được định giá 6 tỷ USD với hơn 4.450 công ty khởi nghiệp edtech. Các công ty này hỗ trợ học tập cho tất cả các cấp học trong không gian B2C, từ mẫu giáo đến lớp 12 cho đến dạy nghề, đại học hay thậm chí ngoài đại học. 

Tuy nhiên, trên thực tế, trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch COVID-19 đã ít nhiều cản trở tốc độ phát triển của edtech, khiến ngành sụt giảm cả về lợi nhuận và nguồn vốn. Theo Báo cáo thường niên của Trackxn Jio: Công nghệ Ấn Độ 2022 tính đến tháng 11/2022, dòng tiền đã giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự tại nhiều quốc gia trên toàn cầu. 

Tuy nhiên, sự xuất hiện của ChatGPT (OpenAI) vào cuối năm 2022 đã cho thấy niềm tin về những bước nhảy vọt của giáo dục trong tương lai. Trí tuệ nhân tạo sẽ sớm trở thành một phần không thể thiếu trong các lớp học và những phương pháp, công cụ mới sẽ xuất hiện để phục vụ cho việc dạy và học. 

Bước sang năm 2023, ngành edtech sẽ cần xem xét lại các mô hình kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và tính bền vững của doanh nghiệp.

CÔNG NGHỆ THÚC ĐẨY ĐỔI MỚI TRONG KHÔNG GIAN HỌC TẬP VÀO NĂM 2O23 

Công nghệ giúp edtech thực hiện những đổi mới trong không gian học tập  
Công nghệ giúp edtech thực hiện những đổi mới trong không gian học tập  

Học tập siêu cá nhân hóa: Năm 2023, học tập siêu cá nhân hóa sẽ giúp giáo viên nâng cao hiệu quả hỗ trợ học sinh của mình. Trí tuệ nhân tạo (AI) và Máy học (ML) sẽ cung cấp trải nghiệm học tập độc đáo cho mỗi người học để cải thiện những điểm yếu đồng thời phát triển thế mạnh riêng của từng người. Điều này có nghĩa sẽ có những công cụ mới giúp tạo ra các kế hoạch học bài, kiểm tra một cách cá nhân hóa dựa trên các lỗ hổng kiến thức của mỗi học sinh hoặc các nhóm nhỏ học sinh thay vì thiết kế chương trình một cách tổng quát.

Thực tế ảo (VR) và Thực tế tăng cường (AR): Báo cáo của Market Research Future (MRFR) cho thấy tốc độ tăng trưởng CAGR là 18,2% khi nói đến việc sử dụng AR và VR trong thị trường giáo dục từ năm 2022-2027. Điều này mở ra cơ hội cho người học trong việc dễ dàng tiếp nhận các khái niệm phức tạp và có trải nghiệm học tập thực hành trong môi trường ảo. VR và AR sẽ đóng góp rất lớn cho không gian edtech về mặt chia sẻ thông tin theo những cách mới và hấp dẫn hơn. Hiện nay, các trường đại học đã hiện diện trong Metaverse và có thể sẽ sớm có sự chuyển đổi mạnh mẽ về cách các tổ chức, cho phép giáo viên và học sinh/sinh viên truy cập để tham gia và học hỏi trong một môi trường nhập vai ảo.

Học vi mô (micro learning) và học nano (nano learning): Học vi mô (giải thích một chủ đề từ 3-5 phút) và học nano (giải thích một chủ đề từ 1-2 phút) có thể được thiết kế bằng cách chia các chủ đề thành các bài học chính và bài học phụ, sau đó sử dụng các khái niệm cơ bản đơn giản nhất đồng thời cung cấp hoặc gợi ý các tài liệu tham khảo phù hợp nhu cầu của người học. Loại hình học tập này được cung cấp để giải quyết các nhu cầu trước mắt hoặc để hỗ trợ việc học các khái niệm khô khan.

Mô hình học tập kết hợp: Mô hình học tập kết hợp sẽ kết hợp học tập trực tiếp và ngoại tuyến, giúp cho việc giáo dục trở nên dễ tiếp cận hơn. Phương pháp này đồng thời cũng giúp khắc phục những hạn chế cản trở việc học tập, đặc biệt là tính linh hoạt của giáo dục từ xa sẽ rất thuận tiện cho nhiều người học. Hơn hết, mô hình học tập kết hợp vẫn sẽ đảm bảo chất lượng học tập và chất lượng bằng cấp tốt nghiệp.

Trên thực tế, ở phạm vi toàn cầu, giáo dục vẫn còn đang tụt hậu về đầu tư công nghệ và chậm chạp trong quy trình chuyển đổi số so với các lĩnh vực khác. Tại Ấn Độ, chỉ có 4% tổng chi tiêu trong giáo dục được phân bổ cho chuyển đổi số, đặt ra một thách thức nghiêm trọng đối với nhu cầu về công nghệ tiên tiến trong quá trình biên soạn nội dung và cung cấp kiến thức.

Theo một báo cáo của Holon IQ, thế giới sẽ có thêm 2 tỷ sinh viên tốt nghiệp phổ thông, cao đẳng, đại học và sau trung học. Nền kinh tế tri thức sẽ chiếm lĩnh thị trường trong tương lai, điều này đòi hỏi chuyển đổi số trong ngành giáo dục cần thực hiện trên quy mô lớn hơn để đáp ứng nhu cầu học tập của tất cả các quốc gia trong tương lai.