08:00 08/09/2023

Startup Indonesia sáng tạo kính thông minh giúp người khiếm thính giao tiếp dễ dàng

Bảo Ngọc

Một công ty khởi nghiệp tại Indonesia đã phát triển sản phẩm kính thông minh có thể chuyển đổi nội dung cuộc trò chuyện thành văn bản, hiển thị trên mặt kính theo thời gian thực, giúp người khiếm thính giao tiếp dễ dàng hơn...

Mất thính lực đã và đang ảnh hưởng đến 2,5 triệu người ở Indonesia. Ngôn ngữ ký hiệu không phổ biến diện rộng cộng với số lượng phiên dịch viên quá ít càng khiến việc giao tiếp trở nên khó khăn hơn đối với những bệnh nhân khiếm thính, theo KrASIA.

Doanh nhân trẻ Muhammad Alan Nur, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tulibot, cho biết lần đầu tiên anh nhận ra vấn đề là khi theo học tại một trường cao đẳng ở Surabaya. Tới dùng bữa tại một nhà hàng nọ, anh cảm thấy vô cùng khó khăn khi tương tác với một người phục vụ khiếm thính. Trải nghiệm này đã truyền cảm hứng cho anh phát triển giải pháp không chỉ hỗ trợ giao tiếp giữa người với người mà còn mở ra những cơ hội lớn cho cộng đồng người khiếm thính.

KÍNH THÔNG MINH CỦA TULIBOT CÓ GÌ?

Ban đầu, CEO Nur và nhóm Tulibot thử nghiệm nhiều giải pháp khác nhau. Các giải pháp bao gồm tích hợp điện thoại thông minh với kính thực tế ảo (VR) nhằm cung cấp hình ảnh hay găng tay thông minh giúp dịch ngôn ngữ ký hiệu thành âm thanh và một số giải pháp hơn thế nữa. Cuối cùng, kính thông minh được xác định là câu trả lời tối ưu nhất.

Hình ảnh thử nghiệm sản phẩm của Tulibot
Hình ảnh thử nghiệm sản phẩm của Tulibot

"Kính thông minh cung cấp lợi ích tuyệt vời cho người khiếm thính, không chỉ hiển thị văn bản trên kính mà còn nhận biết được ngôn ngữ cơ thể và nét mặt trong khi trò chuyện”, CEO Nur nói.

Sản phẩm của Tulibot hoạt động song song với điện thoại thông minh, như một màn hình phụ. Theo đó, điện thoại sẽ ghi lại cuộc hội thoại trong thời gian thực, sau đó truyền thông tin đến và hiển thị trên kính. Quá trình này có tốc độ tối đa là 10 mili giây tùy thuộc vào khả năng kết nối.

Dựa vào kho lưu trữ Common Voice với lượng lớn dữ liệu khổng lồ về giọng nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, kính thông minh của Tulibot có thể hiểu hầu hết ngôn ngữ thường được sử dụng ở Indonesia như Sudan, Java và Bahasa Indonesia. Theo vị CEO, Tulibot được tinh chỉnh bộ dữ liệu thường xuyên với hy vọng đạt được độ chính xác cao nhất.

Kính thông minh được thiết kế để hoạt động trong đa số tình huống, kể cả khi thay đổi ánh sáng, khả năng tương thích của kính với nhiều giọng nói xung quanh vẫn được chú trọng. Tulibot còn cung cấp các tùy chọn độ sáng và tròng kính theo nhu cầu của người đeo.

Để kính hoạt động trong tình huống có nhiều giọng nói xung quanh, công ty sử dụng chiến lược hai hướng. Đầu tiên, công ty khai thác triệt để công cụ ghi lại nhật ký hội thoại dựa trên đám mây, cho phép kính phân biệt danh tính và từ đó chuyển đổi văn bản một cách phù hợp. Thứ hai, người dùng kính cũng có thể sử dụng ứng dụng để mời các cá nhân khác có điện thoại thông minh tham gia nhóm trò chuyện với tính năng gần giống như WhatsApp. Thiết bị điện thoại trong cùng nhóm có thể giúp xác định và phân biệt giọng nói.

TẠO SỨC ẢNH HƯỞNG

Sau khi ra mắt dự án thí điểm hợp tác với công ty năng lượng PT Pertamina, Tulibot đã nhận về nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng người dùng. Sáng kiến độc đáo được sử dụng rộng rãi, điển hình là ở Cue Café, quán cà phê sử dụng nhân viên khiếm thính. Nhân viên tại quán đã trải nghiệm và cho biết kính thông minh rất tiện lợi, hiệu quả.

Giao diện hiển thị cho người đeo kính thông minh của Tulibot.
Giao diện hiển thị cho người đeo kính thông minh của Tulibot.

Một khách hàng khác của Tulibot là sinh viên đại học đã chia sẻ về tính hữu ích của kính thông minh trong hành trình học tập. Những phản hồi như vậy đóng vai trò quan trọng, là động lực để công ty kiên trì trên sứ mệnh hỗ trợ giao tiếp cho người khiếm thính.

Hơn nữa, Tulibot đang hợp tác với chính phủ Indonesia để xác định các địa điểm quan trọng mà giải pháp có thể mang lại tác động đáng kể, tập trung vào một số cộng đồng có tỷ lệ người khiếm thính cao.

TRIỂN VỌNG TƯƠNG LAI

Tulibot đặt tham vọng biến kính thông minh của công ty thành thương hiệu phong cách sống, vượt ra ngoài mục đích ban đầu là phục vụ cộng đồng khiếm thính. CEO Nur đã hình dung rất nhiều về việc tích hợp kính thông minh của Tulibot vào cuộc sống hàng ngày, hỗ trợ trải nghiệm trong thời gian thực, giúp cho tương tác xã hội trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Một mục tiêu khác của Tulibot là giảm trọng lượng kính. Hiện tại, mỗi cặp kính Tulibot nặng khoảng 79 gram, vượt qua trọng lượng trung bình 25–50 gram đối với kính mắt thông thường. Đạt được sự cân bằng trọng lượng là vấn đề then chốt, làm sao để kính vừa thoải mái khi đeo mà vẫn đầy đủ chức năng phục vụ nhu cầu hàng ngày.

Hiện tại, thị trường chính của Tulibot là cộng đồng người Indonesia khiếm thính, ít nhất là cho đến năm 2024. Sau đó, công ty có kế hoạch phân phối mở rộng sang các quốc gia châu Á khác, cải thiện khả năng giao tiếp và trao quyền cho người khiếm thính tốt hơn.

Với nhiều đơn đặt hàng trực tuyến từ Ấn Độ, Singapore và Vương quốc Anh, công nghệ của Tulibot dường như đang gây ấn tượng mạnh ở một số quốc gia trên thế giới, mở ra tương lai tươi sáng giúp việc giao tiếp trở nên dễ dàng.

Tulibot cũng tham gia OPPO Inspiration Challenge 2023, diễn đàn tổ chức nhằm trao quyền cho các doanh nhân và chuyên gia công nghệ toàn cầu tạo ra những giải pháp sáng tạo và định hình tương lai tốt đẹp hơn. Nhóm chiến thắng cuộc thi có thể nhận được hỗ trợ từ OPPO dưới nhiều hình thức để đẩy nhanh tốc độ phát triển dự án.