11:01 24/03/2009

Sử dụng tần số vô tuyến điện: Thu phí hay thu thuế?

Mạnh Chung

Việc sử dụng tần số vô tuyến điện - nguồn tài nguyên vô hình của quốc gia - nên được thu phí hay áp dụng thu thuế tài nguyên?

Theo ban soạn thảo, đề án Luật Tần số vô tuyến điện nhằm đáp ứng kịp thời và quản lý hiệu quả về lĩnh vực thông tin vô tuyến đã và đang phát triển bùng nổ.
Theo ban soạn thảo, đề án Luật Tần số vô tuyến điện nhằm đáp ứng kịp thời và quản lý hiệu quả về lĩnh vực thông tin vô tuyến đã và đang phát triển bùng nổ.
Việc sử dụng tần số vô tuyến điện - nguồn tài nguyên vô hình của quốc gia - nên được thu phí hay áp dụng thu thuế tài nguyên?

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm nhất và đưa ra bàn thảo, góp ý kiến cho đề án Luật Tần số vô tuyến điện tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 23/3.

Những nội dung quan trọng của đề án Luật Tần số vô tuyến điện là phương thức quản lý tần số vô tuyến điện với hai hình thức cấp phép mới là đấu giá và hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số. 

Cụ thể những băng tần có giá trị kinh tế cao, nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng đáp ứng thì từng bước thiết lập phương thức cấp phép tần số theo cơ chế thị trường thay vì như cơ chế “cấp - phát”, “đến trước- cấp trước” như trước đây.

Trong đó, những đối tượng được cấp phép thông qua hình thức đấu giá tần số được phép chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp và lợi ích của người tiêu dùng.

Ngoài ra, dự thảo luật cũng quy định về việc xây dựng cơ quan quản lý chuyên trách về tần số vô tuyến điện; tổ chức thanh tra tần số vô tuyến điện; cải cách hành chính, đơn giản thủ tục; quy định trách nhiệm của tổ chức cá nhân khai thác, sử dụng tần số vô tuyến điện; về hành lang an toàn kỹ thuật…

Theo ban soạn thảo, đề án Luật Tần số vô tuyến điện nhằm đáp ứng kịp thời và quản lý hiệu quả về lĩnh vực thông tin vô tuyến đã và đang phát triển bùng nổ. Đồng thời, những quy định trong luật này sẽ đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch từ xây dựng quy hoạch, ban hành, áp dụng tiêu chuẩn đến cấp phép, thanh tra; nhất là đảm bảo sử dụng hiệu quả tần số, băng tần vô tuyến điện…

Thu phí hay thu thuế?

Trong nội dung của đề án Luật Tần số vô tuyến điện có quy định thu phí với việc sử dụng các tần số vô tuyến điện, tuy nhiên, theo một số đại biểu Quốc hội, vì tần số vô tuyến điện là tài nguyên quý hiếm của quốc gia, nên cần xem xét áp dụng thu thuế sử dụng tài nguyên.

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, tần số vô tuyến điện là loại tài nguyên đặc biệt, ai được sử dụng băng tần, dải tần sẽ có được một sức mạnh về mặt kinh tế, kinh doanh và có được nguồn lợi nhuận.

“Nên coi đây là một loại tài nguyên và phải áp dụng thuế tài nguyên, chứ không thể thu phí và lệ phí”, ông Hiển nói.

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng nên áp dụng thu thuế tài nguyên, còn những dịch vụ kèm theo, dịch vụ giá trị gia tăng thì thu phí theo giá trị đấy.

Trong khi đó, ông Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch Quốc hội băn khoăn nên thu thuế hay thu phí, vì với những doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép hoạt động thì đã phải nộp thuế doanh nghiệp cho Nhà nước rồi.

Trước những kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng, về việc xây dựng quy định thu phí, Bộ đã tham khảo nhiều nước trên thế giới và chưa thấy có nước nào thu thuế tài nguyên, vì thế hoạt động kinh doanh này chỉ nên thu phí quyền sử dụng tài nguyên.

“Không lập quỹ mới”

Một vấn đề nữa được đại các đại biểu tập trung bàn thảo là quy định một phần phí (hay thuế như kiến nghị của các đại biểu - PV) sử dụng tần số vô tuyến điện sẽ được dùng để bù đắp những chi phí cho công tác quan lý tần số vô tuyến điện.

Hầu hết các đại biểu đều phản đối quy định này vì cho rằng đây chỉ là một hình thức lập thêm quỹ mới.

“Nếu hình thành thêm môt quỹ mới để sử dụng phí này thì trái với luật ngân sách”, ông Phạm Minh Tuyên, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội nói.

Hơn nữa, ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện, nhận xét nếu đề ra một khoản phí để bù đắp cho công tác quản lý tần số vô tuyến điện thì không biết phân bổ ngân sách sẽ như thế nào, rất lủng củng và chồng chéo.

“Không thể làm thay bộ trưởng”

Cũng theo đề án, cần có một cơ quan quản lý chuyên ngành về tần số vô tuyến điện trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện chức năng tham mưu và thực thi quản lý nhà nước về nguồn tài nguyên này trên phạm vi toàn quốc.

Nhưng theo quan điểm của phần lớn các đại biểu, cơ quan quản lý chuyên ngành vô tuyến điện chỉ nên tham mưu cho bộ trưởng, còn thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về chuyên ngành tần số vô tuyến điện là… không được phép, vì như thế thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước Quốc hội về quản lý tần số vô tuyến điện?