Sự ngược chiều của lãi suất
Trong khi các tổ chức chen nhau mua trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ, họ lại thờ ơ với trái phiếu bằng tiền đồng
Hơn 760 triệu USD là tổng lượng trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ mà 30 tổ chức tham gia đấu thầu đã đăng ký mua trong đợt phát hành cuối tuần trước trong khi số lượng bán ra chỉ 100 triệu USD.
Các ngân hàng trúng thầu đã chấp nhận mức lãi suất 3% để mua được và đây cũng là trần lãi suất được Bộ Tài chính đưa ra.
Con số đặt mua gấp 7,6 lần đặt bán và mức lãi suất trúng thầu thấp đã chứng tỏ các ngân hàng đang thừa ngoại tệ bởi vốn huy động ngoại tệ tăng nhanh, mà đầu ra lại không theo kịp.
Giải bài toán ngoại tệ
Một ngân hàng trúng thầu cho biết họ chủ động bỏ lãi suất thấp để mua bằng được. “3%/năm không phải là mức lãi suất hấp dẫn, nhưng an toàn và có thể cầm cố trái phiếu ngoại tệ để vay tiền đồng từ Ngân hàng Nhà nước khi cần. Gửi ở nước ngoài hiện nay lãi suất USD tối đa cũng chỉ 2%/năm cho loại 12 tháng.
Trên thị trường liên ngân hàng, không ai mua USD tới một năm, kỳ hạn dài nhất hiện giờ là sáu tháng với lãi suất 1,89%/năm. Còn nếu gửi Ngân hàng Nhà nước, lãi suất ngoại tệ mà ngân hàng được hưởng là 0,5%/năm. Như vậy, mua trái phiếu ngoại tệ vẫn có lợi nhất” - ngân hàng trên phân tích.
Tìm đầu ra cho ngoại tệ đang là bài toán đau đầu của ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng đều đã hạ lãi suất tiết kiệm USD xuống thấp chưa từng có, nhưng người dân vẫn chọn lựa tiết kiệm ngoại tệ.
Lãi suất huy động tiền đồng đang ở mức 8-8,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất tiết kiệm USD dao động ở mức 2,6-3,1%/năm tùy ngân hàng.
Mức chênh lệch lãi suất 5, 6 điểm phần trăm là thỏa đáng, nhưng không ít khách hàng vẫn tính sự trượt giá của tiền đồng năm nay có thể tới 8%, bằng mức năm ngoái. Thành ra sự chênh lệch thỏa đáng nói trên lại không mang nhiều ý nghĩa.
Trong lúc đầu ra ngoại tệ eo hẹp, gần đây các ngân hàng nước ngoài đẩy mạnh chào mời các sản phẩm phái sinh cho tổ chức tín dụng trong nước.
Các sản phẩm được mời chào nhiều nhất là hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swap - CDS). CDS gần giống như bảo hiểm.
Chẳng hạn, khách hàng mua trái phiếu của công ty A, đồng thời mua sản phẩm CDS từ ngân hàng B và phải trả phí hàng năm cho ngân hàng này. Khi công ty A mất khả năng thanh toán khoản nợ trái phiếu, khách hàng vẫn nhận được khoản tiền bồi thường tương đương mệnh giá trái phiếu.
Một sản phẩm được chào khác là CLI (Credit Linked Investment - là một sản phẩm liên kết giữa một khoản đầu tư và sản phẩm CDS). Năm ngoái có thời điểm CDS có lợi tức lên tới 9%/năm, nhưng năm nay đã giảm, ngày 19-3-2009 còn 5,2%/năm. CLI đang được chào mời với lãi suất Sibor cộng 3,5%/năm cho kỳ hạn 6 hoặc 12 tháng.
Năm ngoái mức chào bán thấp nhất mà khách hàng có thể mua là khoảng 5-10 triệu USD, nhưng hiện mức mua tối thiểu chỉ còn 200.000 USD. Tất nhiên lượng mua càng thấp, phí càng cao.
Rõ ràng lợi tức từ các sản phẩm CDS hay CLI cao hơn nhiều so với cho vay ngoại tệ và cao hơn gửi tiền ở nước ngoài hay mua trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ. Tuy nhiên lợi nhuận cao thường gắn với rủi ro.
Nếu ngân hàng mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu được sang tên ngay cho người mua. Nhưng mua CDS hay CLI (thí dụ với 750 triệu USD trái phiếu chính phủ phát hành ra quốc tế những năm trước) thì người mua là ngân hàng Việt Nam không được đứng tên.
Lý do là loại trái phiếu trên phát hành ở nước ngoài, không bán cho tổ chức trong nước. Người mua trong trường hợp này là mua giấy chứng nhận, không được quyền sở hữu. Người bán vẫn giữ quyền sở hữu. Vì thế khi mua, người ta xem xét vị thế của người bán hay nói cách khác là năng lực thanh toán của bên bán.
Những ngân hàng chào bán các sản phẩm phái sinh nói trên đều là những tên tuổi lớn như HSBC, BNP Paribas… Trước đây, những tên tuổi đó đủ để đảm bảo an toàn cho những sản phẩm phái sinh.
Nhưng nay, khi khủng hoảng thế giới đang diễn ra, cái tên Citigroup cũng khiến giới đầu tư e dè, thì liệu các tên tuổi lớn có mang lại độ an toàn? Chưa biết các ngân hàng nội địa tham gia mua sản phẩm phái sinh đến đâu, nhưng một quy định từ phía Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này là cần thiết.
Và bài toán nội tệ
Trong khi các tổ chức chen nhau mua trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ, họ lại thờ ơ với trái phiếu bằng tiền đồng. Lý giải điều này, một ngân hàng cho biết: Khi lạm phát có khả năng trở lại thì không ai dại gì cho Chính phủ vay 2-3 năm (mua trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm). Các định chế chỉ kinh doanh ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng.
Nếu không có lạm phát, lãi suất không tăng, khi đó mua trái phiếu cũng chưa muộn. Động thái của các ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm là chờ diễn biến thị trường, tùy cơ ứng biến.
Tuy nhiên, Chính phủ không chỉ phát hành trái phiếu ngoại tệ, mà cả trái phiếu tiền đồng. Hai đợt phát hành gần đây, lãi suất trái phiếu tiền đồng đã được nâng lên 7,2% và 7,5% tùy kỳ hạn (đã cao hơn lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ấn định), nhưng vẫn không bán được.
Một quỹ đầu tư chuyên kinh doanh trái phiếu tính toán rằng giá (tức lãi suất) hợp lý để đầu tư trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ phải khoảng 4,1%/năm, và trái phiếu tiền đồng chắc chắn không thể thấp hơn 8,5%/năm. Nếu mức trần lãi suất trái phiếu tiền đồng không được nâng lên, các đợt đấu thầu tiếp theo khó mang lại kết quả mong đợi.
Thêm vào đó, nguồn vốn huy động tiền đồng của tổ chức tín dụng đang có dấu hiệu giảm. TTXVN trích lời một quan chức Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết tiền gửi của doanh nghiệp tại các ngân hàng trên địa bàn Thủ đô đang giảm.
Dự kiến vốn huy động của các ngân hàng Hà Nội quý 1/2009 đạt 460.251 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ nhưng giảm 0,36% so với cuối năm 2008. Trong khi tổng dư nợ tăng nhanh, dự kiến 276.156 tỷ đồng, tăng 4,04% so với cuối năm 2008.
Tốc độ giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất đã chậm lại trong tuần qua. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến 20/3/2009 tổng lượng giải ngân hỗ trợ lãi suất là 151.903 tỷ đồng, tăng không nhiều so với 144.000 tỷ đồng của tuần trước đó.
Nếu tổng dư nợ chung tăng (Ngân hàng Nhà nước dự báo dư nợ tháng 3 tăng 1,5% so với tháng 2/2009), giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất chậm lại, thì logic là dư nợ cho vay bình thường (không có hỗ trợ lãi suất) tăng mạnh, có nghĩa là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế bắt đầu tăng tốc.
Như vậy để có đủ nguồn vốn cung ứng, ngân hàng không còn cách nào khác là tăng lãi suất huy động nhằm ngăn đầu vào thiếu hụt. Có thể thấy là lãi suất tiền đồng sẽ tăng, lãi suất ngoại tệ sẽ giảm hoặc đứng ở mức thấp. Đây hẳn là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế với điều kiện sự gia tăng lãi suất tiền đồng ở mức hợp lý và trong vòng kiểm soát.
Hải Lý (TBKTSG)
Các ngân hàng trúng thầu đã chấp nhận mức lãi suất 3% để mua được và đây cũng là trần lãi suất được Bộ Tài chính đưa ra.
Con số đặt mua gấp 7,6 lần đặt bán và mức lãi suất trúng thầu thấp đã chứng tỏ các ngân hàng đang thừa ngoại tệ bởi vốn huy động ngoại tệ tăng nhanh, mà đầu ra lại không theo kịp.
Giải bài toán ngoại tệ
Một ngân hàng trúng thầu cho biết họ chủ động bỏ lãi suất thấp để mua bằng được. “3%/năm không phải là mức lãi suất hấp dẫn, nhưng an toàn và có thể cầm cố trái phiếu ngoại tệ để vay tiền đồng từ Ngân hàng Nhà nước khi cần. Gửi ở nước ngoài hiện nay lãi suất USD tối đa cũng chỉ 2%/năm cho loại 12 tháng.
Trên thị trường liên ngân hàng, không ai mua USD tới một năm, kỳ hạn dài nhất hiện giờ là sáu tháng với lãi suất 1,89%/năm. Còn nếu gửi Ngân hàng Nhà nước, lãi suất ngoại tệ mà ngân hàng được hưởng là 0,5%/năm. Như vậy, mua trái phiếu ngoại tệ vẫn có lợi nhất” - ngân hàng trên phân tích.
Tìm đầu ra cho ngoại tệ đang là bài toán đau đầu của ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng đều đã hạ lãi suất tiết kiệm USD xuống thấp chưa từng có, nhưng người dân vẫn chọn lựa tiết kiệm ngoại tệ.
Lãi suất huy động tiền đồng đang ở mức 8-8,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất tiết kiệm USD dao động ở mức 2,6-3,1%/năm tùy ngân hàng.
Mức chênh lệch lãi suất 5, 6 điểm phần trăm là thỏa đáng, nhưng không ít khách hàng vẫn tính sự trượt giá của tiền đồng năm nay có thể tới 8%, bằng mức năm ngoái. Thành ra sự chênh lệch thỏa đáng nói trên lại không mang nhiều ý nghĩa.
Trong lúc đầu ra ngoại tệ eo hẹp, gần đây các ngân hàng nước ngoài đẩy mạnh chào mời các sản phẩm phái sinh cho tổ chức tín dụng trong nước.
Các sản phẩm được mời chào nhiều nhất là hoán đổi rủi ro tín dụng (Credit Default Swap - CDS). CDS gần giống như bảo hiểm.
Chẳng hạn, khách hàng mua trái phiếu của công ty A, đồng thời mua sản phẩm CDS từ ngân hàng B và phải trả phí hàng năm cho ngân hàng này. Khi công ty A mất khả năng thanh toán khoản nợ trái phiếu, khách hàng vẫn nhận được khoản tiền bồi thường tương đương mệnh giá trái phiếu.
Một sản phẩm được chào khác là CLI (Credit Linked Investment - là một sản phẩm liên kết giữa một khoản đầu tư và sản phẩm CDS). Năm ngoái có thời điểm CDS có lợi tức lên tới 9%/năm, nhưng năm nay đã giảm, ngày 19-3-2009 còn 5,2%/năm. CLI đang được chào mời với lãi suất Sibor cộng 3,5%/năm cho kỳ hạn 6 hoặc 12 tháng.
Năm ngoái mức chào bán thấp nhất mà khách hàng có thể mua là khoảng 5-10 triệu USD, nhưng hiện mức mua tối thiểu chỉ còn 200.000 USD. Tất nhiên lượng mua càng thấp, phí càng cao.
Rõ ràng lợi tức từ các sản phẩm CDS hay CLI cao hơn nhiều so với cho vay ngoại tệ và cao hơn gửi tiền ở nước ngoài hay mua trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ. Tuy nhiên lợi nhuận cao thường gắn với rủi ro.
Nếu ngân hàng mua trái phiếu chính phủ, trái phiếu được sang tên ngay cho người mua. Nhưng mua CDS hay CLI (thí dụ với 750 triệu USD trái phiếu chính phủ phát hành ra quốc tế những năm trước) thì người mua là ngân hàng Việt Nam không được đứng tên.
Lý do là loại trái phiếu trên phát hành ở nước ngoài, không bán cho tổ chức trong nước. Người mua trong trường hợp này là mua giấy chứng nhận, không được quyền sở hữu. Người bán vẫn giữ quyền sở hữu. Vì thế khi mua, người ta xem xét vị thế của người bán hay nói cách khác là năng lực thanh toán của bên bán.
Những ngân hàng chào bán các sản phẩm phái sinh nói trên đều là những tên tuổi lớn như HSBC, BNP Paribas… Trước đây, những tên tuổi đó đủ để đảm bảo an toàn cho những sản phẩm phái sinh.
Nhưng nay, khi khủng hoảng thế giới đang diễn ra, cái tên Citigroup cũng khiến giới đầu tư e dè, thì liệu các tên tuổi lớn có mang lại độ an toàn? Chưa biết các ngân hàng nội địa tham gia mua sản phẩm phái sinh đến đâu, nhưng một quy định từ phía Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này là cần thiết.
Và bài toán nội tệ
Trong khi các tổ chức chen nhau mua trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ, họ lại thờ ơ với trái phiếu bằng tiền đồng. Lý giải điều này, một ngân hàng cho biết: Khi lạm phát có khả năng trở lại thì không ai dại gì cho Chính phủ vay 2-3 năm (mua trái phiếu kỳ hạn 2-3 năm). Các định chế chỉ kinh doanh ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng.
Nếu không có lạm phát, lãi suất không tăng, khi đó mua trái phiếu cũng chưa muộn. Động thái của các ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm là chờ diễn biến thị trường, tùy cơ ứng biến.
Tuy nhiên, Chính phủ không chỉ phát hành trái phiếu ngoại tệ, mà cả trái phiếu tiền đồng. Hai đợt phát hành gần đây, lãi suất trái phiếu tiền đồng đã được nâng lên 7,2% và 7,5% tùy kỳ hạn (đã cao hơn lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước ấn định), nhưng vẫn không bán được.
Một quỹ đầu tư chuyên kinh doanh trái phiếu tính toán rằng giá (tức lãi suất) hợp lý để đầu tư trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ phải khoảng 4,1%/năm, và trái phiếu tiền đồng chắc chắn không thể thấp hơn 8,5%/năm. Nếu mức trần lãi suất trái phiếu tiền đồng không được nâng lên, các đợt đấu thầu tiếp theo khó mang lại kết quả mong đợi.
Thêm vào đó, nguồn vốn huy động tiền đồng của tổ chức tín dụng đang có dấu hiệu giảm. TTXVN trích lời một quan chức Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết tiền gửi của doanh nghiệp tại các ngân hàng trên địa bàn Thủ đô đang giảm.
Dự kiến vốn huy động của các ngân hàng Hà Nội quý 1/2009 đạt 460.251 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ nhưng giảm 0,36% so với cuối năm 2008. Trong khi tổng dư nợ tăng nhanh, dự kiến 276.156 tỷ đồng, tăng 4,04% so với cuối năm 2008.
Tốc độ giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất đã chậm lại trong tuần qua. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến 20/3/2009 tổng lượng giải ngân hỗ trợ lãi suất là 151.903 tỷ đồng, tăng không nhiều so với 144.000 tỷ đồng của tuần trước đó.
Nếu tổng dư nợ chung tăng (Ngân hàng Nhà nước dự báo dư nợ tháng 3 tăng 1,5% so với tháng 2/2009), giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất chậm lại, thì logic là dư nợ cho vay bình thường (không có hỗ trợ lãi suất) tăng mạnh, có nghĩa là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế bắt đầu tăng tốc.
Như vậy để có đủ nguồn vốn cung ứng, ngân hàng không còn cách nào khác là tăng lãi suất huy động nhằm ngăn đầu vào thiếu hụt. Có thể thấy là lãi suất tiền đồng sẽ tăng, lãi suất ngoại tệ sẽ giảm hoặc đứng ở mức thấp. Đây hẳn là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế với điều kiện sự gia tăng lãi suất tiền đồng ở mức hợp lý và trong vòng kiểm soát.
Hải Lý (TBKTSG)