09:29 07/05/2009

Sự phục hồi của châu Á: Điều gì đang ở phía trước?

Kalpana Kochhar

Tháng 5 năm ngoái, châu Á dường như vẫn đang ở một vị thế đáng mơ ước

Tăng trưởng ở châu Á không thể tiếp tục chỉ dựa hoàn toàn vào xuất khẩu, châu Á cần phát triển nguồn cầu tự cường của chính mình - Ảnh: Bloomberg.
Tăng trưởng ở châu Á không thể tiếp tục chỉ dựa hoàn toàn vào xuất khẩu, châu Á cần phát triển nguồn cầu tự cường của chính mình - Ảnh: Bloomberg.
Trong một năm qua đã có rất nhiều đổi khác. Tháng 5 năm ngoái, châu Á dường như vẫn đang ở một vị thế đáng mơ ước, với các nền kinh tế liên tục tăng trưởng nhanh, thậm chí ngay cả khi Mỹ đã bắt đầu sa lầy vào suy thoái.

Vào thời điểm đó, nhiều nhà phân tích đã tranh luận liệu tình hình này sẽ còn tiếp tục hay không, bởi châu Á sẽ vẫn “tách biệt” với các nước phương Tây. Kết cục hóa ra hoàn toàn trái ngược.

Thay vì tách biệt với các nước phương Tây, một số nền kinh tế chủ đạo của châu Á, bao gồm cả Nhật Bản, lại đang trải qua suy thoái còn nghiêm trọng hơn cả những nước tại tâm chấn của cuộc khủng hoảng.

Điều này đã xảy ra như thế nào? Và thực tế này nhắn nhủ bài học gì cho tương lai của châu Á?

Vào thời điểm đó, những luận điểm về sự tách biệt dường như rất hợp lý đối với nhiều người. Xét cho cùng, châu Á cũng ở cách xa trung tâm của cuộc khủng hoảng, không chỉ về mặt địa lý mà cả trên góc độ châu Á không tham gia vào các thông lệ tài chính đã gây ra những vấn đề khủng hoảng ở các nơi khác. Các tập đoàn và tổ chức tài chính ở châu Á đã từng có tình hình tài chính lành mạnh, và châu lục này cũng có tích lũy thặng dư ngân sách và mức đệm giảm sốc cao từ dự trữ quốc tế. Do vậy, nếu có một khu vực nào trên thế giới ở vị thế tách biệt với Mỹ, thì đó chính là châu Á.

Liệu có đúng là như vậy? Trên thực tế, như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nêu ra trong ấn phẩm “Triển vọng kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương (REO)” một năm trước đây, tách biệt khỏi phần còn lại của thế giới là một kịch bản khó xảy ra. Bởi vì châu Á lâu nay vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu như là một đầu máy của tăng trưởng. Như REO số tháng 5/2009 mới đây cho thấy, bất kỳ lúc nào xuất khẩu đình trệ, châu Á lại thường rơi vào suy thoái. Và chỉ đến khi nào xuất khẩu bắt đầu hồi sinh thì nền kinh tế châu Á mới hồi phục.

Khi đó, điều thực sự đáng ngạc nhiên không phải là việc châu Á cũng theo bước các nước phương Tây rơi vào suy thoái. Đó lại là mức thiệt hại mà châu Á đang phải nếm trải. Khu vực này đã phải chịu đựng một tác động “gia tăng”, bởi xuất khẩu của khu vực này tập trung vào những mặt hàng kỹ thuật cao, như các sản phẩm công nghệ, mà cầu của nó trên thế giới đã bị suy sụp. Kết quả là GDP tính theo năm (đã điều chỉnh theo mùa vụ) của những nước mới nổi ở châu Á, không tính Trung Quốc và Ấn Độ, vào quý 4 /2008 đã giảm với mức đáng ngạc nhiên 15%, và một sự suy giảm hơn nữa cũng gần như chắc chắn sẽ xảy ra trong quý đầu năm 2009.

Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Trong một biến thể mới của luận điểm về sự tách biệt, một số nhà phân tích đã khẳng định rằng châu Á đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm và đang sẵn sàng cho sự hồi phục. Họ đưa ra hai luận điểm.

Thứ nhất, các nhà phân tích khẳng định rằng Trung Quốc sẽ có thể đóng vai trò như một đầu máy cho khu vực, vì nền kinh tế nước này đã bắt đầu vực lại. Tuy nhiên luận điểm này lại bỏ qua thực tế là gói tài khóa kích cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc đã làm dịch chuyển cơ cấu của sản xuất sang hướng phát triển cơ sở hạ tầng, một lĩnh vực tương đối ít hàm lượng nhập khẩu. Do vậy, lợi ích mang lại cho khu vực có thể vẫn nhỏ.

Luận điểm thứ hai đó là cầu nội địa của châu Á có thể sẽ phục hồi nhờ những khoản kích cầu lớn từ các chính phủ. Các chính phủ thực sự đang thực hiện những nỗ lực vượt bậc, một vài nước trong số đó có thể thành công trong việc tái lập mức tăng trưởng dương trong năm nay. Tuy nhiên một mình họ không thể tái tạo được sự tăng trưởng bền vững. Một khi xuất khẩu vẫn còn đình trệ, đầu tư tư nhân sẽ vẫn ở mức thấp. Trong khi đó, tiêu dùng vẫn sẽ bị hạn chế bởi mức thất nghiệp tăng cao do các doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu để duy trì lợi nhuận.

Do vậy một lần nữa, sự hồi phục bền vững sẽ vẫn phải chờ những tiến triển của nền kinh tế toàn cầu. Vấn đề này cần phải có thời gian. Sẽ cần khoảng hơn một năm để tình hình tài chính ở Mỹ và châu Âu trở lại hoạt động bình thường, và thậm chí khi đó tiêu dùng vẫn trong tình trạng đình trệ do các hộ gia đình Mỹ vẫn có nhu cầu tiết kiệm hơn là chi tiêu. Bởi vậy, IMF không kỳ vọng vào sự hồi phục của những nền kinh tế này cho đến tận giữa năm 2010.

Theo đó, dự báo tăng trưởng ở châu Á (từ Ấn Độ ở phía Tây đến Nhật Bản ở phía Đông, bao gồm cả Úc và New Zealand) chỉ giảm xuống mức 1.3% trong năm nay, trước khi tăng trở lại mức 4.2% trong năm 2010, vẫn thấp hơn nhiều so với tiềm năng của khu vực và mức 5.1% từng được ghi nhận vào năm 2008.

Các nhà hoạch định chính sách của châu Á có thể làm gì để hỗ trợ các nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn này? Họ có thể tiếp tục áp dụng những chính sách mạnh mẽ chống lại chu kỳ kinh tế. Trong nhiều trường hợp, các nước vẫn có khả năng tiếp tục giảm lãi suất hơn nữa, và sử dụng các chính sách ngoài thông lệ - như bơm tiền vào khu vực ngân hàng hay can thiệp để hỗ trợ dòng vốn tín dụng - như nhiều nước phát triển đã làm.

Ngoài ra, những gói tài khóa kích cầu trong năm 2009 vẫn cần được duy trì tiếp sang năm sau, đồng thời cần được đặt trong một khuôn khổ trung hạn để đảm bảo từng bước trở lại với chính sách tài khóa nghiêm ngặt.

Cuối cùng, các cơ quan chức năng sẽ phải duy trì thanh khoản về ngoại hối, với việc rút vốn khi cần thiết thông qua các hạn mức hoán đổi song phương hoặc Hạn mức tín dụng linh hoạt mới của IMF, mà theo đó IMF sẽ cấp một khoản hỗ trợ lớn cho những nước có đủ tiêu chuẩn mà không đòi hỏi những điều kiện về chính sách.

Các nhà hoạch định chính sách cũng phải đối mặt với một vấn đề về cơ cấu, đó là: nhu cầu giảm sự phụ thuộc của châu Á vào mô hình tăng trưởng nhờ xuất khẩu. Quá khứ đã minh chứng đầy đủ cho sự nguy hiểm của việc dựa vào một động cơ tăng trưởng duy nhất. Hơn nữa, mô hình xuất khẩu có thể sẽ không mang lại lợi nhuận như trước đây, bởi thời kỳ nới lỏng tín dụng ở các nước phương Tây để tài trợ cho việc mua sắm hàng tiêu dùng bền lâu đã hoàn toàn chấm dứt.

Do đó, châu Á cần cân bằng lại tăng trưởng theo hướng phát triển cầu nội địa, ví dụ như thông qua việc cải cách hệ thống thuế và tài chính, và xây dựng những hệ thống bảo trợ xã hội hiệu quả hơn giúp làm giảm nhu cầu tiết kiệm phòng ngừa để đáp ứng các chi tiêu về y tế, giáo dục và hưu trí.

Tóm lại, châu Á không hề tách biệt - và không nên tách biệt - với phần còn lại của thế giới. Nhưng tăng trưởng ở châu Á không thể tiếp tục chỉ dựa hoàn toàn vào xuất khẩu, châu Á cần phát triển nguồn cầu tự cường của chính mình. Sự trở lại của tăng trưởng nhanh bền vững sẽ phụ thuộc vào định hướng này.

* Tác giả là Phó vụ trưởng Vụ Châu Á và Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).