11:07 23/09/2008

“Sữa sỏi thận” gây tác hại trên diện rộng

Trung Việt

Hơn 53.000 trẻ em ở Trung Quốc bị nhiễm độc do uống sữa Sanlu, khiến người tiêu dùng hoang mang

Một em bé Trung Quốc bị nhiễm độc do dùng sữa bột có chứa chất melamine đang được điều trị trong bệnh viện.
Một em bé Trung Quốc bị nhiễm độc do dùng sữa bột có chứa chất melamine đang được điều trị trong bệnh viện.
Hơn 53.000 trẻ em ở Trung Quốc bị nhiễm độc do uống sữa Sanlu, khiến người tiêu dùng hoang mang. Một số nước đã ngừng nhập khẩu sữa từ Trung Quốc và kiểm tra gắt gao chất lượng sữa trên thị trường nội địa.

Theo Bộ Y tế Trung Quốc, tính đến hết ngày 21/9, cả nước Trung Quốc có 12.892 trẻ em đang được điều trị trong bệnh viện vì dùng sữa bột có chứa chất melamine gây sỏi thận, trong đó 104 trẻ bị tương đối nặng; 4 em đã chết.

Nhiều sản phẩm sữa có chất độc

Thống kê của Bộ Y tế Trung Quốc cho biết, đến nay nước này đã có hơn 53.000 trẻ em bị nhiễm độc melamine do sử dụng sữa bột, trong đó có 39.965 trẻ đã cơ bản phục hồi sau khi được điều trị. Đa số trẻ em này đều dùng sữa bột Sanlu.

Ngày 21/9, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tới Bệnh viện Nhi Bắc Kinh để thăm hỏi những trẻ em đang được điều trị sau khi dùng sữa nhiễm melamine.

Sau khi vụ “sữa độc” Sanlu vỡ lở, Trung Quốc đã tăng cường kiểm tra và phát hiện nhiều sản phẩm sữa nước, sữa chua, kem... sản xuất tại nước này cũng chứa chất melamine. Những sản phẩm này  đã bị cấm bán trên thị trường.

Kết quả điều tra trên toàn Trung Quốc đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng vừa được công bố cho thấy trong 1.202 loại sản phẩm của 409 doanh nghiệp sản xuất sữa dạng lỏng thì có 24 loại sản phẩm bị phát hiện có chứa chất melamine gây sỏi đường tiết niệu và sỏi thận, những sản phẩm chứa chất melamine này đều thuộc 3 công ty lớn chiếm tới 70% thị phần sữa Trung Quốc là: Yli, Mengniu, Guangming.

Bộ Y tế Trung Quốc đã mở trang web: www.12320.gov.cn  để cung cấp thông tin phòng chống chất độc hại melamine trong sữa; ra thông tri khẩn cấp yêu cầu các tỉnh phải sớm thiết lập đường dây nóng tư vấn chữa trị cho trẻ em bị sỏi đường tiết niệu do dùng sữa bột nhiễm độc. Đến nay, đã có 8 tỉnh thực hiện, trong đó hai đường dây nóng tư vấn ở Bắc Kinh và Thượng Hải đã được nâng cấp để phục vụ cả nước 24/24 giờ.

Chính phủ Trung Quốc đã chỉ thị cho các cơ sở y tế bằng mọi giá phải cứu chữa miễn phí cho các em bé bị mắc bệnh do dùng sữa  nhiễm độc. Đồng thời, siết chặt kiểm tra các cơ sở sản xuất sữa và cam kết nghiêm khắc trừng phạt những cơ sở và cá nhân gây ra vụ "sữa bẩn" này.

Thị trưởng thành phố Thạch Gia Trang, nơi đặt cơ sở chính của tập đoàn sữa Sanlu, đã mất chức vì vụ việc này. Trung Quốc tuyên bố sẽ kiểm tra toàn diện các sản phẩm sữa và tiến hành cải tổ ngành công nghiệp sản xuất sữa của nước này.

Một số nước và khu vực tẩy chay sữa Trung Quốc

Vụ “sữa bẩn” Sanlu đang gây tác hại trên diện rộng, không chỉ khiến các nhà sản xuất sữa Trung Quốc điêu đứng, mà còn ảnh hưởng lớn tới uy tín của hàng hoá Trung Quốc.

Theo hãng tin Tân Hoa, ngày 21/9, Đặc khu hành chính Hồng Kông thông báo một bé gái 3 tuổi cũng đã bị sỏi thận sau khi uống sữa bột có nguồn gốc từ đại lục. Đây là trường hợp trẻ mắc bệnh do sữa nhiễm melamine đầu tiên bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Chính quyền Hồng Kông đã thu hồi toàn bộ sản phẩm sữa bột của Tập đoàn Yili do có chứa melamine. Tập đoàn cà phê Starbucks của Mỹ tại Trung Quốc cũng đã ngừng phục vụ các đồ uống với sữa ở nhiều đại lý Trung Quốc, sau khi chính phủ nước này ra lệnh thu hồi sản phẩm sữa.

Trong khi đó, một loạt nước đã tẩy chay sữa Trung Quốc. Chính phủ Brunei vừa thông báo ngừng nhập khẩu và bán trên thị trường nước này tất cả các sản phẩm bơ sữa nhập từ Trung Quốc. Các nước Singapore, Malaysia... và một số nước châu Phi cũng đã ban hành các lệnh tương tự.

Tại Nhật Bản, Công ty thực phẩm  Marudai Food Co. đã thu hồi hàng nghìn chiếc bánh nhân sữa vì sợ có chứa sữa nhiễm melamine của Tập đoàn Yili. Trong khi đó, nước Đức đã tiến hành kiểm tra ráo riết hơn thị trường sữa bột cho trẻ em. Còn, cơ quan an toàn thực phẩm New Zeland thì đã bắt đầu tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên các loại sữa và sản phẩm từ sữa tại các siêu thị của người châu Á ở nước này để xét nghiệm xem có chất độc hại hay không...

Trước tình trạng sữa nhiễm độc tại Trung Quốc gây tác hại nghiêm trọng, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vừa yêu cầu Trung Quốc tiến hành cuộc điều tra toàn diện về cái chết của 4 trẻ sơ sinh là nạn nhân của “sữa bẩn”. UNICEF cũng khuyến nghị các phụ nữ có con dưới 6 tháng tuổi nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ.

Trong khi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã yêu cầu Trung Quốc giải thích về sự chậm trễ trong việc thông báo về vụ bê bối sữa bột trẻ em. WHO cho biết, đang hợp tác với Trung Quốc để giảm tác hại của vụ sữa nhiễm độc này.