Sức mạnh tiềm ẩn của Trung Quốc với ‘Con đường tơ lụa kỹ thuật số’
Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương mang lại nhiều lợi ích cho khu vực, nhưng kèm theo đó là không ít lo ngại về sự phụ thuộc vào Bắc Kinh…
Những con đường ẩm ướt của Jakarta bỗng ngập tràn không khí sôi động kể từ khi gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc – Alibaba – thiết lập một trung tâm dữ liệu lớn tại trung tâm thành phố.
Thế nhưng cùng với không khí sôi động ấy là sự lo lắng ngày càng gia tăng trong cộng đồng công nghệ và các cơ quan địa phương về việc liệu Indonesia sẽ phải trả giá như thế nào cho tương lai số hóa được xây dựng trên nền tảng hạ tầng của Trung Quốc, theo tờ Modern Diplomacy.
Mặc dù các mối liên kết không mạnh như vẻ bề ngoài, “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” (DSR) của Trung Quốc đã thâm nhập vào mạng lưới kết nối tại Đông Nam Á.
Đây là một trong những sáng kiến hạ tầng kỹ thuật số lớn nhất trong lịch sử và là một thành phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc. Sáng kiến này nhằm mục tiêu đưa Bắc Kinh trở thành kiến trúc sư kỹ thuật số của cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua quá trình mang công nghệ tiên tiến đến khu vực này.
Sự mở rộng của Trung Quốc kéo theo các mối lo ngại về an ninh quốc gia, chủ quyền và ảnh hưởng địa chính trị ngày càng gia tăng khi mạng lưới 5G, cáp ngầm và trung tâm dữ liệu của Trung Quốc mở rộng khắp Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Đối với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng công nghệ đã tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt. Sự phát triển vượt bậc được thúc đẩy bởi tốc độ triển khai mạng 5G cùng các trung tâm điện toán đám mây và các nền tảng thương mại điện tử nhanh chóng. Tại các quốc gia như Việt Nam, Indonesia và Malaysia, các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, Alibaba và Tencent thậm chí còn đang thay đổi bộ mặt của nền kinh tế số.
Đơn cử, mạng 5G của Huawei đã cải thiện tốc độ internet và khả năng tiếp cận, trong khi bộ phận logistics của Alibaba đã giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) ở Indonesia tiếp cận thị trường quốc tế.
Hay các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng số đang biến Malaysia và Thái Lan thành những điểm nóng cho các đổi mới kỹ thuật số trong tương lai. Các doanh nghiệp được hưởng lợi từ hệ sinh thái thương mại điện tử hiệu quả và kinh tế hơn nhờ sự bùng nổ về tốc độ internet.
Theo tờ Modern Diplomacy, những tuyến cáp ngầm của Trung Quốc kết nối các đảo Thái Bình Dương với nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu cũng bắt đầu tạo ra ảnh hưởng đối với các nơi trước đây vốn bị cô lập về địa lý.
Những nơi như Fiji, Papua New Guinea và quần đảo Solomon giờ đây được kết nối nhiều hơn, cải thiện khả năng tiếp cận cơ hội kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Những hòn đảo này có thể vượt qua các mô hình phát triển truyền thống bằng cách hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thông qua công nghệ kết nối – một công cụ đầy sức mạnh.
NHỮNG QUAN NGẠI VỀ SỐ HOÁ NHANH CHÓNG
Tuy nhiên, những lo ngại về tác động lâu dài của sự số hóa nhanh chóng này đang ngày càng gia tăng cùng với ảnh hưởng của Trung Quốc. Mặc dù không thể phủ nhận những lợi ích từ sự kết nối được nâng cao, kèm theo đó là những hạn chế nghiêm trọng, đặc biệt là về an ninh và chủ quyền kỹ thuật số. Các công ty công nghệ Trung Quốc, vốn có mối liên kết chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc, đang bị điều tra về khả năng tham gia vào hoạt động gián điệp mạng và đánh cắp dữ liệu.
Đối với các quốc gia Đông Nam Á và Thái Bình Dương, câu hỏi về chủ quyền kỹ thuật số đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Càng phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc, các quốc gia như Malaysia và Việt Nam càng phải tìm cách cân bằng giữa việc duy trì sự tự chủ quốc gia và đảm bảo thịnh vượng kinh tế.
Một số nhà bình luận cho rằng sự phụ thuộc này có thể dẫn đến "chủ nghĩa thực dân kỹ thuật số" – nơi các thực thể nước ngoài với mục tiêu địa chính trị rộng lớn kiểm soát số phận kỹ thuật số của khu vực.
Các nhà lãnh đạo khu vực hiện đã nhận thức rõ hơn về nhu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia, trái ngược với sự hứng khởi trước đây đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc.
Đơn cử, Indonesia đã phản đối dự án 5G do Huawei hậu thuẫn vào năm 2023, với lý do lo ngại về an ninh dù dự án này có thể mang lại tốc độ internet nhanh hơn và khả năng tiếp cận công nghệ lớn hơn. Những tình huống như vậy làm nổi bật sự xung đột giữa những rủi ro liên quan đến việc nước ngoài kiểm soát hạ tầng kỹ thuật số trọng yếu và sự phát triển kinh tế.
Trong khi các khoản đầu tư kỹ thuật số của Trung Quốc được chào đón nồng nhiệt tại Đông Nam Á, phía Mỹ lại ngày càng quan ngại về sự hiện diện kỹ thuật số ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.
PHẢN ỨNG TỪ MỸ
Washington coi “Con đường tơ lụa kỹ thuật số” là một mặt trận chính trong cuộc xung đột rộng lớn hơn về sự thống trị kỹ thuật số toàn cầu và có lợi ích chiến lược của riêng mình tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Mỹ đã nỗ lực cản trở các dự án 5G của Trung Quốc tại các quốc gia nơi Huawei hiện diện mạnh mẽ. Theo Washington, sự thống trị của các công ty Trung Quốc trong hạ tầng kỹ thuật số có thể đe dọa đến an ninh quốc gia và công nghệ của Trung Quốc có thể bị sử dụng cho mục đích giám sát.
Các quốc gia Đông Nam Á nhìn chung vẫn duy trì sự trung lập, chọn cách cân bằng mối quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ. Các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn là bất lợi đối với nhiều quốc gia. Khi bị kẹt giữa hai luồng tư tưởng công nghệ, khu vực này bỗng trở thành nhân tố quan trọng trong cuộc “chiến tranh lạnh kỹ thuật số” giữa hai cường quốc.
Không chỉ vậy, các đảo Thái Bình Dương đang dần trở thành những nhân tố quan trọng trên "Con đường tơ lụa kỹ thuật số” dù từ trước đến nay ít vốn được chú ý trong chính trị toàn cầu. Việc tiếp cận các dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, học tập từ xa và thương mại điện tử đã được cải thiện, đưa các thị trường như Fiji, Vanuatu và Papua New Guinea vào vị thế mạnh hơn trong việc hội nhập thế giới số.
Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đang được đặt ra đối với sự ổn định lâu dài của các đảo Thái Bình Dương trước tốc độ số hóa quá nhanh. Ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực ngày càng tăng, kéo theo nguy cơ phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng do Trung Quốc cung cấp. Tương lai của nền kinh tế số tại các đảo này sẽ phụ thuộc vào khả năng cân bằng giữa lợi ích công nghệ - kinh tế mà các khoản đầu tư từ Trung Quốc mang lại và việc duy trì chủ quyền kỹ thuật số.
Trong khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng ảnh hưởng thông qua "Con đường tơ lụa kỹ thuật số", những tác động lâu dài của cuộc cách mạng số này vẫn chưa được định hình rõ ràng.
Với nhiều quốc gia Đông Nam Á và Thái Bình Dương, tương lai số hóa là một con dao hai lưỡi. Một mặt, các khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng công nghệ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, giúp nâng cấp nền kinh tế số. Mặt khác, sự phụ thuộc ngày càng tăng vào công nghệ Trung Quốc làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về chủ quyền kỹ thuật số, an ninh quốc gia và quyền riêng tư dữ liệu.
Khả năng thương thảo khéo léo trong mạng lưới ngoại giao số phức tạp sẽ quyết định tương lai của các quốc gia này trong thập kỷ tới. Liệu họ sẽ tiến gần hơn vào quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc, hay sẽ tìm cách bảo vệ tương lai số của mình trong khi vẫn giữ được sự độc lập? Câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ định hình cục diện địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều năm tới, khi tương lai số của khu vực nổi lên như một trong những chiến tuyến gây tranh cãi nhất trong chính trị toàn cầu.