09:22 23/05/2007

Tách phí xếp dỡ container, doanh nghiệp nên làm gì?

Thùy Trang

Từ nay, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ phải quy định rõ phí xếp dỡ container do bên nào thanh toán khi ký kết hợp đồng

Cảng container VITC tại quận 7, Tp.HCM - Ảnh: TT.
Cảng container VITC tại quận 7, Tp.HCM - Ảnh: TT.
Hội đồng Đàm phán về phí xếp dỡ container (THC) của Việt Nam và đại diện Hội hiệp thương Các chủ tàu nội Á (IADA) đã thống nhất được việc tách THC ra khỏi cước vận chuyển bằng đường biển.

Từ nay, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ phải quy định rõ phí THC do bên nào thanh toán khi ký kết hợp đồng.

Đây là kết quả bước đầu đạt được tại phiên đàm phán diễn ra tại Hà Nội ngày 17/5. Tại cuộc họp báo ngày 21/5, ông Hoàng Văn Dũng, Phó chủ tịch VCCI, Trưởng đoàn đàm phán nhấn mạnh việc tách THC không có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam phải đóng thêm loại phí nữa. Đây là thoả thuận phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt trong điều kiện đã là thành viên của WTO, muốn hay không Việt Nam vẫn phải tham gia "cuộc chơi".

Tại sao lại phải tách THC?

Theo tập quán quốc tế, cước vận tải đường biển mà các chủ tàu biển chào cho các nhà xếp hàng hoặc nhận hàng luôn luôn bao gồm mức cước cơ bản cộng với THC ở cảng bốc hàng, THC ở cảng dỡ hàng và một số phụ phí khác áp dụng vào thời gian hàng lên tàu. Do đó, tách THC sẽ giúp các chủ tàu minh bạch hoá tiền cước vận chuyển bao gồm tiền cước trên biển và chi phí trên bờ.

Cước đường biển thường được tính bằng USD. Cước đó lên xuống phụ thuộc vào số lượng tàu, số lượng hàng có, tức là phụ thuộc vào cung cầu của thị trường tàu biển và do đó cước này thường xuyên thay đổi. Còn đối với THC là khoản phí trả trên bờ thường được tính bằng tiền bản địa và được cố định giá trong một thời gian nhất định. Chính vì vậy, các chủ tàu muốn tách ra để minh bạch hoá.

Tại cuộc đàm phán ngày 17/5, Tổng thư ký IADA phân tích việc thực hiện THC có nghĩa là tách THC ra khỏi giá cước vận chuyển. THC từ trước đến nay phía chủ hàng Việt Nam và nước ngoài đã trả trong giá cước vận chuyển bằng đường biển. Ví dụ, trước thời điểm định áp dụng tính THC của Việt Nam, cước vận tải đường biển từ Hải Phòng đi Hồng Kông là 150 USD đối với container 20 feet, nếu ngày 1/6/2007 họ áp dụng thì cước sẽ bao gồm cước đường biển là 90 USD và THC là 60 USD. Tổng số vẫn là 150 USD, không thay đổi.

Theo ông Hoàng Văn Dũng, thành công của cuộc đàm phán lần này chính là đạt được thoả thuận về việc tách THC. Việc trả THC sẽ được thực hiện đối với cả hàng xuất và nhập. Đó là thời điểm hoàn thành bốc container đã có hàng lên tàu biển tại cảng xếp hàng và thời điểm hoàn thành việc dỡ container tại cảng dỡ hàng.

Tách THC có ảnh hưởng đến thương nhân Việt Nam?

Theo quy định, người gửi hàng hoặc người nhận hàng sẽ trả THC. Ai trả trực tiếp sẽ được xác định trong hợp đồng mua bán. Từ trước đến nay, các chủ hàng Việt Nam đã trả cước THC trong cước vận chuyển. Nay phải tách trả riêng ra vì lí do minh bạch hoá cho chủ tàu trong việc định giá cước cũng như giúp cho các nhà xuất nhập khẩu của Việt Nam biết được giá cước là bao nhiêu để chào hàng.

Theo Luật sư Võ Nhật Thăng, từ trước tới nay, THC được trả gộp trong cước vận chuyển, hoặc do thương nhân nước ngoài hoặc do thương nhân Việt Nam trả. Trên thực tế, các chủ hàng Việt Nam có thói quen giao bán FOB và mua CIF. Như vậy, lâu nay, phí THC đã gộp trong giá cước nên bạn hàng nước ngoài đã trả cả hàng đến Việt Nam và hàng đi từ Việt Nam. Nhưng khi các hãng tàu tách giá cước ra, đương nhiên các doanh nhân nước ngoài sẽ lên tiếng rằng đây là tập quán thương mại thế giới, và yêu cầu đầu nước nào nước đó trả. Có nghĩa trong trường hợp một lô hàng của Việt Nam đi Hồng Kông thì người nước ngoài mua hàng Việt Nam chỉ trả tiền cước 90USD và Việt Nam phải trả THC 60USD. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra bây giờ là các doanh nghiệp Việt Nam phải đàm phán với các doanh nghiệp nước ngoài làm thế nào đạt được phương án dễ chịu nhất.

Theo luật sư Thăng có 3 tình huống xảy ra: 1. Phía khách hàng trả hết, Việt Nam không phải trả. Tình huống thứ hai là "cưa đôi" 50/50. Tình huống thứ ba là theo tập quán, cái gì phát sinh ở Việt Nam thì Việt Nam trả, bao gồm cả hàng xuất và nhập, cái gì phát sinh ở bên nước ngoài thì nước ngoài trả. Như vậy, mọi chuyện hoàn toàn tuỳ thuộc vào quan hệ mua bán bạn hàng giữa các thương nhân Việt Nam và nước ngoài!

Ông Nguyễn Tương, chuyên gia tư vấn của Hội đồng đàm phán, nhận định mặc dù IADA có 33 thành viên và vận chuyển 90% hàng hoá của Việt Nam trong nội á nhưng trong trường hợp cụ thể các doanh nghiệp vẫn có thể tự đàm phán với các hãng tàu thành viên về mức cước.

Ông Hoàng Văn Dũng cho biết, lúc đầu đoàn dự kiến đề xuất thời gian áp dụng là ngày 1/6/2008 và cuối cùng đưa ra đề nghị thực hiện từ 1/1/2008. Tuy nhiên, kết thúc phiên đàm phán ngày 17/5 vừa qua, đại diện của IADA vẫn không nhất trí với đề nghị của Việt Nam mà vẫn giữ nguyên thời điểm áp dụng từ ngày 1/6/2007, mức áp dụng ban đầu có thể 50/USD container 20 feet và 75 USD/container 40 feet và từ 1/1/2008 sẽ thực hiện 60 USD/container 20 feet và 90 USD/container 40 feet.

Khi đàm phán, Hội đồng Đàm phán của Việt Nam đã đề nghị lui thời gian áp dụng THC với lý do là phần lớn các chủ hàng Việt Nam đã ký hợp đồng thương mại cho năm 2007 nên khó thương lượng với khách hàng nước ngoài về việc thanh toán THC. Hơn nữa, các chủ hàng Việt Nam cũng cần có thời gian để làm quen với hình thức trả THC mới. Tuy vậy, khi rời bàn đàm phán, IADA cho biết sẽ báo cáo lại với các thành viên nhưng vẫn giữ quan điểm áp dụng từ 1/6/2007. Do đó, trong trường hợp tốt nhất, theo ông Dũng, việc thu phí sẽ áp dụng ngày 1/1/2008. Song ông cũng cảnh báo các doanh nghiệp vẫn phải chuẩn bị đề phòng tình huống xấu là IADA đơn phương áp dụng từ 1/6/2007.

Tính đến thời điểm hiện nay, ngoài IADA, đã có hai hiệp hội nữa cũng thông báo với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tách THC ra khỏi cước vận chuyển ở Việt Nam. Đó là Hiệp hội Các hãng tàu Viễn Đông (FEFC) không thông qua đàm phán với Việt Nam, đã đơn phương thông báo áp dụng thu THC từ 1/5/2007. Đầu tuần trước, Hiệp hội Cước biển Đỏ (IRFA) cũng thông báo từ 1/7/2007 sẽ áp dụng việc tách THC ở Việt Nam với mức phí cũng giống như FEFC là 65USD/container 20 feet và 98 USD/container 40 feet.