13:42 27/10/2011

Tái cơ cấu nền kinh tế: Quốc hội cần đưa “đầu bài”

Nguyên Hà

Phiên thảo luận đầu tiên của Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội sáng 27/10 khá tẻ nhạt

Đại biểu Quốc hội còn lo lắng về nhiều vấn đề bức xúc chậm được  giải quyết - Ảnh: TTXVN.
Đại biểu Quốc hội còn lo lắng về nhiều vấn đề bức xúc chậm được giải quyết - Ảnh: TTXVN.
Vẫn “ưu tiên” mỗi địa phương một ý kiến, không theo nhóm vấn đề và thiếu tranh luận… phiên thảo luận đầu tiên của Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội sáng 27/10 dường như chưa thể hiện được mong muốn đổi mới của nhiều vị đại biểu và mong đợi của cử tri.

Tuy nhiên, cũng vẫn có thể tìm thấy những nhận xét thẳng thắn, những đề xuất tâm huyết giữa khá nhiều phát biểu đều đều, chung chung, thiếu điểm nhấn tại đây.

Đầu bài phải rõ

Điều hành phiên họp được truyền hình trực tiếp,  Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gợi ý một số vấn đề cần tập trung thảo luận, trong đó có nhiệm vụ giải pháp cần tập trung triển khai tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Là một trong số các đại biểu đề xuất xây dựng đề án tái cơ cấu nền kinh tế ngay từ giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa 12, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM trong phát biểu sáng nay, đã nhấn mạnh yêu cầu tái cấu trúc đầu tư, một trong ba nội dung đã được xác định cần tập trung trong tái cơ cấu nền kinh tế.

Đề nghị tập trung tái cấu trúc đầu tư ngân sách, đại biểu Lịch cho rằng phải định hướng rằng đầu tư nhà nước có ý nghĩa là công cụ để thúc đẩy thị trường và doanh nghiệp tái cấu trúc đầu tư một cách hiệu quả.

Từ đó, trong các tiêu chí định hình cho đầu tư phải tuân thủ 2 nguyên tắc rất quan trọng. Một là phí tổn cơ hội, tức là đồng tiền có hạn, cần tính kỹ xem đầu tư vào đâu là hiệu quả nhất. Hai là đầu tư đó kích thích cho xã hội tăng đầu tư.

“Tôi đề nghị đặt một chỉ tiêu là hàng năm đầu tư nhà nước tăng về số tuyệt đối nhưng tỷ trọng so với đầu tư xã hội phải giảm. Điều đó có nghĩa là đồng tiền đầu tư nhà nước kích thích tăng đầu tư xã hội”, đại biểu Lịch nói.

Với Quốc hội, ông Lịch đề nghị cần có một nghị quyết hoặc đưa vào nghị quyết về kinh tế - xã hội vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế và đưa ra đầu bài tương đối rõ, giao Chính phủ rà soát tất cả các văn bản có liên quan và kể cả hệ thống pháp luật để phục vụ cho tái cấu trúc nền kinh tế.

Cũng đồng tình với ba trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế, đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) cho rằng, cắt giảm đầu tư công song vẫn phải ưu tiên cho đầu tư nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

“Cắt giảm như thế nào, cắt giảm ở đâu để vừa bảo đảm được an sinh xã hội và giữ được mức tăng trưởng từ 6 đến 6,5% là một vấn đề cần xem xét”, ông Quang phát biểu.

Vị đại biểu này cũng đề nghị Chính phủ phải có nguyên tắc, có hướng dẫn cụ thể trong việc cắt giảm để bảo đảm tính công bằng, không cào bằng và thực hiện đúng đối tượng.

Liên quan đến lộ trình để ổn định vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế, ở kế hoạch của năm 2012, nhiều vị đại biểu cho rằng, việc quan trọng nhất cần được ưu tiên là phải kéo được mức tăng giá tiêu dùng về dưới 10%.

“Để làm được việc này mà mức tăng trưởng không đạt 6% theo tôi đã là thành công”, đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) phát biểu.

Dấu ấn bộ trưởng mới

Mới qua 3 tháng được Quốc hội phê chuẩn, song dấu ấn một số vị bộ trưởng mới đã được nhắc đến, với cả sự kỳ vọng của cử tri về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đánh giá cao sự điều hành, chỉ đạo có hiệu quả của Chính phủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, song cũng đồng tình là những tồn tại khuyết điểm có nguyên nhân từ những hạn chế yếu kém trong công tác lãnh đạo quản lý. Điển hình trong quản lý giá cả một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện do các doanh nghiệp nhà nước độc quyền.

“Chính vì thực tế này, cử tri bày tỏ sự đồng tình ủng hộ với chủ trương của Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ đề nghị công khai lỗ lãi trong kinh doanh xăng dầu ở một số doanh nghiệp, cũng như công khai việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian gần đây”, ông Học nói.

Phê tình trạng kéo dài chậm trễ nhiều công trình xây dựng cơ bản, trong đó có những công trình trọng điểm, đại biểu Học cho biết: thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có những chỉ đạo quyết liệt để chấn chỉnh tình trạng chậm thi công công trình trong lĩnh vực giao thông vận tải được cử tri đồng tình ủng hộ, đánh giá cao.

Việc Bộ trưởng Thăng yêu cầu cán bộ cao cấp của ngành giao thông vận tải dừng đánh golf trong những ngày nghỉ, theo ông Học cũng được dư luận đồng tình đánh giá cao.

“Tôi nghĩ việc tạm dừng đó vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tiết kiệm được kinh phí và đó là việc làm có lợi cho dân và được dân đồng tình. Do vậy, tôi mong Quốc hội đồng tình để có những bộ trưởng mạnh mẽ quyết liệt trong điều hành chỉ đạo có lợi cho lợi ích của dân”, ông Học nhấn mạnh.

Đề cập mảng tối của giao thông Tây Nguyên qua hình ảnh người dân Kon Tum đu dây qua sông và em bé Quảng Bình bơi qua cơn lũ để đến trường, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) gửi gắm hy vọng của cử tri đến Bộ trưởng Thăng. Đó là “trong nhiệm kỳ này Bộ trưởng quan tâm xóa mảng tối này cho miền núi, cho Tây Nguyên”.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế, xã hội năm 2011, kế hoạch 2012 và kế hoạch 5 năm 2011 – 2015.