16:10 08/07/2010

Tái cơ cấu Vinashin: “Xấu hổ và cay đắng”

Anh Quân

Lãnh đạo Vinashin nói về trách nhiệm, điều chỉnh cơ cấu quyền lực và điều hành khi tái cơ cấu tập đoàn

Con tàu Vinashin sẽ hướng về đâu?
Con tàu Vinashin sẽ hướng về đâu?
“Trong việc này, chúng tôi thật sự xấu hổ và cay đắng”, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) Trần Quang Vũ bày tỏ trong cuộc trao đổi với báo chí, xung quanh cách thức xử lý các vấn đề tồn đọng, quyền lợi và trách nhiệm các bên liên quan, cũng như định hướng của việc tái cơ cấu tập đoàn này.

Chuyên đề: Toàn cảnh Vinashin

Ông Vũ nói:

- Đáng ra nó không phải như thế này, kể cả có khủng hoảng. Đáng ra, chúng tôi phải tỉnh táo hơn từ năm 2008. Đấy là những điều làm chúng tôi day dứt.

Danh dự chúng tôi đã bị tổn thương, trong khi đó, những người công nhân của Vinashin rất tốt lại là nạn nhân của hệ thống điều hành. Đấy là điều đau đớn, phải vực nó lên, phải bổ nhiệm được lãnh đạo kế tiếp và chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm, trả giá cho câu chuyện vừa qua, không né tránh.

Có thể xin phép bán nhà máy để trả nợ

Mới đây, Vinashin cho biết đã mất đi khoảng 15 nghìn nhân công trong quá trình khó khăn vừa qua. Có phải là nghịch lý không khi tập đoàn luôn khẳng định đủ việc làm đến 2011 nhưng vẫn có công nhân thiếu việc làm?

Trong quá trình khủng hoảng vừa qua, chúng tôi mất đi khoảng 15 nghìn lao động thật. Nhưng 15 nghìn lao động này rơi vào các công ty xây dựng, công ty dịch vụ, công ty cổ phần mới thành lập. Còn lực lượng đóng tàu chúng tôi chỉ mất đi khoảng 2 nghìn người, không phải con số quá lớn. Còn lực lượng tinh nhuệ của chúng tôi hãy còn nguyên.

Còn chuyện công nhân không có việc làm là do không có vốn cho sản xuất. Việc hợp đồng ký là đảm bảo cho đến năm 2012, nhưng hiện chúng tôi không thể huy động vốn nhiều để đóng các con tàu cho nên dẫn đến công nhân không có việc làm.

Với đợt tái cơ cấu này, chúng tôi dồn toàn lực nguồn tiền thu về được để tập trung đủ sống và cho sản xuất. Và khi các con tàu được giao thì chúng tôi tiếp tục cân đối được những khoản tiền lớn về để cân đối tài chính. Hiện nay chúng tôi đang có khoảng hơn 1 tỷ USD giá trị tàu đóng dở dang. Chúng tôi chỉ cần bỏ thêm một ít nữa thì sẽ thu được số tiền này về.

Với bài toán này, chúng tôi thu được hai mục tiêu, vừa cân đối được tài chính, vừa thúc đẩy sản xuất và thu tiền về. Tất nhiên, do khó khăn về tài chính nên có những hợp đồng nhỡ hạn, chúng tôi phải dàn xếp với chủ tàu để họ chia sẻ khó khăn với chúng tôi.

Ông có lạc quan quá không, khi mà Vinashin vẫn còn đứng trước khoản nợ khoảng 60 nghìn tỷ đồng, sau khi đã chuyển được 20 nghìn tỷ đồng khác cho đối tác?

Chúng tôi không phải hoàn toàn ảo tưởng. Chúng tôi hiểu rằng phía trước còn nhiều thách thức và khó khăn. Nhưng với quyết tâm rất cao, chúng tôi chắc chắn sẽ vượt qua được.

60 nghìn tỷ đồng phải tính là chúng ta làm được cái gì trong 1 năm. Ví dụ như các nhà máy lớn của chúng tôi hoàn toàn có thể làm được 15-20 tàu cỡ 53 nghìn tấn mỗi năm. Mà chúng ta biết là tổ chức sản xuất tốt thì một con tàu chúng tôi lãi từ 3-5 triệu USD, sản xuất không ra gì thì mới lỗ. Và với sản lượng khi phục hồi trở lại, chúng tôi hoàn toàn có khả năng tạo ta lợi nhuận để trả món nợ này.

Tất nhiên, món nợ ngoài ý nghĩa là nợ thì nó còn hình thành nên tài sản của chúng tôi, chứ không phải hoàn toàn là 60 nghìn tỷ đồng. Phần hình thành các nhà máy, các cơ sở sản xuất của chúng tôi cũng chiếm khoảng 40 nghìn tỷ đồng trong đó, còn lại chỉ có 20 nghìn tỷ đồng là vốn lưu động. Cho nên, khi thị trường kích hoạt trở lại thì chúng tôi hoàn toàn có khả năng trả nợ được.

Và thậm chí chúng tôi cũng thẳng thắn là khi thị trường phục hồi mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, chúng tôi sẵn sàng xin phép Chính phủ bán một số nhà máy đi để trả nợ. Có phải chúng tôi vứt tiền đi đâu? Mọi người đều hiểu nhầm là 60 nghìn tỷ đồng ấy mất đi, thực tế có mất đi đâu.

Ví dụ như Tổng công ty Nam Triệu, trước chúng tôi đầu tư chỉ có 200 triệu USD, vào khoảng 4 nghìn tỷ đồng. Nay, chúng tôi hoàn toàn có thể bán với giá 5-6 nghìn tỷ đồng cho nước ngoài khi thị trường hồi phục. Các nhà máy chúng tôi đầu tư ở giai đoạn trước đây với chi phí rất thấp. Chúng tôi đã tính toán đến khả năng khả thi để trả nợ.

Sẽ chỉ đầu tư ngoài ngành bằng lãi kiếm được

Sau quyết định tái cơ cấu, với những dự án còn lại, bao nhiêu dự án vẫn đầu tư dở dang, và tập đoàn cần thêm bao nhiêu vốn nữa?

Hiện tại chúng tôi đang kiểm kê lại, rà soát những dự án không thật cần thiết và có thể bán đi để thu tiền về. Việc này sẽ được làm rất kiên quyết.

Quan điểm của chúng tôi là sẽ xây dựng kế hoạch cả gói cho Vinashin trong đó quan điểm của chúng tôi là vẫn giữ nguyên Vinashin là kinh doanh đa ngành đa nghề, vì đây là quy luật của phát triển kinh tế. Thế nhưng, chúng tôi sẽ đưa ra chiến lược và lộ trình.

Ví dụ như hiện nay, Vinashin đang dựa trên nền tảng hoạt động từ vốn vay thì chúng tôi chỉ tập trung vào đóng tàu, sửa chữa tàu và chế tạo thiết bị cho tàu thủy. Sau này, khi chúng tôi làm ăn có lãi thì chỉ đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh chính phần lãi chúng tôi làm ra, chứ không phải bằng vốn vay.

Việc phát hành trái phiếu cho Vinashin vay lại, hay yêu cầu các ngân hàng cho Vinashin vay, vài năm gần đây không còn. Như vậy Vinashin sẽ đứng tự chủ thế nào sau rất nhiều năm được quan tâm quá mức?

Tất nhiên, chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước, sự hỗ trợ, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ là cần thiết. Theo quan điểm của tôi, các ngành nghề công nghiệp nặng, khó, tư nhân không làm được, nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư, thì Chính phủ nên có hỗ trợ. Các nước cũng vậy. Nhưng sự hỗ trợ đó chỉ là lúc ban đầu, còn lại tự họ phải tổ chức sản xuất để làm ăn có lãi. Chúng ta không thể bao cấp mãi được.

Đương nhiên, chúng tôi bây giờ, dù có "bò" thì cũng sẽ "bò" bằng đôi chân của mình. Nếu cần thiết thì chúng tôi cũng xin hỗ trợ ngắn hạn, nhưng phải đảm bảo hoàn trả lại hỗ trợ theo đúng cam kết.

Xin cơ hội giải thích

Ý ông là tập đoàn có thể sẽ vượt qua rất nhanh. Vậy vì sao kết quả kinh doanh 6 tháng qua không thấy Vinashin công bố?

6 tháng đầu năm nay không được bằng năm ngoái, sản xuất đang có dấu hiệu đi xuống. Doanh thu toàn tập đoàn khoảng 21 nghìn tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là khoảng 30 nghìn tỷ đồng. 6 tháng đầu năm không có lãi. Làm sao mà lãi được, với tình hình hiện nay cầm cự được đã là tốt lắm rồi. Doanh số đi xuống rồi chi phí về lãi vay phát sinh ra… làm gì có lãi.

Cho nên, vấn đề với doanh nghiệp chúng tôi hiện nay là phải đẩy mạnh sản xuất, tạo ra doanh số cao, tiết kiệm chi phí thì mới đương đầu được. Tôi hy vọng giải quyết nhanh đợt này thì từ tháng sau sẽ đi lên. Bắt đầu tư sáng nay, tôi họp phiên đầu tiên trên cương vị điều hành đã ra lệnh kiểm soát chặt chẽ và yêu cầu tất cả từ tổng giám đốc đến mọi người, thứ Bảy, Chủ Nhật cần thiết là không có ngày nghỉ.

Cuối tuần này, lãnh đạo chúng tôi đi các đơn vị, tuần sau đi các tỉnh phía Nam, giải thích và làm rõ, đưa ra kết hoạch. Sẽ kêu gọi mọi người từ lãnh đạo cao nhất trở xuống, trong 3 tháng tới làm việc với cường độ cao nhất để phục hồi sản xuất.

Khi vấn đề tái cơ cấu Vinashin được thông tin đến dư luận, có ý kiến cho rằng khủng hoảng bộc lộ hạn chế chất lượng cũng như khả năng đóng tàu của tập đoàn. Ông giải thích thế nào?

Tôi cho là không phải. Vinashin khó khăn như hiện nay do chúng tôi có nhiều tham vọng tạo ra ngành công nghiệp toàn diện, tự tin vào thị trường tài chính tốt, phải đầu tư. Giả sử phát hành 2 tỷ USD, nếu tình trạng đất dự án giao chậm như hiện nay sẽ tai họa khi tiền về. Chúng tôi đi trước một bước, mở các dự án trước khi phát hành. Nhưng không may thị trường đổ nên gây ra tình trạng hiện nay.

Ngành đóng tàu không khó khăn như mọi người nghĩ. Chúng tôi đã đóng tàu khó nhất trên thế giới, trình độ không thua kém các nước trên thế giới. Trước đây đóng tàu 53 ngàn tấn đầu tiền mất 14 tháng đấu đà, nay chỉ mất 2 tháng rưỡi, trình độ quản lý, tay nghề công nhân tốt, khẳng định sức mạnh kỹ thuật và quản lý các dự án đóng tàu của Vinashin mạnh hơn trước đây rất nhiều. Chúng tôi tự tin cạnh tranh được.

Có ý kiến độc giả phản ánh với chúng tôi rằng, tàu của Vinashin không dám cập cảng quốc tế vì sợ siết nợ, hoặc sợ phạt vì không đủ tiêu chuẩn, chất lượng không đảm bảo. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Cái đó không phải như vậy. Cần phải phân định rõ Vinashin hoạt động nhiều ngành nghề, trong đó có cả đóng tàu và vận tải biển.

Những con tàu chúng tôi đóng đạt các tiêu chuẩn của đăng kiểm thế giới và Vinashin đã đóng tàu là theo tiêu chuẩn của đăng kiểm thế giới. Cái thứ hai là tàu của Vinashin chạy vòng quanh thế giới rất nhiều lần rồi và không có phản hồi nào về kỹ thuật trong 4-5 năm nay.

Còn các con tàu bị bắt giữ ở cảng chủ yếu là tàu của một công ty vận tải của Vinashin, đó là tàu cũ của nước ngoài đã mua về từ nhiều năm trước và khi tài chính có khó khăn chưa đủ tiền để sửa chữa cho hoàn hảo theo yêu cầu của đăng kiểm. Cho nên, nó xảy ra tình trạng như vậy.

Tất nhiên chúng tôi hoàn toàn tôn trọng và lắng nghe mọi ý kiến phản hồi và xin có cơ hội để được giải thích.

Khi "phân vai" sẽ khác

Sau tái cơ cấu, những vấn đề như nhân sự, tổ chức, quản lý giám sát tài chính, đầu tư có gì thay đổi, thưa ông?

Chúng tôi bước đi trên một nền tảng không phải như mọi người đã nghĩ. Ngoài những vấn đề báo chí đã nêu, chúng tôi có một cơ sở vật chất đã được tạo dựng lên. Trong 10 năm vừa rồi, Vinashin tạo nên một đội ngũ đóng tàu có trình độ và đã từng vượt qua nhiều thử thách.

Ngoài ra, rõ ràng về quản lý, chúng tôi có những vấn đề cần phải hiệu chỉnh. Chúng tôi sẽ xem xét một cách bình tĩnh, những gì tốt đẹp những năm vừa qua chúng tôi làm được thì sẽ tiếp tục phát huy nó lên, những gì tồn tại cần được hiệu chỉnh cho phù hợp với chiến lược phát triển mới, tất cả nhằm mục đích hiệu quả.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào ngành đóng tàu và chế tạo thiết bị, củng cố bộ máy cho phù hợp chiến lược phát triển mới, co cụm lại ở các vùng miền và giảm nhẹ các đầu mối. Chúng tôi dự kiến số lượng công ty sẽ giảm xuống dưới 100 để tăng cường nguồn lực cho các công ty còn ở lại.

Và xây dựng lại một hệ thống quản lý hiện đai, nếu như ngành đóng tàu mà không xây dựng được hệ thống quản lý và điều hành “bán quân sự” thì ngành đóng tàu sẽ lỗ. Một con tàu trị giá  khoảng 600 tỷ đồng, cộng với thiết bị để hạ thủy nó khoảng 500 tỷ đồng là 1.100 tỷ đồng. Nếu chúng tôi giao đúng hạn thì sẽ lãi, nhưng nếu quản lý không tốt, hệ thống vật tư cung cấp có vấn đề, bộ máy chuyển động không trơn trượt, chậm 3-4 tháng là chúng tôi lỗ vài triệu USD. Cho nên, vấn đề quản lý và vận hành hệ thống quản lý đó là quan tâm hàng đầu.

Cái nữa là tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân của chúng tôi rất giỏi, nhưng cán bộ quản lý cần phải xây dựng và chuyên nghiệp hơn. Đó là những chiến lược lớn của Vinashin trong thời gian tới.

Quản lý tài chính sẽ phải làm chặt chẽ hơn. Chúng tôi không háo hức trong việc phát hành mà tất cả đều phải xây dựng lại, các dự án tính toán cho cụ thể, thị trường tầm gần tầm xa, mức đầu tư và nguồn nhân lực và tính khả thi của nó thì mới bắt đầu huy động vốn.

Còn các dự án đầu tư thì vẫn tiếp tục theo chiến lược phát triển mới và phải kiểm soát chặt chẽ. Chúng tôi là người kinh doanh nên khi thị trường sôi động rất khó giữ mình. Cho nên, chúng tôi sẽ cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình khi mà bất chợt có một thị trường ngoài ngành phát triển. Chúng tôi khẳng định rằng chỉ đầu tư ngoài ngành khi có lãi để đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững.

Với ban lãnh đạo, chúng tôi có những người biết việc và chúng tôi tin tưởng vào ban lãnh đạo, nhưng vấn đề là hệ thống phải thay đổi. Những người đang làm việc tại Vinashin hoàn toàn có thể làm tốt công việc của mình trong thời gian tới.

Điều lệ của Vinashin vẫn chủ yếu là từ thời còn là mô hình tổng công ty. Lần này sẽ có điều chỉnh như thế nào để không còn những "nạn nhân" như ông nói?

Điều lệ cũng đã có hiệu chỉnh rồi, tất nhiên là chưa phù hợp. Hiện nay chúng tôi bắt đầu trình lên Chính phủ điều lệ mới, trên chúng tôi là hội đồng quản lý và dưới là ban điều hành. Tức là điều lệ cũng có sự thay đổi cho phù hợp với chiến lược mới và phù hợp với việc kiểm soát.

Trước đây, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc điều hành, thì tới đây chúng tôi tách Hội đồng Quản trị ra, giữ vai trò điều hành về chiến lược; ban điều hành sẽ chịu trách nhiệm điều hành và chịu trách nhiệm trước Hội đồng Quản trị và trước pháp luật, đó là thay đổi lớn.

Thứ hai, chúng tôi cũng có hiệu chỉnh công tác quản lý, ví dụ trước đây giai đoạn đầu các đơn vị chưa giải quyết được một số vấn đề thì tập đoàn làm thay một số việc. Giai đoạn này tập đoàn chỉ làm công tác điều hành và quản lý vĩ mô, còn lại các đơn vị sẽ phải thực hiện các công việc cụ thể và chịu trách nhiệm.

Tuyệt đối không can thiệp quá sâu vào các doanh nghiệp thành viên và quyền chủ động của các doanh nghiệp phải được tôn trọng. Chúng tôi giữ vai trò kiểm soát và sẽ hành động khi có đơn vị có dấu hiệu bất ổn. Tôi cho cách làm này sẽ hiệu quả hơn.

Chúng tôi không tránh né

Liên quan đến việc kiểm điểm lãnh đạo các cấp, việc thực thi như thế nào?

Hiện nay, chúng tôi đã có thông báo đến tất cả các đồng chí trong ban chấp hành, trong Hội đồng quản trị, trong ban điều hành và tổng giám đốc các công ty lớn đều phải kiểm điểm cá nhân.

Có thể có đồng chí không sai cũng phải làm kiểm điểm, sau đó chúng tôi tổ chức một buổi kiểm điểm sâu sắc trách nhiệm từng cá nhân một, và cuối cùng sẽ là kiểm điểm tập thể để báo cáo lên cho Thủ tướng quyết định. Trách nhiệm tập thể thì tập thể phải chịu, trách nhiệm của cá nhân thì các nhân phải chịu, dù có thế nào chúng tôi cũng không né tránh.

Đợt này chúng tôi muốn làm kiểm điểm một cách kỹ càng, chúng tôi muốn dành thời gian để mọi người suy nghĩ về những điều đã qua và làm một cách trung thực, rõ ràng. Chúng tôi dự kiến đến cuối tháng 7 sẽ báo cáo lên Thủ tướng.

Lần trước, để tránh "xáo trộn" hoạt động doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ đã lui lại thời gian thanh tra Vinashin, nay có lùi hay dừng không?

Cái này là quyết định của Chính phủ, chúng tôi chưa nhận được thông báo về việc này nhưng sẵn sàng tiếp đoàn thanh tra, mặc dù Vinashin đang ở hoàn cảnh rất khó khăn.

Xét trên quan điểm cá nhân thì tôi cho là thanh tra lúc này chưa hợp lý, vì đằng sau chúng tôi là 5-7 vạn người, trước sau chúng tôi cũng phải đối mặt với thanh tra, nhưng quan trọng bậc nhất lúc này là phải ổn định cuộc sống cho người công nhân. Nói đây không phải là chúng tôi chạy hồ sơ, chạy giấy tờ. Chúng tôi không né tránh và sẵn sàng chịu trách nhiệm.

Vẫn có ý kiến cho rằng việc trì hoãn kế hoạch thanh tra có phải Vinashin đang né tránh làm rõ tình hình tài chính, công nợ… của tập đoàn?

Chuyện thanh tra kiểm tra là bình thường, mục tiêu cuối cùng khi thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp tốt lên. Chúng tôi cũng không có ý kiến gì về vấn đề này, thật ra lúc đó đang tập trung giải quyết công việc của tập đoàn.

Khi chưa có quyết định tái cơ cấu của Thủ tướng, từ đầu năm ban lãnh đạo Vinashin đã có những cuộc họp khẩn cấp, tập đoàn đã tiến hành các cuộc họp bàn, tiếp xúc các doanh nghiệp đối tác trong và ngoài nước để chuyển nhượng những dự án không cần thiết.

Có nhiều lí do, nhưng chúng tôi cho rằng mục tiêu để chúng tôi cố gắng xử lý công việc của mình, thời điểm nào, ban lãnh đạo dù có bị xử lý kỷ luật nhưng làm thế nào để doanh nghiệp vẫn tồn tại và phát triển, đó là mục tiêu cao nhất.

Kỳ tới: Tái cơ cấu Vinashin: Cuộc thay đổi nào cũng kèm chấn động

Lãnh đạo Vinashin tiếp tục trả lời về mối quan hệ với các đối tác, bạn hàng quốc tế và ngân hàng thời tái cơ cấu...