Tái định cư Thủy điện Sơn La và bài toán “ngoài cửa sổ”
Tại nhiều điểm tái định cư dự án Thủy điện Sơn La, người dân vẫn loay hoay chưa biết làm gì để sống
Sáng 14/4, mở đầu phiên họp thứ 19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả giám sát việc thực hiện di dân, tái định cư dự án Thủy điện Sơn La.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tham dự phiên họp và nhận lỗi chưa chỉ đạo rốt ráo một số vướng mắc dẫn đến chậm trễ trong công tác di dân và giải ngân. Trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước dự án này, ông cam kết không để thiếu vốn và sẽ hoàn thành di dân trước tháng 7/2010.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến 31/12/2008 đã có 12.557/20.249 hộ di chuyển đến nơi ở mới, đạt 74,2%; giải ngân 3.761/6.511 tỷ đồng, đạt 57,8% kế hoạch giao từ 2004 - 2008.
Tuy nhiên, sự chậm trễ này không khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo lắng bằng việc giải bài toán “ngoài cửa sổ”, tức là làm thế nào để gần 100 nghìn người dân tái định cư thoát khỏi cảnh có nhà mới rồi chỉ biết ngồi nhìn ra cửa sổ mà lo lắng vì không biết phải làm gì để sống.
Hết nấu cơm lại… xem ti vi
Điểm mới của cuộc họp này là “cắt” việc đọc báo cáo của Chính phủ (đã được gửi từ trước cho đại biểu) và chiếu một đoạn phim tài liệu liên quan đến nội dung giám sát.
Hình ảnh về thực tế cuộc sống của những người dân đã được tái định cư khiến nhiều vị đại biểu Quốc hội ngỡ ngàng.
Bên ngôi nhà tại nơi ở mới tại huyện Mộc Châu (Sơn La), một phụ nữ dân tộc thiểu số trả lời trước ống kính: gia đình hiện nay chả biết làm gì để sinh sống, chỉ dựa vào 20 kg gạo/người/tháng do Nhà nước hỗ trợ. Hàng ngày chỉ nấu cơm ăn, chờ con đi học rồi… xem ti vi.
Đấy là ở vùng cao. Oái oăm hơn là khi được bố trí tái định cư ở đô thị, người nông dân sẽ phải kiếm sống bằng những ngành nghề phi nông nghiệp.
Anh nông dân Lò Văn Vấn mới di dời đến một thị trấn ngập ngừng khi được hỏi đã cam kết chuyển nghề rồi thì sẽ làm gì: nói thế thì nói chứ chỉ… chăn nuôi thôi chứ làm làm gì được.
Tuy nhiên, quan sát những ngôi nhà san sát với những thẻo đất hẹp xen giữa thì không biết gia đình này sẽ chăn nuôi ở đâu.
Đây là một đoạn lời bình của đoạn phim tài liệu: trong số hơn 20 ngàn hộ thì có tới gần chục nghìn hộ bố trí ở các khu đô thị, vẫn bỡ ngỡ xa lạ với những phương án sản xuất mơ hồ.
Và, phát biểu của một thành viên đoàn giám sát: hết các địa phương đều lúng túng, chưa định hình sản xuất ngành nghề gì.
Gian nan hậu tái định cư
Theo Trưởng đoàn Giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, thì người dân tái định cư đều cho rằng giá trị tài sản họ mất lớn hơn rất nhiều so với số tiền đền bù, hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng vì lợi ích chung của đất nước, họ sẵn sàng chấp nhận sự mất mát đó.
Tuy nhiên, điều khiến họ không thể yên tâm là họ thiếu, thậm chí không có đất sản xuất. Việc giao đất sản xuất mới đạt gần 40% số hộ đã di chuyển. Chưa kể đất sản xuất đã được tạm giao chất lượng xấu.
Điều khiến người dân lo lắng hơn là chưa rõ phương án phát triển sản xuất những năm tới như thế nào. Báo cáo giám sát cũng nêu, hầu hết 11 điểm tái định cư nơi đoàn giám sát đến, các hộ nông thôn đều có diện tích đất ở nhỏ hơn hoặc bằng 400m2/hộ và bố trí sát kề nhau nên việc chăn nuôi và làm vườn gần như bất khả thi.
“Sự thật là đã có hàng trăm hộ đã đến nơi ở mới ít nhất hai năm rồi mà vẫn còn chưa rõ hướng sản xuất, làm kinh tế tới đây của mình như thế nào. Nên họ có nguyện vọng đề nghị Nhà nước quan tâm kéo dài thời gian hỗ trợ đời sống ít nhất một năm nữa”, Trưởng đoàn Giám sát Ksor Phước cho biết.
Những điều tai nghe mắt thấy trên đây đã khiến nhiều vị đại biểu Quốc hội “thực sự lo lắng, băn khoăn”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng nếu người dân cứ ở nhà đẹp rồi chỉ biết ngồi nhìn ra cửa sổ, nấu cơm ăn rồi xem ti vi, thì Nhà nước có thể phải nuôi thêm nhiều năm chứ không chỉ thêm một năm nữa.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng chính sách hỗ trợ là vấn đề cơ bản phải bàn. Định cư thì phải gắn với chăn nuôi trồng trọt và mô hình sản xuất.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn phát biểu: đề nghị tính thật kỹ chứ không thể đưa dân đi bằng mọi giá, rồi đến nơi mới chỉ ngồi nhìn nhau. Vị đại biểu này cho rằng cần khẩn trương bổ sung chính sách lâu dài, chứ hỗ trợ thêm một năm chỉ là giải quyết vấn đề trước mắt.
Sẽ hoàn thành kế hoạch?
Theo kế hoạch, chỉ còn hơn một năm nữa việc di dân, tái định cư dự án Thủy điện Sơn La phải hoàn thành. Nhưng, theo cả báo cáo của Chính phủ và báo cáo giám sát thì còn rất nhiều thứ chậm và rất chậm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đặt câu hỏi, tình hình như vậy thì liệu đến tháng 7/2010 có hoàn thành không? Nếu quyết tâm hoàn thành thì biện pháp thế nào?
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại tiến độ thực hiện dự án chậm đã và sẽ gây áp lực lớn cho thời gian còn lại và ảnh hưởng đến chất lượng tái định cư và đời sống nhân dân sau tái định cư.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thông tin, hết quý 1 năm nay thì còn gần 6.000 hộ phải di dời. Trừ đi 5 tháng mùa mưa, còn 7 tháng thì hoàn toàn có thể hoàn thành, ông tính toán.
"Bên cạnh chỉ đạo Tập đoàn Điện lực bố trí đủ vốn, Chính phủ cũng đã ứng ra hơn 1000 tỷ đồng. Vốn di dân thì không thể thiếu, Chính phủ cam kết không thiếu vốn", Phó thủ tướng nói.
Theo ông, việc giải ngân chậm là do trình độ cán bộ và khối lượng công việc lớn. Ông cũng khẳng định tại các cuộc giao ban bất cứ cơ chế nào đề xuất cũng được giải quyết ngay, không vướng bất cứ cơ chế nào.
Tuy nhiên, ông cũng “xin nhận là có chậm ở chỗ tái định cư ở đô thị và xin nhận lỗi với Quốc hội là Chính phủ chưa giải quyết rốt ráo”.
Phó thủ tướng cho biết, ngay sau cuộc họp này sẽ triển khai từng nhiệm vụ đến các bộ ngành, địa phương và tăng cường sự phối hợp để làm tốt hơn công tác di dân, tái định cư.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh Sơn La và Điện Biên cũng đều “hạ quyết tâm chắc chắn đảm bảo tiến độ” và “việc khó nhất thì đã làm xong rồi”.
Song, dường như các vị đại biểu của dân chưa cảm thấy yên tâm. Một số ý kiến vẫn tiếp tục đề nghị báo cáo giám sát phải rõ trách nhiệm của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp trong dự án này để có thể rút kinh nghiệm những việc làm chưa tốt, triển khai dự án đúng tiến độ nhưng phải đảm bảo cuộc sống cho nhân dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có nghị quyết về kết quả giám sát di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La và sẽ báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp tới.
* Thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, được khởi công xây dựng ngày 2/12/2005 tại xã Ít Ong, Mường La (Sơn La).Công trình này ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Phạm vi ảnh hưởng đã được Chính phủ xác định: 23.333 ha đất bị ngập, tổng giá trị thiệt hại là 1.788 tỷ đồng. Số hộ vùng bị ngập đến tái định cư trên địa bàn 3 tỉnh, 21 vùng thuộc 21 huyện, thị xã với 111 khu gồm 270 điểm. Số dân phải dự kiến di chuyển đến 2010 là 18.897 hộ, 91.100 khẩu thuộc 8 huyện, thị xã. Đối tượng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số…
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tham dự phiên họp và nhận lỗi chưa chỉ đạo rốt ráo một số vướng mắc dẫn đến chậm trễ trong công tác di dân và giải ngân. Trên cương vị Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước dự án này, ông cam kết không để thiếu vốn và sẽ hoàn thành di dân trước tháng 7/2010.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến 31/12/2008 đã có 12.557/20.249 hộ di chuyển đến nơi ở mới, đạt 74,2%; giải ngân 3.761/6.511 tỷ đồng, đạt 57,8% kế hoạch giao từ 2004 - 2008.
Tuy nhiên, sự chậm trễ này không khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo lắng bằng việc giải bài toán “ngoài cửa sổ”, tức là làm thế nào để gần 100 nghìn người dân tái định cư thoát khỏi cảnh có nhà mới rồi chỉ biết ngồi nhìn ra cửa sổ mà lo lắng vì không biết phải làm gì để sống.
Hết nấu cơm lại… xem ti vi
Điểm mới của cuộc họp này là “cắt” việc đọc báo cáo của Chính phủ (đã được gửi từ trước cho đại biểu) và chiếu một đoạn phim tài liệu liên quan đến nội dung giám sát.
Hình ảnh về thực tế cuộc sống của những người dân đã được tái định cư khiến nhiều vị đại biểu Quốc hội ngỡ ngàng.
Bên ngôi nhà tại nơi ở mới tại huyện Mộc Châu (Sơn La), một phụ nữ dân tộc thiểu số trả lời trước ống kính: gia đình hiện nay chả biết làm gì để sinh sống, chỉ dựa vào 20 kg gạo/người/tháng do Nhà nước hỗ trợ. Hàng ngày chỉ nấu cơm ăn, chờ con đi học rồi… xem ti vi.
Đấy là ở vùng cao. Oái oăm hơn là khi được bố trí tái định cư ở đô thị, người nông dân sẽ phải kiếm sống bằng những ngành nghề phi nông nghiệp.
Anh nông dân Lò Văn Vấn mới di dời đến một thị trấn ngập ngừng khi được hỏi đã cam kết chuyển nghề rồi thì sẽ làm gì: nói thế thì nói chứ chỉ… chăn nuôi thôi chứ làm làm gì được.
Tuy nhiên, quan sát những ngôi nhà san sát với những thẻo đất hẹp xen giữa thì không biết gia đình này sẽ chăn nuôi ở đâu.
Đây là một đoạn lời bình của đoạn phim tài liệu: trong số hơn 20 ngàn hộ thì có tới gần chục nghìn hộ bố trí ở các khu đô thị, vẫn bỡ ngỡ xa lạ với những phương án sản xuất mơ hồ.
Và, phát biểu của một thành viên đoàn giám sát: hết các địa phương đều lúng túng, chưa định hình sản xuất ngành nghề gì.
Gian nan hậu tái định cư
Theo Trưởng đoàn Giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, thì người dân tái định cư đều cho rằng giá trị tài sản họ mất lớn hơn rất nhiều so với số tiền đền bù, hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng vì lợi ích chung của đất nước, họ sẵn sàng chấp nhận sự mất mát đó.
Tuy nhiên, điều khiến họ không thể yên tâm là họ thiếu, thậm chí không có đất sản xuất. Việc giao đất sản xuất mới đạt gần 40% số hộ đã di chuyển. Chưa kể đất sản xuất đã được tạm giao chất lượng xấu.
Điều khiến người dân lo lắng hơn là chưa rõ phương án phát triển sản xuất những năm tới như thế nào. Báo cáo giám sát cũng nêu, hầu hết 11 điểm tái định cư nơi đoàn giám sát đến, các hộ nông thôn đều có diện tích đất ở nhỏ hơn hoặc bằng 400m2/hộ và bố trí sát kề nhau nên việc chăn nuôi và làm vườn gần như bất khả thi.
“Sự thật là đã có hàng trăm hộ đã đến nơi ở mới ít nhất hai năm rồi mà vẫn còn chưa rõ hướng sản xuất, làm kinh tế tới đây của mình như thế nào. Nên họ có nguyện vọng đề nghị Nhà nước quan tâm kéo dài thời gian hỗ trợ đời sống ít nhất một năm nữa”, Trưởng đoàn Giám sát Ksor Phước cho biết.
Những điều tai nghe mắt thấy trên đây đã khiến nhiều vị đại biểu Quốc hội “thực sự lo lắng, băn khoăn”.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng nếu người dân cứ ở nhà đẹp rồi chỉ biết ngồi nhìn ra cửa sổ, nấu cơm ăn rồi xem ti vi, thì Nhà nước có thể phải nuôi thêm nhiều năm chứ không chỉ thêm một năm nữa.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng chính sách hỗ trợ là vấn đề cơ bản phải bàn. Định cư thì phải gắn với chăn nuôi trồng trọt và mô hình sản xuất.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn phát biểu: đề nghị tính thật kỹ chứ không thể đưa dân đi bằng mọi giá, rồi đến nơi mới chỉ ngồi nhìn nhau. Vị đại biểu này cho rằng cần khẩn trương bổ sung chính sách lâu dài, chứ hỗ trợ thêm một năm chỉ là giải quyết vấn đề trước mắt.
Sẽ hoàn thành kế hoạch?
Theo kế hoạch, chỉ còn hơn một năm nữa việc di dân, tái định cư dự án Thủy điện Sơn La phải hoàn thành. Nhưng, theo cả báo cáo của Chính phủ và báo cáo giám sát thì còn rất nhiều thứ chậm và rất chậm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đặt câu hỏi, tình hình như vậy thì liệu đến tháng 7/2010 có hoàn thành không? Nếu quyết tâm hoàn thành thì biện pháp thế nào?
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại tiến độ thực hiện dự án chậm đã và sẽ gây áp lực lớn cho thời gian còn lại và ảnh hưởng đến chất lượng tái định cư và đời sống nhân dân sau tái định cư.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thông tin, hết quý 1 năm nay thì còn gần 6.000 hộ phải di dời. Trừ đi 5 tháng mùa mưa, còn 7 tháng thì hoàn toàn có thể hoàn thành, ông tính toán.
"Bên cạnh chỉ đạo Tập đoàn Điện lực bố trí đủ vốn, Chính phủ cũng đã ứng ra hơn 1000 tỷ đồng. Vốn di dân thì không thể thiếu, Chính phủ cam kết không thiếu vốn", Phó thủ tướng nói.
Theo ông, việc giải ngân chậm là do trình độ cán bộ và khối lượng công việc lớn. Ông cũng khẳng định tại các cuộc giao ban bất cứ cơ chế nào đề xuất cũng được giải quyết ngay, không vướng bất cứ cơ chế nào.
Tuy nhiên, ông cũng “xin nhận là có chậm ở chỗ tái định cư ở đô thị và xin nhận lỗi với Quốc hội là Chính phủ chưa giải quyết rốt ráo”.
Phó thủ tướng cho biết, ngay sau cuộc họp này sẽ triển khai từng nhiệm vụ đến các bộ ngành, địa phương và tăng cường sự phối hợp để làm tốt hơn công tác di dân, tái định cư.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh Sơn La và Điện Biên cũng đều “hạ quyết tâm chắc chắn đảm bảo tiến độ” và “việc khó nhất thì đã làm xong rồi”.
Song, dường như các vị đại biểu của dân chưa cảm thấy yên tâm. Một số ý kiến vẫn tiếp tục đề nghị báo cáo giám sát phải rõ trách nhiệm của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp trong dự án này để có thể rút kinh nghiệm những việc làm chưa tốt, triển khai dự án đúng tiến độ nhưng phải đảm bảo cuộc sống cho nhân dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có nghị quyết về kết quả giám sát di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La và sẽ báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp tới.
* Thủy điện Sơn La là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, được khởi công xây dựng ngày 2/12/2005 tại xã Ít Ong, Mường La (Sơn La).Công trình này ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Phạm vi ảnh hưởng đã được Chính phủ xác định: 23.333 ha đất bị ngập, tổng giá trị thiệt hại là 1.788 tỷ đồng. Số hộ vùng bị ngập đến tái định cư trên địa bàn 3 tỉnh, 21 vùng thuộc 21 huyện, thị xã với 111 khu gồm 270 điểm. Số dân phải dự kiến di chuyển đến 2010 là 18.897 hộ, 91.100 khẩu thuộc 8 huyện, thị xã. Đối tượng chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số…