10:04 25/01/2010

Tâm nguyện của Takashi Fujii

Câu chuyện về vị tổng giám đốc của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam

Ông Takashi Fujii.
Ông Takashi Fujii.
Sau ba năm thành lập công ty, Tổng giám đốc Takashi Fujii và đội ngũ của ông đã vượt qua nhiều thách thức trong việc tái cấu trúc công ty, thể hiện sự “gắn bó dài lâu” với thị trường Việt Nam của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam

Trong số những bài diễn văn ông đã biết, Takashi Fujii rất thích bài nói chuyện của Steve Jobs, người sáng lập hãng máy tính Apple. Bản thân chưa bao giờ tốt nghiệp đại học, Steve Jobs lại đọc diễn văn này trong một buổi lễ phát bằng tốt nghiệp tại Đại học Standford lừng danh. Bài viết của ông có đoạn như sau: “Đôi khi cuộc sống dường như muốn cố tình quật ngã bạn. Nhưng đừng đánh mất lòng tin. Tôi biết chắc chắn rằng điều duy nhất đã giúp tôi tiếp tục bước đi chính là tình yêu của tôi dành cho những gì tôi đã làm”.

Chuyện khiến Steve Jobs tâm đắc cũng là điều đã giúp vị Tổng giám đốc người Nhật gốc Việt Takashi Fujii của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Life Việt Nam vượt qua khó khăn suốt mấy mươi năm qua - kể cả những giai đoạn cam go nhất khi ông trở thành người điều hành công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn Nhật Bản này.

Ba năm trước, tháng 1/2007, Trần Thế Huy - tên tiếng Việt của Takashi Fujii - chính thức trở thành tổng giám đốc của Dai-ichi Life Việt Nam sau hơn nửa năm chuẩn bị. Trong sáu tháng trước đó, ông Huy, với vai trò cố vấn cấp cao, trở thành chiếc cầu nối để Dai-ichi Life gia nhập thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam thông qua việc mua lại liên doanh Bảo Minh - CMG.

Ở Nhật, Dai-ichi Life là một công ty có tên tuổi. Được thành lập hơn một thế kỷ trước, năm 1902, Dai-ichi Life trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ tương hỗ đầu tiên tại Nhật. Hiện nay, Dai-ichi Life là nhà bảo hiểm nhân thọ lớn thứ hai ở xứ sở hoa anh đào với hơn 8,5 triệu khách hàng và là cổ đông lớn nhất của hãng Canon.

“Nhưng tại Nhật, thị trường gần như bão hòa. Dai-ichi cần mở rộng hoạt động sang những quốc gia tiềm năng như Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam”, ông Huy nói. “Mua lại Bảo Minh-CMG là con đường ngắn nhất để vào thị trường Việt Nam lúc đó”.

Một trong những thế mạnh của một công ty “thuần Nhật” như Dai-ichi Life là yếu tố trường vốn. Để thể hiện việc “gắn bó dài lâu” ở Việt Nam, công ty mẹ đã tăng vốn đầu tư của Dai-ichi Life Việt Nam từ 25 triệu Đô la Mỹ lên 72 triệu Đô la Mỹ chỉ sau một năm hoạt động.

Một sự kiện khác cũng thể hiện sự “gắn bó dài lâu”, theo ông Huy, đó là gần như toàn bộ vốn đầu tư của Dai-ichi Life Việt Nam đã được chuyển sang đồng nội tệ. Thông thường, ít ai làm việc này vì sợ trượt giá và khó khăn khi phải chuyển tiền về nước. Nhưng Dai-ichi Life lại nghĩ khác: dù có lãi trong những năm đầu tiên, họ cũng không chuyển tiền về nước mà sẽ dùng số tiền đó đầu tư ngay tại Việt Nam. Do vậy, chuyển vốn sang tiền đồng là chuyện cần làm.

Tháng 5/2006, Trần Thế Huy rời chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị và cố vấn cấp cao ở Công ty Quản lý quỹ Prudential Việt Nam. Ông dự tính sẽ không tiếp tục vai trò lãnh đạo điều hành để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Nhưng có lẽ cũng giống Steve Jobs, chính “tình yêu dành cho những gì tôi đã làm” đã giữ chân ông Huy lại thương trường, tiếp tục nhiệm vụ ở một công ty mới. “Tôi muốn thử thách khả năng của mình, hay nói khác đi là đo lường giới hạn khả năng của mình”, ông Huy nói.

Khi Dai-ichi Life mua lại Bảo Minh-CMG, liên doanh bảo hiểm này đứng thứ ba về mạng lưới văn phòng bảo hiểm, chỉ sau Bảo Việt và Prudential Việt Nam. Nhưng điều đó gần như cũng là lợi thế duy nhất của họ. Kỳ dư, vị tân tổng giám đốc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

“Lúc ấy, mạng lưới rộng nhưng kém hiệu quả”, ông Huy nhớ lại. “Hệ thống phục vụ khách hàng có nhiều vấn đề, cơ sở hạ tầng như công nghệ thông tin còn yếu, hệ thống các chuẩn mực, quy trình chưa hoàn chỉnh. Còn đội ngũ nhân viên thiếu chuyên nghiệp”.

Trong khi đó, tuy được cấp vốn rộng rãi, ông Huy cũng không thể kỳ vọng nhiều vào sự giúp đỡ trực tiếp về mặt mô hình hoạt động từ công ty mẹ. Đơn giản vì có sự khác biệt quá lớn giữa thị trường bảo hiểm nhân thọ của một nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới là Nhật Bản với một thị trường đang phát triển như Việt Nam.

“Trong khi một số công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn nước ngoài ở Việt Nam có thể bê nguyên xi các mô hình hoạt động ở các thị trường tương tự như Việt Nam nơi họ đã có kinh nghiệm, như Malaysia hay Philippines, thì tôi không thể trông mong điều tương tự từ tổng hành dinh ở Nhật”, ông Huy nói. “Nghĩa là Dai-ichi Life Việt Nam phải có cách đi riêng của mình để phát triển”.

Và điều đó là một áp lực rất lớn lên ông Huy cũng như đội ngũ cộng sự của ông ở Dai-ichi Life Việt Nam. Một trong những lý do chính thúc đẩy ông Huy đến với Dai-ichi Life là thách thức “company restructuring” [tái cấu trúc công ty] - nguyên văn chữ dùng của ông. Nhưng cũng chính điều này đã “quật ngã” ông theo nghĩa đen: ông đã phải nhập viện hai lần vì căng thẳng trong công việc.

Khi Steve Jobs bị hội đồng quản trị của Công ty Apple do chính mình lập nên sa thải, ông đã không tuyệt vọng. Trần Thế Huy cũng thế. Ông không “đánh mất lòng tin” vào công việc mình đã chọn.

Không có con đường vạch sẵn có thể là một bất lợi, nhưng khuôn mẫu cũng rất dễ dẫn đến tình trạng lối mòn. Thời gian nằm viện cũng là lúc ông điểm lại và định ra rõ hơn con đường mình phải đi. Tái cấu trúc công ty là “sửa chữa lớn”, nhưng phải sửa như thế nào và sửa từ đâu mới là vấn đề. Ông Huy gọi hệ thống mạng lưới văn phòng bảo hiểm của Dai-ichi Life Việt Nam là “tiền tuyến”, còn cơ sở hạ tầng phục vụ cho kinh doanh của công ty là “hậu phương”. Ông cùng cả đội ngũ Dai-ichi Life Việt Nam quyết định xắn tay áo ưu tiên “sửa chữa” hậu phương.Huấn luyện nhân viên để họ thấm nhuần triết lý “khách hàng trên hết” nằm trong danh sách ưu tiên của Dai-ichi Life Việt Nam.

Kế đến, toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin trước đây của Bảo Minh-CMG được thay đổi để phù hợp với yêu cầu mới. Đi xa hơn, ông Huy hy vọng sẽ thực hiện được bước đột phá trong năm nay bằng việc áp dụng phần mềm mới dành cho các đại lý bán bảo hiểm.

“Tôi hy vọng các đại lý của Dai-ichi Life Việt Nam sẽ là những người tiên phong trong việc sử dụng netbook để tư vấn bảo hiểm cho khách hàng. Phần mềm mới sẽ giúp chúng tôi thực hiện được điều này”, ông nói.

Mấy tháng trước Dai-ichi Life Việt Nam chính thức áp dụng mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm mới chỉ với năm câu hỏi thay vì 31 câu như lâu nay, trở thành công ty đi đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực này. “Đây là điều tôi học được ở Nhật và áp dụng vào Việt Nam”, ông Huy cho biết.

Xuất thân là một kỹ sư hệ thống thiết kế các mạch điện tử trước khi chuyển sang ngành tài chính, ông Huy rất chú trọng đến việc đơn giản hóa các khái niệm tài chính rắc rối đối với khách hàng bằng hình vẽ và sơ đồ. “Tôi đã nhờ chuyên gia bên Nhật thiết kế tài liệu tư vấn bảo hiểm với các hình vẽ theo phong cách Manga [truyện tranh Nhật Bản]. Hy vọng chúng tôi sẽ sớm trình làng tài liệu đó”.

Cho đến nay, mùa xuân - cụ thể hơn là lúc Tết Nguyên đán gần kề - luôn mang lại điều tốt lành cho Dai-ichi Life Việt Nam. Cận Tết 2007, Dai-chi Life Việt Nam ra đời. Một năm sau, cận Tết 2008, vốn đầu tư của công ty tăng từ 25 triệu Đô la Mỹ lên 72 triệu Đô la Mỹ. Những ngày giáp Tết 2010 cũng vậy, theo số liệu thống kê năm 2009, tổng doanh thu phí bảo hiểm của Dai-ichi Life Việt Nam đạt 744 tỉ đồng, tăng 27% so với năm 2008, trong khi tăng trưởng doanh thu khai thác mới đạt 39%. Năm 2009 cũng là năm thứ hai liên tiếp công ty có lãi sau ba năm hoạt động.

Khi Dai-ichi Life mua lại Bảo Minh-CMG, thị phần của công ty lúc đó là 4,8%. Con số năm 2009, theo tính toán của Dai-ichi Life Việt Nam, là gần 7%. Kế hoạch cho năm nay là 8%, làm bước đệm để công ty đạt thị phần 10% năm 2012.

Riêng ông Huy cũng có tin vui. Ông vừa được bổ nhiệm kiêm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Dai-ichi Life Việt Nam, một chức danh thường chỉ dành cho người bản xứ ở tổng hành dinh. Riêng ở Việt Nam, vị trí này vẫn còn đang chờ sự chuẩn y của Bộ Tài chính. “Tôi không nghĩ đây là điều gì quá lớn lao đối với bản thân tôi. Nhưng vị trí này sẽ giúp tôi thêm cơ hội trở thành cầu nối cho các công ty Nhật đầu tư vào Việt Nam. Đó cũng là tâm nguyện của tôi từ lâu”, ông Huy nói.

* Vài cột mốc của Dai-ichi Life Việt Nam

- Ngày 18/1/2007, sau giao dịch chuyển nhượng Bảo Minh-CMG, Dai-ichi Life Việt Nam chính thức được thành lập.

- Năm 2008, Dai-ichi Life Việt Nam đạt doanh thu phí bảo hiểm 585 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2007, là năm đầu tiên có lãi sau hai năm hoạt động.

- Năm 2009, Dai-ichi Life Việt Nam đạt doanh thu phí bảo hiểm 744 tỉ đồng và tăng trưởng doanh thu khai thác mới 39% so với năm 2008.

Sơn Tùng (TBKTSG)