10:20 24/05/2010

Tân Cục trưởng và những vấn đề của FDI

Anh Quân

Tân Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng trả lời về một số vấn đề liên quan đến doanh nghiệp FDI

Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng - Ảnh: Anh Quân.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng - Ảnh: Anh Quân.
Nhận chức Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tại giai đoạn hậu suy thoái kinh tế toàn cầu, ông Đỗ Nhất Hoàng có những vấn đề riêng phải giải quyết.

Nổi bật trong số đó, là chuyện doanh nghiệp FDI chậm triển khai sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, những vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng bị dư luận lên án, cũng như quy trình thu hút FDI chưa có sự quản lý chặt chẽ.

Lần đầu tiên trả lời câu hỏi của báo giới và một số chuyên gia tại hội thảo "Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế", được tổ chức sáng 21/5 tại Hà Nội, ông Hoàng tỏ ra khá thẳng thắn.

Phải tính lại cách thức xem xét dự án

Theo ông, vì sao gần đây lại xuất hiện nhiều dự án FDI chậm tiến độ, đặc biệt là các dự án quy mô lớn về vốn, huy động nhiều đất?

Có nguyên nhân, quá trình vừa qua chúng ta đã bỏ qua khâu kiểm tra năng lực tài chính nên có chuyện dự án thì lớn nhưng lại không đủ năng lực tài chính.

Trong khi các địa phương, quỹ đất thì ít, ngày càng hiếm, có thể người ta cũng biết nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính, nhưng vì không còn tiêu chí ấy, nên lấy căn cứ vào đâu để nói nhà đầu tư không được phép?

Cho nên, bây giờ phải tính lại cách thức xem xét đối với các dự án, đặc biệt là các dự án sử dụng nhiều đất. Ví dụ, các địa phương hiện nay đã tự đưa ra tiêu chí là suất đầu tư, như là 1 ha đất phải đầu tư 5 triệu USD mới cho phép chẳng hạn.

Một số địa phương đã chủ động đưa ra tiêu chí này, để quản lý lành mạnh hơn môi trường đầu tư, ưu tiên cho những nhà đầu tư có thực lực, làm thật, bởi vì, dự án còn tác động đến cộng đồng. Ví dụ một dự án thu hồi đất lớn như thế, giải phóng mặt bằng xong còn ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đến đời sống xã hội tại địa phương…

Nhưng chuyện chậm triển khai đã rõ, nhùng nhằng mãi các cơ quan chức năng vẫn chưa rút được giấy phép, thưa ông?

Việc thu hồi giấy phép hay xử lý một dự án phải căn cứ theo quy định của pháp luật. Nếu nhà đầu tư có giải trình lý do hợp lý, các cơ quan liên quan phải qua một quá trình xem xét rất nghiêm túc, thì có thể người ta thấy rằng có những lý do có thể chấp nhận được. Đấy là phải vào từng tình huống cụ thể.

Về nguyên tắc, những dự án vi phạm pháp luật nghiêm trọng, hoặc không triển khai quá 12 tháng không có lý do chính đáng và được gia hạn, thì các cơ quan nhà nước có quyền thu hồi. Nhưng trên thực tế, có địa phương xử lý rất mạnh vấn đề này, có địa phương thì vì nhu cầu đầu tư của tỉnh mình mới ở giới hạn nhất định, cũng phải mời nhà đầu tư lên, xem họ có thật sự triển khai không.

Nếu thực sự họ muốn triển khai nhưng do các yếu tố khách quan, do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu đến công ty mẹ mà họ phải điều chỉnh, thì có thể được gia hạn một thời gian. Giải quyết vấn đề này thì phải căn cứ vào tình hình cụ thể của từng dự án, từng trường hợp cụ thể.

Vậy với trường hợp tỉnh Quảng Nam đã ra “tối hậu thư” với dự án Bãi biển Rồng tổng vốn 4,1 tỷ USD, nếu quá 15/5 không hoàn thành thủ tục và triển khai đầu tư sẽ thu hồi giấy phép thì thế nào?

Đó là ví dụ về các giải pháp của địa phương, tức là anh vào dự án lớn, chiếm nhiều đất, có tác động xã hội lớn thì có thể người ta đưa ra các quy định, những hạn chế để mà bắt buộc nhà đầu tư thực hiện đúng tiến độ đã cam kết. Và nếu vi phạm thì cơ quan nhà nước có thể thu hồi giấy phép.

Đấy cũng là tình hình chung tại nhiều dự án bất động sản vốn lớn gần đây, thưa ông?

Nói chung, những dự án lớn thì có tiến độ giải ngân, quá trình xây dựng dài. Trong hồ sơ dự án đã có lộ trình và quy định chặt trong giấy chứng nhận đầu tư. Đây là một nội dung rất qua trọng, khi bỏ tiêu chí kiểm tra năng lực tài chính thì nhà đầu tư chỉ được khóa bằng tiến độ thực hiện dự án, trong giấy chứng nhận đầu tư.

Cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư căn cứ vào tiến độ đầu tư đã đăng ký và được chốt trong giấy chứng nhận đầu tư để theo dõi. Nếu nhà đầu tư vượt quá, hoặc vi phạm thì người ta có quyền thu hồi.

Còn nếu có những tình huống mà nhà đầu tư có lý do chính đáng thì các cơ quan có thẩm quyền cũng có quy trình để xem xét, có thể là gia hạn hoặc xử lý thế nào đó phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

Sẽ hạn chế ưu đãi đầu tư tràn lan

Gần đây, nhiều doanh nghiệp FDI bị phát hiện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Theo ông, liệu có chuyện đầu tư theo kiểu tàn phá môi trường từ các nhà đầu tư nước ngoài?

Câu chuyện doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường bùng nổ từ sau vụ Vedan. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng vụ việc Vedan chỉ là lời cảnh tỉnh thôi, chứ còn doanh nghiệp của Việt Nam cũng gây ô nhiễm môi trường rất nhiều.

Sau vụ việc này, các cấp chính quyền, địa phương và xã hội quan tâm rất nhiều đến vấn đề môi trường. Ví dụ, tại Đồng Nai có chủ trương là, các khu công nghiệp không nhận thêm bất kể dự án nào nếu như không có trạm xử lý chất thải, hoặc nếu đã có mà công suất không đáp ứng nổi đầu tư tiếp theo.

Để xử lý được vấn đề môi trường, tôi nghĩ rằng phải xử lý trên mọi phương diện, mọi lĩnh vực. Trong đầu tư nước ngoài, sau khi cải cách thủ tục hành chính, tiêu chí thẩm tra rất đơn giản, có 4 nội dung liên quan đến quy hoạch, tiến độ, môi trường…

Vì cho rằng môi trường là vấn đề quan trọng nhất nên đây là một tiêu chí riêng trong thẩm tra. Ngoài ra, vấn đề môi trường còn được thực thi trong quá trình hậu kiểm nữa. Hiện vẫn đang diễn ra quá trình chấn chỉnh lại hoạt động môi trường.

Tuy nhiên, ở đây có câu chuyện là chế tài về môi trường đối với nhà đầu tư. Theo tôi được biết thì chế tài hiện nay quá thấp nên còn thiếu tính răn đe.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tiến hành nghiên cứu để đưa ra một tiêu chí nào đó về công nghệ, để ngăn chặn những tác hại có thể có đối với môi trường.

Đối với chuyện doanh nghiệp FDI phá vỡ quy hoạch, ý kiến của ông thế nào?

Liên quan đến cơ cấu vùng miền, cơ cấu đầu tư, chúng tôi cũng chia sẻ quan điểm đó. Khi nghiên cứu các nước xung quanh, người ta không có ưu đãi tràn lan như chúng ta, mà quy hoạch theo vùng, chứ không theo tỉnh.

Chúng ta thì tỉnh nào cũng có các huyện để mà làm, có huyện khó khăn, xã khó khăn để mà tương ứng với nó là ưu đãi. Chúng tôi, theo góc độ nghiên cứu riêng thì có quan điểm là cũng không nên ưu đãi tràn lan.

Điều này, khi điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp đã có một chút thay đổi, dù mới điều chỉnh dừng ở mức các lĩnh vực ưu đãi đầu tư thôi, giảm từ khoảng 100 lĩnh vực có ưu đãi đầu tư xuống còn 7 lĩnh vực chính, tức là không ưu đãi tràn lan nữa.

Còn về địa bàn ưu đãi đầu tư, cũng còn đang phải xử lý từ từ. Ví dụ, quan điểm của chúng tôi, cũng không nhất thiết phải ưu đãi vùng sâu, vùng xa khi mà đầu tư khoáng sản, bởi vì đã đầu tư khoáng sản thì phải vào những vùng như thế. Doanh nghiệp bây giờ, khoáng sản đã giảm nhiều phải đi ra nước ngoài khai thác, mà chúng ta lại còn ưu đãi nữa thì không được.

Chúng ta đang có chủ trương, từng lĩnh vực một có hạn chế lại, không có ưu đãi tràn lan nữa, dùng biện pháp hành chính để làm sao khuyến khích, để cơ cấu lại hoạt động đầu tư này.