Tán đồng cơ chế mới, lãi suất bắt đầu tăng
Cơ chế lãi suất mới nhận được nhiều ý kiến tán đồng; một số ngân hàng bắt đầu nâng lãi suất huy động vốn
Cơ chế lãi suất mới nhận được nhiều ý kiến tán đồng; một số ngân hàng bắt đầu nâng lãi suất huy động vốn.
>>Bỏ trần, ấn định lãi suất tối đa 18%/năm
Từ ngày 19/5 này, thị trường ngân hàng chính thức đón nhận cơ chế mới trong vận hành lãi suất huy động và cho vay VND. Lãi suất cơ bản được trả lại vị trí cần có; các ngân hàng thương mại căn theo đó để điều chỉnh theo từng thời điểm.
“Chúng ta đã hoạt động theo luật”
Đây là ý kiến của bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), khi trả lời VnEconomy về đánh giá cơ chế lãi suất mới của Ngân hàng Nhà nước.
“Như vậy điều hành lãi suất đã đi đúng luật. Không còn con đường nào khác, các ngân hàng phải đi theo luật, không thể cứ lao theo thị trường mà bỏ qua luật. Cơ chế mới tạo điều kiện để các ngân hàng biết rằng anh đang hoạt động trong khung pháp lý nào”, bà Hương đánh giá.
Cụ thể, cơ chế lãi suất mới của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại lấy trọng tâm là lãi suất cơ bản (hiện đã tăng lên 12%/năm), được xem xét điều chỉnh tùy theo diễn biến của thị trường từng thời điểm, phù hợp với các mục tiêu ổn định vĩ mô, phát triển kinh tế…
Với trọng tâm là lãi suất cơ bản, cơ chế này cũng đã đảm bảo được sự tôn trọng đối với những quy định đặt ra tại Bộ luật dân sự (Điều 476 quy định lãi suất cho vay của các ngân hàng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước).
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thực hiện việc điều hành lãi suất thị trường thông qua các công cụ sẵn có, ngoài lãi suất cơ bản còn là lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, ở cơ chế cũ, lãi suất cơ bản chỉ mang tính định hướng và để các ngân hàng thương mại tham khảo. Còn với cơ chế mới, lãi suất cơ bản trở thành cơ sở để có sự điều chỉnh lãi suất thực tế trên thị trường một cách hợp lý.
Bà Dương Thu Hương cũng cho rằng lãi suất cơ bản sẽ không còn bị “chết cứng”, mà vai trò của nó được thể hiện. Theo cơ chế này, ngân hàng nào đẩy lãi suất huy động lên cao đồng nghĩa với lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng; bởi hiện lãi suất cho vay đầu ra hiện tối đa ở mức 18%/năm.
Và đánh giá chung về cơ chế mới, bà Hương nói: “Tôi rất mừng là chúng ta đã hoạt động theo luật”. Còn về cơ chế thỏa thuận 12%/năm giữa các ngân hàng, qua đầu mối VNBA, cũng sẽ được thống nhất gỡ bỏ sau khi lấy ý kiến các thành viên.
100% ngân hàng ủng hộ
Trước khi công bố chính thức những thông tin, quyết định liên quan đến cơ chế điều hành lãi suất mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp tham khảo ý kiến của lãnh đạo các ngân hàng thương mại.
Tại cuộc họp trên, 100% đại diện các ngân hàng là Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị đều cho ý kiến ủng hộ cơ chế mới. Một nhận định chung là họ sẽ có sự thuận lợi và chủ động hơn trong việc điều hành lãi suất cụ thể của ngân hàng mình, chủ động hơn trong đối phó với các tình huống của thị trường…
Trao đổi với VnEconomy, nguyên một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước, một trong những người am hiểu nhất về thực tế điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian qua cũng như hiện nay, nói rằng: “Đó là một thay đổi hợp lý. Tất nhiên, với cơ chế mới, cần từng bước thăm dò thị trường để có những điều chỉnh phù hợp”.
Trong khi đó, ngay sau cuộc họp với Thống đốc, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại đã có ngay cuộc họp với nội dung triển khai cơ chế lãi suất mới tại đơn vị mình.
Cuối chiều 17/5, đã có hai ngân hàng thương mại cổ phần gửi thông báo áp biểu lãi suất huy động VND mới tới VnEconomy; trong đó có những điều chỉnh khác nhau.
Thông báo của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cho biết, từ ngày 19/5 này, lãi suất huy động VND sẽ tăng lên một mức mới. Ngoài lãi suất không kỳ hạn được giữ ở 3,6%/năm, các kỳ hạn 1 – 2 – 3 tuần lần lượt áp dụng là 10,5% - 12% - 13%/năm; các kỳ hạn 1 – 2 – 3 tháng cùng chung 13,5%/năm; các kỳ hạn 6 – 9 – 12 – 13 tháng là 14%, mức cao nhất trong biểu lãi suất mới.
Trong khi đó, biểu lãi suất mới của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cao hơn; các kỳ hạn từ 1 – 13 tháng được áp dụng tới 15%/năm. Đối với các kỳ hạn 2 tuần, 3 tuần khi rút tiền trước hạn mà có thời gian thực gửi từ 1 tuần trở lên, khách hàng vẫn được hưởng lãi suất là 11,5%/năm cho những ngày thực gửi.
Như vậy, có thể thấy lãi suất mới của một số ngân hàng hiện đã vượt trên 12%/năm – mức trần thỏa thuận giữa các thành viên VNBA. Dự báo, ngay trong ngày 19/5 tới, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng sẽ lần lượt nhập cuộc.
* Trả lời VnEconomy về tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết hiện các ngân hàng vẫn đảm bảo khả năng này và không có trường hợp nào ở trong tình trạng đặc biệt.
>>Bỏ trần, ấn định lãi suất tối đa 18%/năm
Từ ngày 19/5 này, thị trường ngân hàng chính thức đón nhận cơ chế mới trong vận hành lãi suất huy động và cho vay VND. Lãi suất cơ bản được trả lại vị trí cần có; các ngân hàng thương mại căn theo đó để điều chỉnh theo từng thời điểm.
“Chúng ta đã hoạt động theo luật”
Đây là ý kiến của bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), khi trả lời VnEconomy về đánh giá cơ chế lãi suất mới của Ngân hàng Nhà nước.
“Như vậy điều hành lãi suất đã đi đúng luật. Không còn con đường nào khác, các ngân hàng phải đi theo luật, không thể cứ lao theo thị trường mà bỏ qua luật. Cơ chế mới tạo điều kiện để các ngân hàng biết rằng anh đang hoạt động trong khung pháp lý nào”, bà Hương đánh giá.
Cụ thể, cơ chế lãi suất mới của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng thương mại lấy trọng tâm là lãi suất cơ bản (hiện đã tăng lên 12%/năm), được xem xét điều chỉnh tùy theo diễn biến của thị trường từng thời điểm, phù hợp với các mục tiêu ổn định vĩ mô, phát triển kinh tế…
Với trọng tâm là lãi suất cơ bản, cơ chế này cũng đã đảm bảo được sự tôn trọng đối với những quy định đặt ra tại Bộ luật dân sự (Điều 476 quy định lãi suất cho vay của các ngân hàng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước).
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thực hiện việc điều hành lãi suất thị trường thông qua các công cụ sẵn có, ngoài lãi suất cơ bản còn là lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, ở cơ chế cũ, lãi suất cơ bản chỉ mang tính định hướng và để các ngân hàng thương mại tham khảo. Còn với cơ chế mới, lãi suất cơ bản trở thành cơ sở để có sự điều chỉnh lãi suất thực tế trên thị trường một cách hợp lý.
Bà Dương Thu Hương cũng cho rằng lãi suất cơ bản sẽ không còn bị “chết cứng”, mà vai trò của nó được thể hiện. Theo cơ chế này, ngân hàng nào đẩy lãi suất huy động lên cao đồng nghĩa với lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng; bởi hiện lãi suất cho vay đầu ra hiện tối đa ở mức 18%/năm.
Và đánh giá chung về cơ chế mới, bà Hương nói: “Tôi rất mừng là chúng ta đã hoạt động theo luật”. Còn về cơ chế thỏa thuận 12%/năm giữa các ngân hàng, qua đầu mối VNBA, cũng sẽ được thống nhất gỡ bỏ sau khi lấy ý kiến các thành viên.
100% ngân hàng ủng hộ
Trước khi công bố chính thức những thông tin, quyết định liên quan đến cơ chế điều hành lãi suất mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp tham khảo ý kiến của lãnh đạo các ngân hàng thương mại.
Tại cuộc họp trên, 100% đại diện các ngân hàng là Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị đều cho ý kiến ủng hộ cơ chế mới. Một nhận định chung là họ sẽ có sự thuận lợi và chủ động hơn trong việc điều hành lãi suất cụ thể của ngân hàng mình, chủ động hơn trong đối phó với các tình huống của thị trường…
Trao đổi với VnEconomy, nguyên một lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước, một trong những người am hiểu nhất về thực tế điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam thời gian qua cũng như hiện nay, nói rằng: “Đó là một thay đổi hợp lý. Tất nhiên, với cơ chế mới, cần từng bước thăm dò thị trường để có những điều chỉnh phù hợp”.
Trong khi đó, ngay sau cuộc họp với Thống đốc, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại đã có ngay cuộc họp với nội dung triển khai cơ chế lãi suất mới tại đơn vị mình.
Cuối chiều 17/5, đã có hai ngân hàng thương mại cổ phần gửi thông báo áp biểu lãi suất huy động VND mới tới VnEconomy; trong đó có những điều chỉnh khác nhau.
Thông báo của Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) cho biết, từ ngày 19/5 này, lãi suất huy động VND sẽ tăng lên một mức mới. Ngoài lãi suất không kỳ hạn được giữ ở 3,6%/năm, các kỳ hạn 1 – 2 – 3 tuần lần lượt áp dụng là 10,5% - 12% - 13%/năm; các kỳ hạn 1 – 2 – 3 tháng cùng chung 13,5%/năm; các kỳ hạn 6 – 9 – 12 – 13 tháng là 14%, mức cao nhất trong biểu lãi suất mới.
Trong khi đó, biểu lãi suất mới của Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cao hơn; các kỳ hạn từ 1 – 13 tháng được áp dụng tới 15%/năm. Đối với các kỳ hạn 2 tuần, 3 tuần khi rút tiền trước hạn mà có thời gian thực gửi từ 1 tuần trở lên, khách hàng vẫn được hưởng lãi suất là 11,5%/năm cho những ngày thực gửi.
Như vậy, có thể thấy lãi suất mới của một số ngân hàng hiện đã vượt trên 12%/năm – mức trần thỏa thuận giữa các thành viên VNBA. Dự báo, ngay trong ngày 19/5 tới, nhiều ngân hàng thương mại khác cũng sẽ lần lượt nhập cuộc.
* Trả lời VnEconomy về tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện nay, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết hiện các ngân hàng vẫn đảm bảo khả năng này và không có trường hợp nào ở trong tình trạng đặc biệt.