10:01 08/02/2008

Tản mạn quanh những trang sách không viết trên giấy

Trịnh Quang Long

Câu chuyện về những cuốn sách được chế tác bằng chất liệu da, gấm, vàng bạc... trong lịch sử Việt Nam

Nhiều cuốn sách cổ đã phải hứng chịu những số phận long đong.
Nhiều cuốn sách cổ đã phải hứng chịu những số phận long đong.
Sách da là loại sách khá phổ biến trong thời thượng cổ, đã khan hiếm dần theo thời gian và gần mất hẳn cuối thời Trung Đại. Cuốn sách da hiện hữu nhất còn được biết đến vào thế kỷ 15 đời vua Lê Thánh Tông và bản thân nó chịu cảnh "ba chìm bẩy nổi" như một định mệnh của một vật linh thiêng.

Người chủ sở hữu nó là ông Bành Văn Chấn ở xã Linh Sơn thuộc Thái Nguyên. Cuốn sách da viết bằng chữ Hán cổ bọc trong một túi vải vàng vẽ rồng đã mục nát quấn bao nilon cuộn trong một ống quyển tre già.

Ông Chấn vốn là một công nhân mỏ đá về hưu đã đổi được báu vật hy hữu này chỉ bằng 6 cái bánh gai cho một cháu bé chăn trâu ngay khi nó vừa nhặt được bên ven bờ sông Cái. Chỉ vì tò mò mà ông đổi vì ông nghĩ nó đáng hơn 10 cái bánh, chứ thực ra ông chẳng hề quan tâm đến nó. Vì vậy cuốn sách da độc đáo về yên vị nơi gác bếp nhà ông suốt hơn hai năm trời.

Số phận long đong cuốn "bì thư"

Định mệnh gõ cửa nhà ông khi một ông bạn già tới thăm. Khi ngồi buồn, hai ông dở ra "tọng toẹ" đánh vần hàng chữ Hán cổ và chợt hiểu ra cuốn "bì thư" có từ đời Hồng Đức thứ 9 (1478). Nó là động lực kích thích ông tìm cho ra cái lai lịch gốc gác của sách. Lần mò tìm kiếm gần 6 năm, nguyên gốc cuốn sách mới hé lộ cái vòng đời nổi chìm của nó.

Vẫn chưa biết ai là chủ nhân đầu, chỉ biết chủ nhân thứ hai là một vị quan phụ mẫu ở tỉnh Bắc Cạn. Sau khi ông chết, cuốn sách da chuyển sang tay một lái buôn vốn chẳng đoái hoài gì đến sách mà y chỉ mua nó nhằm hối lộ cho một ông quan thanh liêm rất mê sách hòng trục lợi.

Ở nhà quan được ba bốn năm, cuốn sách tự nhiên "không cánh mà bay". Chín năm sau nó chợt xuất hiện trở lại trong tay ông thầy địa lý người Tàu. Ông được một thương nhân có tiếng vời sang tìm thế đất cát hưng vượng cho gia chủ. Thầy địa lý vốn có bà vợ mắc chứng vô sinh may mắn được một bà lang cho bài thuốc chữa khỏi. Thế là cuốn sách da quý giá trở thành vật tri ân của ông với bà lang. Số phận cuốn sách tưởng đã kết thúc khi nhà bà lang bị hỏa hoạn.

Không biết bằng cách nào, cuốn sách da thiêng ấy thoát khỏi hỏa hoạn và lại tái xuất hiện ở xã Linh Sơn huyện Đồng Thủy mà chú "mục đồng" đã nhặt được để ngày nay cho chúng ta có dịp chiêm ngưỡng.

Thể sách, sách của mỹ nhân

Thể sách là loại văn tự trên lụa, gấm. Có thể nhận dạng thể sách dưới hình hài của thơ viết, tranh vẽ trên lụa và cũng có khi là một tác phẩm thêu kỳ công trên nền gấm. Gia phả dòng họ Nguyễn Gia Lục Ngạn khẳng định di vật còn lại sớm nhất còn được bảo toàn nguyên vẹn có niên đại cuối thế kỷ 18. Đó chính là bộ kinh Kim Cương thêu trên gấm hiện lưu giữ ở chùa Trúc Lâm - Thừa Thiên Huế là một kiệt tác thể sách có một không hai thời Đại Việt.

Nhiều người lầm tưởng nó là báu vật thời Tây Sơn, song thực ra nó ra đời vào buổi suy vi triều Lê-Trịnh. Nó là trước tác của một kỳ nữ thuộc gia đình danh gia vọng tộc Nguyễn Gia - Lục Ngạn. Nguyễn Gia Phả Ký cho biết rõ tác giả bộ kinh Kim Cương thêu là bà Nguyễn Thị Cung, ái nữ của Siêu quận công Nguyễn Gia Châu, em gái danh nhân Nguyễn Gia Thiều và cũng là cháu ngoại của chúa Nhân vương Trịnh Cương (1709-1729).

Từ nhỏ, bà sống trong cảnh nhung lụa, được học hành chu đáo, có tài văn thơ, thêu thùa và may vá nổi tiếng chốn lầu son gác tía. Vậy nên Tĩnh đô vương Trịnh Sâm nhiều lần ngỏ ý mời bà nhập cung, song bà không chịu mà chỉ kết bạn với nhà chúa. Bà thường được chúa nhờ thêu trang phục, hài, quạt của ông.

Những năm 1782, trong cảnh vương triều Lê - Trịnh xế chiều, lại gặp buổi loạn kiêu binh "đảo lộn vàng thau", bà xuống tóc qui cửa phật về trụ trì chùa Đại Bi - Yên Lũng. Chính trong thời gian này, tuyệt tác bộ kinh Kim Cương thêu ra đời. Khi quân Tây Sơn chiếm được Thăng Long đã lấy tác phẩm kinh độc đáo đó đem về Huế. Cả bộ kinh hàng ngàn chữ, lại thêu tranh chân dung kim cương và các hoạ tiết trang trí được thêu hai mặt cực kỳ khéo léo tinh xảo. Đường kim mũi chỉ mềm mại sống động như lời tự sự của bậc nữ kiệt hối tiết một thời thanh bình chốn kinh kỳ.

Người xưa còn viết thơ văn trên thắt lưng lụa hồng điều, các thiếu nữ lại ấp ủ thi ca trong giải yếm đào khiến cho biết bao bậc quân tử bị hớp hồn, say mê đắm đuối. Thế kỷ 19 còn lưu lại bức trướng gấm thêu 100 chữ Phúc thời Tự Đức cũng là những kiệt tác hiếm hoi ghi dấu vàng son của thể loại sách thêu xưa mà nay đã không còn thấy nữa. Bảo tàng cung đình Huế còn lưu giữ tập thơ thêu trên lụa của Hồng nhậm Tự Đức, vị vua hay thơ nhất triều Nguyễn, song cũng mang nhiều tai tiếng nhất trong việc đại sự làm quốc gia suy vi lâm cảnh "nước mất nhà tan" vào cuối thế kỷ 19...

Kim, ngân sách - ngàn vàng không mua nổi

Dòng cổ thư này khá đặc biệt và có lịch sử lâu đời từ những triều đại xa xưa. Tuy nhiên ở Việt Nam, kim - ngân sách chỉ thấy thư tịch cổ nói tới từ thế kỷ 15 và đặc biệt thịnh hành trong triều đình Lê-Trịnh (1592 -1786) và nửa đầu triều Nguyễn. Đại Việt Sử ký toàn thư ghi rõ: năm 1594 chúa Trịnh Tùng nhận kim sách (sách vàng) khi được phong Bình An Vương. Chúa Thanh vương Trịnh Tráng nhận kim sách năm 1629.

Thư tịch cổ còn lưu giữ được cho ta biết khá chi tiết cuốn kim sách tặng chúa Trịnh Tráng. "Kim sách nặng 12 lạng, giát thành 6 tờ, mỗi tờ dài 5 tấc 3 phân, trong khắc 5 dòng chữ. Văn kim sách do viện Hàn lâm soạn, Đông các sửa lại. Bản sao kim sách viết bằng giấy kim tiên vẽ rồng, cách đóng y như bản chính. Nội dung kim sách ca ngợi công tích của Chúa Trịnh Tráng trong sự nghiệp khuông phù vua Lê và dẫn dắt quốc gia bình Mạc, an dân".

Kim sách là loại sách vàng chỉ dùng phong tặng cho các bậc vua chúa, hoàng hậu có võ công văn trị tột đỉnh vinh quang. Loại sách này còn là sử liệu quý giá về đời tư của các đấng quận vương từng một thời khai sáng quốc gia. Chính bởi vậy mà số lượng kim sách thời phong kiến Việt Nam không nhiều chỉ độ trên dưới 50 cuốn và vì vậy đến nay cực kỳ khó kiếm.

Sách mở ra trang sử ngoại thương Việt Nam

Trang đầu sách vàng được chế tác hình Rồng hoặc Phụng, chuyên dành cho vua, chúa, hoàng hậu. Sách đặt trong tráp ngọc và lưu giữ trong hộp gỗ chạm trổ tinh vi sơn son thếp vàng. Hộp có bộ bản lề và khóa bằng vàng nặng tới 50 lượng. Với những hàm phẩm thấp hơn như hoàng thân quốc thích, tướng lĩnh siêu việt, ngân sách là phần thưởng quý giá nhất thể hiện sự nhìn nhận công lao của triều đình đối với công thần.

Tuy nhiên, dòng kim sách Đại Việt còn có bức "Kim diệp thư" viết năm 1623 lại là một thư tịch cổ vô cùng quý giá khác, đánh dấu cột mốc mở đầu cho ngành ngoại thương Việt Nam với phương Tây, một ấn chứng cho sự hoà nhập của Việt Nam vào thế giới ngay từ thế kỷ 19. Có thể coi đó là một bức quốc thư đầu tiên của Việt Nam với phương Tây gửi cho chính Giáo hoàng và hiện đang lưu trữ tại thư viện Vatican.

Nội dung bức kim diệp thư tỏ sự ngưỡng mộ của triều đình Lê - Trịnh với phương Tây và đề nghị đặt mối quan hệ giao thương Đông - Tây giữa Đại Việt và các nước phương Tây. Có thể nhận thấy đó là một bước cách mạng về tư tưởng và quan niệm của vua chúa Việt Nam thời bấy giờ khi dám "mở cửa" bắt tay với bên ngoài mà hơn 200 năm sau các ông vua triều Nguyễn vẫn chưa làm được.

Định mệnh gian truân luôn rình rập những vật khí thiêng liêng và bức kim diệp thư của Chúa Trịnh Tráng cũng không là ngoại lệ. Sau khi nhận thư và quà của Giáo hoàng, ông đã gửi bức kim diệp thư phúc đáp bằng chữ Hán khắc trên một lá bạc trắng và truyền cho giáo sĩ Alexander de Rhodes gởi về La Mã. Thuyền mang thư về Ma Cao để gửi đi La Mã, không may trên đường bị bão dạt vào đảo Đài Loan và lưu lạc ở đây.

Sau 3 năm, một đoàn giáo sĩ ghé Đài Loan tình cờ bắt gặp bức "kim diệp thư" trên và đã chuộc lại từ một gia đình dân chài để gửi về Vatican và được lưu giữ đến ngày nay.