15:30 29/11/2007

Tặng mũ bảo hiểm, xin thận trọng!

Nếu chẳng may người đội mũ bảo hiểm bị ngã và bị chấn thương đầu do mũ kém chất lượng thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu mũ bùng phát sắp đến, các nhà sản xuất mũ đang phải chạy với công suất tối đa.
Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu mũ bùng phát sắp đến, các nhà sản xuất mũ đang phải chạy với công suất tối đa.
Bài viết của tác giả Lê Chí Công, Giám đốc Công ty Nemo Consulting.

Thời điểm bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường đã gần kề, việc xuất hiện logo trên mũ bảo hiểm là cơ hội tiếp thị khó có thể bỏ qua đối với nhiều doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước hiện trạng quản lý chất lượng mũ bảo hiểm khá lỏng lẻo và hàng nhái tràn ngập trên thị trường, hoạt động tiếp thị dưới hình thức này đang chứa đựng nhiều rủi ro đối với uy tín của các thương hiệu.

Phía trước là cơ hội tiếp thị

Nắm bắt cơ hội là sở trường của những nhà tiếp thị, và cơ hội xuất hiện logo trên hàng chục triệu mũ bảo hiểm lại càng khó có thể bỏ qua đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Xét về hiệu quả tiếp thị, việc logo xuất hiện trên mũ sẽ “di động” trên khắp các nẻo đường cùng với người đội mũ hàng ngày. Và hơn thế, logo sẽ “sống” theo suốt thời gian tồn tại của mũ.

So với chi phí tiếp thị trên các phương tiện truyền thông hay các vật phẩm tiếp thị khác, đây là một hình thức nhằm gia tăng mức độ nhận biết thương hiệu với mức chi phí bỏ ra tương đối thấp.

Hiện nay, người tiêu dùng có thể được tặng mũ bảo hiểm khi sử dụng các dịch vụ hay mua hàng hóa của các doanh nghiệp. Tâm lý của nhiều người tiêu dùng là thích thì đội, không thích thì mang về cho người khác sử dụng.

Phía sau là họng súng vô hình

Mặc dù một số nhà sản xuất cam kết về chất lượng của mũ bảo hiểm bằng cách dán tem, tuy nhiên, không phải mũ nào dán tem cũng đạt chất lượng. Bởi lẽ trên thị trường có nhiều loại tem mà ngay cả doanh nghiệp tặng mũ cũng không thể biết được tem nào là đáng tin cậy.

Hơn thế, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu mũ bùng phát sắp đến, các nhà sản xuất mũ đang phải chạy với công suất tối đa. Chắc chắn sẽ dẫn đến tình huống cân đo, một bên là doanh số hấp dẫn và bên kia là bài toán về chất lượng và uy tín thương hiệu sản phẩm.

Từ đây, phát sinh nguy cơ tiềm ẩn đối với uy tín của một thương hiệu nếu mũ bảo hiểm dùng để tiếp thị có chất lượng kém. Đây là một thực trạng đáng báo động cho các doanh nghiệp đang và có ý định tặng mũ bảo hiểm trong thời gian sắp đến.

Nếu chẳng may người đội mũ bảo hiểm bị ngã và bị chấn thương đầu do mũ kém chất lượng thì ai sẽ chịu trách nhiệm? “Dĩ nhiên là nhà sản xuất mũ”, đó có thể là câu trả lời của nhiều doanh nghiệp làm tiếp thị. Nhưng khổ nỗi người tiêu dùng chỉ biết công ty mà mình nhận quà, cụ thể là logo in trên mũ bảo hiểm.

Mất lòng tin, kiện tụng hay tẩy chay thương hiệu đã tặng mũ là viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra. Việc này không khác gì một họng súng vô hình bắn vào uy tín của thương hiệu, nhất là khi sự cố đó được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Hãy hành động trước khi súng nổ

Quản trị thương hiệu chính là quản trị nhận thức của khách hàng về thương hiệu đó. Một hình ảnh thương hiệu tích cực không dễ có được trong một sớm một chiều mà nó được tích lũy trong một thời gian dài, có thể là hàng chục năm. Vì thế lãnh đạo doanh nghiệp không nên dễ dãi với các hoạt động tiếp thị tưởng chừng như vô hại này mà hãy làm một cách cẩn trọng.

Chịu trách nhiệm về chất lượng mũ là chuyện đương nhiên của nhà sản xuất. Còn doanh nghiệp nào “vô tư” tặng mũ thì nên kiểm tra lại xem mũ của nhà sản xuất đó có đảm bảo chất lượng hay không và nếu “đã lỡ” tặng rồi thì nên thu hồi ngay trước khi tình huống xấu có thể xảy ra.

Hoạt động thu hồi sản phẩm kém chất lượng không chỉ do luật pháp quy định bắt buộc mà còn là trách nhiệm tự nguyện của doanh nghiệp và là cách để bảo vệ uy tín thương hiệu.