23:32 16/10/2009

Tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

Tú Uyên - Ngọc Kiên

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo nhận định của nhiều chuyên gia, đã chạm đáy

Ông Trương Đình Tuyển, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính Quốc gia, phát biểu tại hội thảo “Chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp”.
Ông Trương Đình Tuyển, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính Quốc gia, phát biểu tại hội thảo “Chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp”.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, theo nhận định của nhiều chuyên gia, đã chạm đáy.

Tại Việt Nam, các thông tin vĩ mô tích cực từ chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ như các doanh nghiệp sẽ tiếp tục nhận được những ưu đãi về vốn, thuế trong thời gian tới; Thông tư 21 sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước về việc hỗ trợ lãi suất 4% đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn trung và dài hạn đến hết năm 2011... đã tác động tốt đến toàn bộ nền kinh tế. Tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không những đã phục hồi mà còn tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, không phải là khó khăn đã hết. Để tiếp tục phát triển và phát triển bền vững, bản thân doanh nghiệp Việt Nam cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho mình. Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo “Chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp”, do Thời báo Kinh tế Việt Nam và VnEconomy tổ chức tại Tp.HCM, ngày 16/10.

Tìm và đầu tư vào những yếu tố đầu tàu

GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam

"Trong mấy ngày qua, chỉ số chứng khoán VN-Index đã vượt qua mốc 600 điểm, cao nhất trong một năm trở lại đây. Không khí trên các sàn chứng khoán được ghi nhận là rất nóng. Sự hồ hởi đã trở lại với đa số nhà đầu tư. Và nếu như coi bộ mặt thị trường chứng khoán là một dạng hàn thử biểu của nền kinh tế, có thể báo trước những xu thế đang đến, thì có thể xem kinh tế Việt Nam quả thực đã phát đi những tín hiệu phục hồi rõ nét.

Nhìn lại kinh tế từ đầu năm, mặc dù trong quý 1, chúng ta chỉ đạt được mức tăng trưởng thấp nhất nhiều năm qua là 3,1%, nhưng đến quý 2, nền kinh tế Việt Nam đã có mức tăng GDP 4,5%; tiếp đến quý 3 ước đạt 5,76%; và dự kiến quý 4 có thể đạt 6,57%. Những số liệu thuyết phục này minh chứng cho việc chúng ta đang vượt khủng hoảng theo mô hình chữ V. Có thể tin tưởng rằng giai đoạn phục hồi và phát triển hậu khủng hoảng đang đến. Chính vì vậy, tôi cho rằng hội thảo “Chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp” diễn ra hôm nay là rất đúng thời điểm. Đúng thời điểm không chỉ vì doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới trong giai đoạn hậu khủng hoảng, mà còn vì mỗi giai đoạn đều cần có một chiến lược cạnh tranh phù hợp, linh hoạt để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển.

Kinh tế càng hội nhập, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ càng phải  đối mặt nhiều hơn với các đối thủ mới có  tiềm lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm và năng lực cạnh tranh cao, phải cạnh tranh quyết liệt trên thị trường toàn cầu với những nguyên tắc nghiêm ngặt của định chế thương mại và luật pháp quốc tế. Chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức thật sự to lớn.

Tuy nhiên, tôi sẽ không nhắc lại những điểm yếu về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, vốn đã được đề cập nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trên bục diễn giả hôm nay, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều, đó là tính năng động, linh hoạt, thích ứng với nhiều hoàn cảnh, môi trường khác nhau vốn là những phẩm chất có tính truyền thống của người Việt, và trên thực tế thì chúng cũng chính là những phẩm chất cần có của bất kỳ nhà kinh doanh nào. Điều mà nhiều doanh nhân Việt đang còn thiếu, cần bồi đắp nhiều hơn, có lẽ chỉ là sự tự tin và ý chí kinh doanh cao.

Từ góc nhìn của một người làm báo kinh tế lâu năm, có  điều kiện tiếp xúc với nhiều doanh nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tôi tin rằng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là một tổng thể của nhiều yếu tố, như vốn, hoạt động nghiên cứu thị trường và lựa chọn thị trường mục tiêu, chiến lược kinh doanh, chiến lược phân phối, năng lực quản lý và điều hành, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, trình độ công nghệ, trình độ nhân lực... Các yếu tố này liên quan mật thiết đến nhau, và điều quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh chính là khả năng tìm ra và đầu tư vào những yếu tố có vai trò đầu tàu, phù hợp với hoàn cảnh riêng của mỗi doanh nghiệp, để tạo ra sức mạnh kéo theo cả đoàn tàu".
 
Định kiến về hàng Việt chất lượng thấp mờ dần

Ông Trương Đình Tuyển, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính Quốc gia

"Trong điều kiện kinh tế toàn cầu suy giảm, ngoài các yếu tố  chất lượng hàng hoá, độ tin cậy trong việc cung cấp, năng lực tiếp thị và các dịch vụ hậu mãi, với cùng một mức chất lượng, cạnh tranh về giá là cạnh tranh quyết liệt nhất. Yếu tố quyết định đến giá thành là năng suất và chi phí.

Theo Michael E. Porter, cha đẻ của lý thuyết cạnh tranh hiện  đại, cạnh tranh không phải là cung cấp cái tốt nhất mà là tạo ra sự khác biệt. Vì cái tốt nhất không phải người tiêu dùng nào cũng có thể mua được, do tốt nhất thường là nhiều tiền nhất.

Thị  trường nội địa nước ta là thị trường rất tiềm năng. Doanh số bán lẻ (không kể  bán buôn) và tiêu dùng dịch vụ năm 2008 vào khoảng 60 tỷ USD, nhưng hiện đang bị nhiều hàng nhập lấn át, trong khi đó nhiều mặt hàng cùng loại của ta đã có mặt khá mạnh trên thị trường thế giới.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân các doanh nghiệp của ta chưa quan tâm khai thác thị trường này. Định kiến về hàng Việt chất lượng thấp cũng là một nguyên nhân, nhưng nguyên nhân này không chỉ là lỗi của người tiêu dùng, phần quan trọng là lỗi doanh nghiệp sản xuất và cung ứng, hàng tốt dành cho xuất khẩu, hàng kém hơn mới dành để bán trong nước; nhiều hàng tốt cũng không được giới thiệu quảng bá để người tiêu dùng biết, định kiến đó cứ hằn sâu mãi.

Điều mừng là định kiến này ngày càng mờ dần. Phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt được nhân dân hưởng ứng khá tích cực. Vì vậy, bằng chất lượng và cách tổ chức thị trường, các doanh nghiệp sản xuất và phân phối mới là chủ thể quyết định hiệu quả của phong trào này. Không thể kêu gọi suông nếu chất lượng, giá cả và phương thức phục vụ không có sức cạnh tranh.

Ngoài ra, hiện tại, tái cấu trúc nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng là công việc của nhiều ngành, nhiều cấp, của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó Nhà nước phải tạo ra các tiền đề và điều kiện nhưng doanh nghiệp mới là lực lượng chủ công. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là khi có đầy đủ các tiền đề doanh nghiệp mới thực hiện được. Tiền đề đã hình thành và đang được hoàn thiện. Các doanh nghiệp cần tiến hành ngay quá trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo tinh thần “biến thách thức thành cơ hội”...".
 
Nhận diện những cản trở cạnh tranh

Ông Ngô Trọng Thanh, Giám  đốc Công ty tư vấn marketing Mancom

"Từ góc nhìn của một người làm marketing, tôi nghĩ doanh nghiệp cũng như các chiến binh, càng trải nghiệm thì càng trưởng thành. Nếu nhìn từ mặt tích cực thì  qua cơn bão khủng hoảng vừa rồi, bản lĩnh của các doanh nghiệp Việt Nam đã được tôi luyện hơn, năng lực cạnh tranh của họ đã mạnh hơn và đi dần theo chiều sâu.

Tuy nhiên, vẫn đang tồn tại những yếu tố có thể  cản trở việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Thứ nhất là tính sáng tạo của chúng ta còn kém. Người Mỹ có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau. Người Nhật có thể làm ra sản phẩm giống người Mỹ, nhưng họ sẽ tìm cách cải tiến quy trình sản xuất để làm giảm giá thành và  tăng chất lượng sản phẩm. Nhưng con đường mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam chọn lại là “me too”, nôm na là “anh làm thế nào, tôi cũng bắt chước làm như vậy”, không có sự khác biệt. Mà đã như vậy thì con đường cạnh tranh duy nhất chỉ là giảm giá bán, dẫn tới chất lượng sản phẩm không được cao, không có tiền đầu tư cho nghiên cứu - phát triển, lợi nhuận đã nhỏ lại còn bấp bênh vì phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào.

Thứ  hai là lối tư duy kiểu tiểu nông vẫn tồn tại  ở không ít doanh nghiệp, khi thiếu vắng sự cam kết lâu dài về chất lượng với khách hàng. Tư duy không theo kịp với sự chuyển biến của thị trường, xã hội và đối thủ cạnh tranh. Dễ hài lòng với thành quả hiện tại, hay so sánh với chính mình trong quá khứ, chứ không so mình với các đối thủ cạnh tranh hiện tại.

Thứ  ba là nhiều doanh nghiệp chưa thực sự đặt khách hàng vào vị trí trung tâm, vẫn áp đặt suy nghĩ và nhu cầu của doanh nghiệp vào khách hàng. Họ vẫn quá tập trung đến chất lượng sản phẩm theo ý trong đầu của họ, mà chưa dành sự quan tâm thích đáng đến suy nghĩ của khách hàng về sản phẩm của họ. Họ có thể bỏ tiền tỷ để đầu tư cho sản xuất, nhưng lại ngại ngần chi phí cho các hoạt động nghiên cứu thị trường, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trong mắt công chúng.

Doanh nghiệp vẫn thường nói “Khách hàng là Thượng đế”, nhưng liệu đã có bao nhiêu doanh nghiệp chấp nhận bỏ chi phí để xem các “Thượng đế” đang thực sự nghĩ gì?".
 
Doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến Luật Cạnh tranh

Bà Trần Phương Lan, Trưởng ban Giám sát và Quản lý cạnh tranh, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương)

"Mặc dù đã có những kết quả nhất định nhưng mức độ nhận thức Luật Cạnh tranh, kể cả ý thức sử dụng công cụ Luật Cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp còn ở mức độ khiêm tốn.

Năm 2008, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành khảo sát mức  độ nhận thức của cộng đồng đối với Luật Cạnh tranh, kết quả cho thấy có đến 44,8% đối tượng phỏng vấn chưa biết đến Luật Cạnh tranh. Điểm đáng lưu ý là đa số các trường hợp được tiếp cận Luật Cạnh tranh thông qua con đường tự tìm hiểu (96,6%).

Một nguyên nhân đáng được kể đến ở đây là văn hóa pháp lý nói chung, văn hóa cạnh tranh nói riêng ở Việt Nam còn rất hạn chế, chỉ có khi nào “có vấn đề” thì doanh nghiệp mới cần đến cơ quan bảo vệ pháp luật và thường thì doanh nghiệp không tìm đến Luật Cạnh tranh. Do vậy, mặc dù Luật Cạnh tranh vốn chính là vũ khí tự vệ của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trước các doanh nghiệp lớn, vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm một cách đúng mức.

Nâng cao nhận thức về pháp luật cạnh tranh cũng như ý thức sử dụng pháp luật cạnh tranh như một công cụ pháp lý tự bảo vệ mình trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt là một việc đáng làm đối với doanh nghiệp.

Bên cạnh công cụ này, hoạt động tập trung kinh tế (M&A) cũng là một trong những cách thức hiệu quả giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tái cơ cấu hệ thống quản lý, bộ máy tổ chức nên cần được doanh nghiệp coi là một trong những chiến lược phát triển lâu dài. Doanh nghiệp cần phải nỗ lực tìm kiếm và đàm phán với những đối tác thực sự có khả năng để cùng phát triển.

Chúng tôi muốn chuyển đến cộng đồng doanh nghiệp thông điệp: “Nâng cao năng lực cạnh tranh để không bị thua trên sân nhà là điều kiện cần cho doanh nghiệp tồn tại và đứng vững trên thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần biết và sử dụng các công cụ pháp lý, trong đó có pháp luật cạnh tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước đối thủ cạnh tranh. Đây cũng được coi là điều kiện đủ để đảm bảo sự phát triển vững chắc của doanh nghiệp”.
 
Đứng không vững trong nước thì sao vững ở quốc tế?

(TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính Quốc gia)

"Bài học lớn nhất mà các doanh nghiệp rút ra sau cuộc khủng hoảng là gì? Theo Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu qua cuộc khủng hoảng này mà  chúng ta không rút ra được bài học gì cho mình thì chúng ta sẽ tiếp tục trả giá cao hơn trong tương lai.

Về phần mình, bài học mà Việt Nam cần rút ra, đó là qua khủng hoảng chúng ta đã bộc lộ được tất cả  nhược điểm về kinh tế; cũng như chức năng vai trò của Nhà nước đối với nền kinh tế. Vấn đề quan trọng rút ra sau khủng hoảng là các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh. Để làm được điều này đòi hỏi quốc gia đó phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho mình. Nếu quốc gia đó không tự nâng cao vai trò cạnh tranh quốc gia thì doanh nghiệp khó có thể nâng cao vai trò cạnh tranh của mình.

Làm sao để một nước có thể nâng cao vai trò cạnh tranh của mình? Điều này liên quan đến hạ tầng, hành chính và đào tạo nghề. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu coi như đã chạm  đáy và đang phục hồi nhưng mỗi quốc gia có sự phục hồi khác nhau và không hoàn toàn giống nhau. Những nước nào tận dụng được lợi thế từ thị trường nội địa sẽ phục hồi, còn nước nào phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu theo kiểu “bỏ trứng vào một rổ” sẽ khó phục hồi.

Chúng ta đang ở giai đoạn phục hồi, nhưng vấn đề là  làm sao phục hồi bền vững. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải tái cấu trúc bản thân mình. Chúng ta kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nhưng những chính sách của chúng ta lâu nay chủ yếu ưu tiên cho xuất khẩu, kể cả gói kích cầu cũng vậy. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta nên hướng ưu tiên tiêu thụ trong nước.

Kinh tế  phục hồi nhưng vẫn cần Nhà nước tiếp tục hỗ  trợ. IMF và World Bank không đưa ra gói chung cho toàn cầu mà tùy tình hình mỗi nước. Từng nước nên tìm gói giải pháp riêng cho mình. Chính phủ Việt Nam có gói giải pháp hỗ trợ kích thích kinh tế, chẳng hạn như gói 4% lãi suất, nhưng đây mới là soi bệnh chứ không phải chữa bệnh.

Tóm lại, để nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp nên chú trọng vào thị trường nội địa. Nếu ta đứng không vững tại thị trường nội địa, thì không thể đứng vững ở thị trường quốc tế.
 
Cơ hội để hiện đại hóa cơ  cấu doanh nghiệp

Ths. Bùi Văn, Giám đốc Chương trình Kênh truyền hình kinh tế - tài chính (FBNC)

"Bao nhiêu lâu nay, nền kinh tế của chúng ta đã nhận được quá nhiều lời khen. Tốc độ tăng trưởng cao thứ  nhì trong khu vực. Xuất khẩu liên tục tăng trưởng. Đầu tư nước ngoài đổ vào ồ ạt. Những lời góp ý không thuận tai dễ bị bỏ  qua. Nhưng đến khi cơn bão xảy ra, nhiều doanh nghiệp bất ngờ nhận thấy mình không thật sự “khỏe mạnh” như các lời khen thường thấy. Với tình trạng này, người dân phía Nam thường gọi là “người yếu ra gió”.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong và  ngoài nước, các doanh nghiệp và các nhà quản lý đang nhìn nhận ra cơ hội để tiến hành những thay đổi mà chúng ta thường không thấy cấp bách trong hoàn cảnh thuận lợi. Còn khi sự lạc quan trở lại, rất có thể những cải cách khó khăn sẽ bị gác lại một bên, bị trì hoãn lại, và cơ hội để cải cách, để đột phá vươn lên lại bị bỏ qua.

Một  đặc điểm của doanh nghiệp Việt Nam ít được nhắc đến, là chúng ta có những doanh nghiệp rất lớn theo hình thức doanh nghiệp nhà nước. Chúng ta có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ  theo dạng công ty gia đình và trách nhiệm hữu hạn. Tuy nhiên loại hình công ty cổ phần, đặc biệt là cổ phần đại chúng, lại là loại hình mới, chưa được xã hội hiểu rõ và phát triển theo những tính năng ưu việt của loại hình này.

Doanh nghiệp nhà  nước đã quá quen thuộc ở Việt Nam. Giám  đốc theo định nghĩa là người làm thuê. Chủ  sở hữu theo định nghĩa là toàn dân. Nhưng mối quan hệ giữa người chủ và người làm thuê cực kỳ lỏng lẻo. Các phân tích trên thế giới từ trước đến nay đều nhất trí những yếu kém của doanh nghiệp nhà nước đều bắt nguồn từ mối quan hệ không rõ ràng này.

Doanh nghiệp gia đình và công ty trách nhiệm hữu hạn thì khác hẳn. Sở hữu được xác lập hết sức rõ ràng. Người chủ hàng ngày gắn chặt với công việc của doanh nghiệp, là người trực tiếp điều hành doanh nghiệp. Rất khó có tham nhũng, lãng phí, báo cáo dối. Bởi vì người ta không có động cơ lãng phí tiền của chính mình, hay làm một bản báo cáo dối với chính mình.

Hai mô hình này đang tiến gần lại một mô hình chung, phổ biến nhất trên thế giới, đó là công ty cổ phần đại chúng.

Doanh nghiệp nhà  nước khi cổ phần hóa là đã trao quyền sở  hữu vào những người chủ cụ thể hơn, không chỉ nói chung chung là toàn dân, mà là những người được cầm trong tay tờ chứng nhận cổ phần, được nhìn thấy giá của tờ giấy này cũng như tiền chia cổ tức lên xuống theo kết quả hoạt động của doanh nghiệp. Họ có quyền quyết định chọn giám đốc là người làm thuê.

Doanh nghiệp gia đình khi tiến lên cổ phần là xác định tách riêng người sở hữu và người điều hành. Người sở hữu không phải khi nào cũng là người điều hành tài sản hiệu quả nhất, và ngược lại. Cơ cấu cổ phần cũng là xác định việc hùn hạp làm ăn theo chuẩn mực được pháp luật công nhận. Ví dụ, quyền quyết định căn cứ theo số cổ phần, và giải quyết được một cách công bằng mối quan hệ giữa người sở hữu nhiều và người sở hữu ít.

Hiện nay có một số cải thiện có thể làm ngay để cơ chế cổ phần trở nên hấp dẫn hơn. Thứ nhất, đó là thông tin để cho thị trường đánh giá hiệu quả doanh nghiệp, được pháp luật quy định chặt chẽ về chuẩn mực và thời hạn. Thứ hai là hệ thống tư vấn phân tích thị trường để giá cổ phiếu được xác định trên các tiêu chí khoa học nhiều hơn là “sóng đầu cơ” của các nhà đầu cơ ngắn hạn. Thứ ba là hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi của các cổ đông thiểu số.

Cho đến khi trên thế giới tìm ra một cơ chế sở  hữu và quản lý doanh nghiệp tốt hơn, thì công ty cổ  phần đại chúng vẫn là tốt nhất hiện nay. Và các doanh nghiệp Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để cải thiện theo hướng này".