09:58 09/02/2007

Tăng sức tự vệ cho ngành thép?

Nguyễn An Thơ

Chất lượng thép nhập khẩu lẫn thép sản xuất trong nước đều đang khó kiểm soát vì bộ tiêu chuẩn kỹ thuật hiện thời đã quá lạc hậu

Xu hướng sử dụng thép có chất lượng cao là tất yếu nhằm phục vụ các công trình ngày càng có qui mô lớn - Ảnh: Việt Tuấn.
Xu hướng sử dụng thép có chất lượng cao là tất yếu nhằm phục vụ các công trình ngày càng có qui mô lớn - Ảnh: Việt Tuấn.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2006, sản lượng thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam gia tăng đột biến, trong đó, có nhiều dòng sản phẩm có phẩm cấp thấp.

Bên cạnh đó, chất lượng thép của nhiều doanh nghiệp trong nước cũng rất gây lo ngại bởi bộ tiêu chuẩn kỹ thuật ban hành trước đó đã quá lạc hậu.

Từ thực tiễn đó, các bộ ngành đã phối hợp với Hiệp hội Thép, triển khai xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm thép nhưng tiến độ thực hiện đang bị chậm trễ.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép, năm 2006, sản lượng thép xây dựng toàn Hiệp hội khoảng 2.756.651 tấn, tăng 3,51% so với cùng kỳ, tiêu thụ 2.867.885 tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ; sản lượng ống thép đạt 240.981 tấn, tăng 13,87%, tiêu thụ đạt 240.662 tấn, tăng 17,58% so với cùng kỳ; sản lượng tôn mạ đạt 610.402 tấn, tiêu thụ 544.138 tấn...

Nếu kể cả tổng lượng thép tiêu thụ cả nước (bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài Hiệp hội Thép) thì trong 2006, con số này giao động từ 3.550.000 -3.600.000 tấn, tăng 15% so với 2005, được cung ứng bởi hàng chục doanh nghiệp chuyên sản xuất và nhập khẩu.

Không ai kiểm soát chất lượng thép

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra: ai kiểm soát chất lượng của hàng triệu tấn thép vẫn tung ra thị trường mỗi năm, thì câu trả lời là: không ai cả!

Không chỉ có thế, các nhà quản lý còn thiếu cả công cụ để quản lý mà ở đây được hiểu là chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, sàng lọc những sản phẩm có chất lượng cho thị trường.

Thực ra, bộ tiêu chuẩn rào cản kỹ thuật sản phẩm thép được ban hành đã lâu nhưng không bao hàm hết các sản phẩm thép mới nhập khẩu ngày càng nhiều vào thị trường Việt Nam, trong đó có không ít sản phẩm gian lận thương mại, phẩm cấp thấp, làm ảnh hưởng tới người tiêu dùng và sản xuất trong nước.

Bởi thế cho nên, nhiều nhà sản xuất đã không ngại ngần làm điêu và người tiêu dùng mua thép phi 10, 12, 14, 16, 18 nhưng không bao giờ đường kính của những "phi" ấy đúng với thực tế. Cũng vì vậy, sản phẩm thép của các làng nghề với chất lượng thấp cũng có cơ hội chen chân vào các công trình lớn dưới sự "bảo kê" của bộ ba gồm chủ đầu tư, chủ thầu và tư vấn xây dựng.

Chưa kể, theo một báo cáo của ngành thép thế giới, trong 10 tháng đầu 2006, lượng thép của một quốc gia láng giềng xuất khẩu vào thị trường thế giới gia tăng đột biến, nhất là đối với thị trường châu Âu. Thị trường ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cũng không tránh khỏi "cơn bão" thép giá rẻ đến từ phía nam nước này.

Việc thép thành phẩm nhập khẩu từ quốc gia nói trên và những tác động xấu của chúng đến thị trường thép Việt Nam không phải giờ đây mới được đề cập. Từ 2 đến 3 năm qua, tại nhiều cuộc họp, các doanh nghiệp sản xuất thép phía Bắc đã đề nghị biện pháp đối phó với tình trạng này, trong đó có cả việc xây dựng hàng rào kỹ thuật.

Vì vậy, dù đã có muộn, song các nhà sản xuất thấy thực sự cần thiết phải xây dựng hàng rào kỹ thuật cho các sản phẩm thép.

Cần thiết xây dựng hàng rào kỹ thuật

Như vậy, nguy cơ phải đối mặt với thép giá rẻ nhập khẩu quốc gia chiếm tới 1/3 tổng sản lượng toàn thế giới là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu sản phẩm của họ có chất lượng tốt khi nhập khẩu vào Việt Nam đương nhiên sẽ có lợi cho người tiêu dùng.

Nhưng theo đánh giá của một doanh nghiệp thì không phải mọi loại thép được sản xuất trên đất nước nói trên đều có thể vào Việt Nam với giá rẻ bởi lẽ chỉ có thép từ các nhà máy ở các tỉnh sát biên giới Việt Nam mới có thể thâm nhập thị trường vì bốn lý do.

Thứ nhất, vị trí địa lý giáp biên giới nên phương tiện vận chuyển đa dạng, khả năng cung ứng nhanh và chi phí vận tải rẻ hơn.

Thứ hai, chính sách hỗ trợ ưu đãi của quốc gia này dành cho các khu vực kinh tế phía nam làm cho giá thành sản xuất rẻ hơn.

Thứ ba, họ vẫn đang áp dụng chính sách hoàn thuế 8% cho hàng thành phẩm xuất khẩu.

Thứ tư, nền công nghiệp thép tại quốc gia nói trên đang tích tụ hóa các cơ sở sản xuất để có các nhà sản xuất lớn, qui mô lớn, đầu tư thiết bị hiện đại và liên hợp sản xuất sản phẩm từ nguồn nguyên liệu thô (sản xuất từ quặng ra đến thép thành phẩm) nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm lớn nên có giá thành hạ.

Một đặc điểm của thép sản xuất tại phía nam nước này theo tiêu chuẩn thấp hơn hoặc chỉ tương đương chất lượng thép của Việt Nam sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN 6285-1997 và thấp hơn so với các tiêu chuẩn Mỹ, châu Âu, Nhật về cơ tính (thể hiện rõ nhất là độ giãn dài).

Theo một doanh nghiệp thép liên doanh với Tổng công ty Thép, việc xây dựng hàng rào kỹ thuật là hoàn toàn có thể, bởi không trái với những quy định của WTO. Nhiều ý kiến lo ngại, khi nâng hàng rào kỹ thuật thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn do trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng lực sản xuất khó theo kịp.

Nhưng nhìn ở tầm vĩ mô, xu hướng sử dụng thép có chất lượng cao là tất yếu nhằm phục vụ các công trình ngày càng có qui mô lớn như nhà cao tầng, các công trình giao thông như cầu, hầm lớn, các công trình vĩnh cửu như thủy lợi, thủy điện.

Thị phần thép cung ứng cho các công trình chất lượng cao càng ngày càng lớn, nhất là xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam những năm tới sẽ gia tăng, việc sử dụng thép có chất lượng cao theo các tiêu chuẩn Mỹ, châu Âu, Nhật sẽ được các chủ đầu tư, nhà thầu nước ngoài yêu cầu sẽ ngày càng tăng.

Và mặc dù tính thực tiễn đặt ra đã rất lâu nhưng mãi tới ngày 12/12/2006, Bộ Công nghiệp mới có Công văn số 6748/BCN- KHCN gửi Hiệp hội Thép Việt Nam cùng các bộ ngành liên quan về việc "áp dụng rào cản kỹ thuật đối với một số sản phẩm thép".

Theo đó, bộ này yêu cầu Hiệp hội Thép Việt Nam và Tổng công ty Thép tổng hợp các số liệu về thực trạng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp đối với các sản phẩm cán nóng, cán nguội và lấy ý kiến của các doanh nghiệp về vấn đề sử dụng rào cản kỹ thuật đối với sản phẩm thép gửi về văn phòng TBT (tiêu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm công nghiệp) của Bộ Công nghiệp.

Tuy nhiên, cần phải tham khảo rất nhiều bộ khác mới có thể làm được việc này. Mới đây, Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Thương mại) cũng tổ chức một cuộc họp bàn về vấn đề này nhưng kết cục vẫn chỉ là trên... giấy.