07:21 29/03/2011

Tăng tốc giải ngân vốn FDI: Tín hiệu cảm nhận cơ hội?

Anh Quân

Chốt quý 1 năm nay, thu hút FDI cho thấy vài điểm nổi bật, liên quan đến vốn giải ngân và dự án đăng ký tăng vốn

Trong tháng 3 đã có 1,39 tỷ USD vốn FDI được giải ngân, mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Trong tháng 3 đã có 1,39 tỷ USD vốn FDI được giải ngân, mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Tháng 3, các chỉ tiêu liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) thường chịu áp lực bởi giai đoạn đột biến sau Tết Nguyên đán, khi nhiều địa phương công bố hàng loạt dự án mới đăng ký.

Chốt quý 1 năm nay, thu hút FDI cho thấy vài điểm nổi bật, liên quan đến vốn giải ngân và dự án đăng ký tăng vốn, theo như số liệu từ báo cáo tình hình đầu tư nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Giải ngân FDI lần đầu trong năm vượt 1 tỷ USD

Theo báo cáo, trong tháng 3 đã có 1,39 tỷ USD vốn FDI được giải ngân, mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Tổng hợp lại, số tiền các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân 3 tháng đầu năm nay đã lên mức 2,54 tỷ USD.

Đáng lưu ý là vốn FDI giải ngân đã có một chu kỳ tăng trưởng khá mạnh kể từ đầu năm, khởi đầu ở mức hạn chế 420 triệu USD trong tháng 1 đã tăng lên 730 triệu USD tại tháng 2, và tháng này lại ở mức gần gấp đôi so với tháng trước.

Quan trọng hơn, giải ngân vốn FDI thường được cho là xuất phát từ cảm nhận cơ hội kinh doanh phía trước đã chắc chắn hơn từ phía doanh nghiệp. Nếu vậy, đây được cho là diễn biến tích cực trong bối cảnh đầu tư trong nước bước vào giai đoạn khó khăn, sau loạt chính sách tiết giảm của Chính phủ.

So với “định mức” 11,5 tỷ USD của năm nay, lượng vốn giải ngân trong quý 1/2011 bằng khoảng 22,1%.

“Soi” vào hoạt động ngoại thương của khối doanh nghiệp FDI, trong 3 tháng đầu năm nay, các chỉ tiêu về xuất, nhập khẩu của khối này đều tăng khoảng 28-31% so với cùng kỳ. Điều này có thể đã ảnh hưởng đến nhìn nhận của khối doanh nghiệp này?

Kim ngạch xuất khẩu quý 1/2011, bao gồm cả dầu thô, ước đạt gần 10,5 tỷ USD, tăng 28,8% so với cùng kỳ; không kể dầu thô còn đạt khoảng 8,9 tỷ USD, tăng tương ứng 31,3%. Kim ngạch nhập khẩu cùng thời kỳ ước đạt gần 9,5 tỷ USD, tăng 28,4%.

Như vậy, nếu tính cả dầu thô, quý đầu năm nay khối doanh nghiệp FDI xuất siêu khoảng 969 triệu USD; không kể dầu thô thì khối này nhập siêu 588 triệu USD.

Sự “trở lại” của dự án tăng vốn

Vốn FDI đăng ký từ gần 1,4 tỷ USD trong tháng 2 đã tụt xuống mức 814 triệu USD trong tháng 3. Tuy nhiên, sự sụt giảm chủ yếu xảy ra ở mục vốn đăng ký mới.

Theo số liệu được công bố, trong tháng 3 đã có 80 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 566 triệu USD, giảm hơn nhiều so với con số gần 1,3 tỷ USD của tháng 2. Với cập nhật số liệu mới, quý 1 ghi nhận 173 dự án đăng ký cấp mới với tổng vốn gần 2,04 tỷ USD, chỉ bằng gần 60% số dự án và 65% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Ngược lại, vốn đăng ký tăng thêm đang trong xu hướng gia tăng. Trong tháng 3, đã có 23 dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký 248 triệu USD (tháng 2 là 9 dự án và 81 triệu USD; tháng 1 là 5 dự án và 5 triệu USD).

Như vậy, trong quý 1 đã có 37 dự án tăng vốn với cam kết 334 triệu USD, so với cùng kỳ chỉ bằng 31% về số dự án nhưng tương đương 83% về vốn đăng ký, tỷ lệ khá cao so với nhiều tháng trước đó.

Tổng hợp lại, quý 1/2011 đã có 2,37 tỷ USD vốn FDI đăng ký cả cấp mới và tăng vốn, tương đương khoảng 67% cùng kỳ năm 2010. Đáng lưu ý là con số vốn đăng ký trong quý 1 còn thấp hơn vốn giải ngân cùng thời kỳ.

Chế biến chế tạo, “cửa hút” vốn

Có thể kinh doanh khởi sắc là động lực, cũng có thể chiến lược điều chỉnh khu vực sản xuất của nhà đầu tư đã ảnh hưởng đến cục diện thu hút đầu tư nước ngoài. Theo thống kê, lĩnh cực chế biến chế tạo đang vượt trội về độ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài ghi nhận, trong 3 tháng qua đã có 76 dự án đăng ký cấp mới và 30 dự án tăng vốn thuộc lĩnh vực này, tổng vốn đăng ký vượt 1,55 tỷ USD, chiếm khoảng 65% tổng lượng vốn các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam.

Tiếp ngay sau, lĩnh vực xây dựng chỉ thu hút được 30 dự án với gần 206 triệu USD; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa chỉ mới thu hút trên 50 triệu USD…

Trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư lớn vào Việt Nam trong quý 1/2011, đứng là Singapore với 19 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 1,1 tỷ USD. Hồng Kông và British Virgin Islands xếp liền sau lần lượt đăng ký đầu tư khoảng 331 triệu USD và 277 triệu USD.

Về phía các địa phương thu hút vốn FDI lớn trong quý 1/2011, ba vị trí đầu là Tp.HCM, Đà Nẵng và Ninh Thuận với lượng vốn tương ứng là 1,08 tỷ USD, 365 triệu USD và 266 triệu USD.