10:05 30/03/2012

Tăng trưởng tín dụng âm sau nhiều năm: Vẫn chuyện lãi suất!

Minh Đức

Sau nhiều năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng mới có mức âm như vậy vào thời điểm cuối quý 1

Sau nhiều năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng mới có mức âm như vậy vào thời điểm cuối quý 1.
Sau nhiều năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng mới có mức âm như vậy vào thời điểm cuối quý 1.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phục vụ cho cuộc họp của Chính phủ mới đây có dẫn một số thông tin về tình hình tiền tệ, tín dụng trong quý 1/2012.

Có một điểm được chú ý: tính đến 20/3/2012, tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng ước giảm 2,13% so với tháng 12/2011.

Dữ liệu đó cho thấy sự bất thường. Sau nhiều năm trở lại đây, tăng trưởng tín dụng mới có mức âm như vậy vào thời điểm cuối quý 1.

Do số liệu công bố không có hệ thống và rời rạc nên sự so sánh chỉ tương đối. Nhất là khi, chỉ chênh lệch vài ngày trong kỳ cũng có thể tạo khác biệt lớn về con số tăng trưởng tín dụng. Mặt khác, dữ liệu tại thời điểm công bố thường chỉ là ước tính. Nhưng về tổng thể đó là sự bất thường rõ nét.

Cụ thể, tại thời điểm 10/3/2011, tăng trưởng tín dụng đạt 3,68% so với tháng 12/2010; cuối quý 1/2010, tăng trưởng tín dụng đạt 2,95% so với cuối 2009; tương tự cuối quý 1/2009 là tăng trưởng 2,67%; cuối quý 1/2008 tăng xấp xỉ 12% so với cuối 2007; quý 1/2007 tăng 5,98% so với cuối 2006… Còn nay tính đến 20/3/2012 ước giảm 2,13% so với tháng 12/2011.

Tăng trưởng tín dụng bị âm bất thường như vậy có đáng ngại không?
 
Thử xét theo logic xuất hiện trong vài năm trở lại đây, trong các thông tin từ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước hoặc các báo cáo được công bố, thì không đáng ngại. Logic đó cho rằng, trước đây để cần 1% tăng trưởng GDP thì phải có tới 4 - 5% tăng trưởng tín dụng đối ứng. Năm rồi thì chỉ cần khoảng 1,7% tăng trưởng tín dụng. Sự thu hẹp của cặp so sánh được giải thích là nền kinh tế đã hấp thụ vốn tốt hơn, hay các dòng vốn đã được lái đến đúng địa chỉ hơn…

Với logic và nhìn nhận đó, tăng trưởng GDP quý 1 năm nay chỉ đạt 4% mà không cần tới tăng trưởng tín dụng, thậm chí “chấp” cả tín dụng tăng trưởng âm. Tất nhiên, suy diễn này có sự khập khiễng vì cần xét ở cả quá trình trong năm, liên quan đến các yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh và mùa giải ngân của các ngân hàng thương mại…

Nhưng GDP quý 1/2012 thấp như vậy (thấp hơn nhiều so với quý trước đó và cùng kỳ năm ngoái, tương ứng là kém hơn 2 điểm phần trăm và khoảng 1,6 điểm phần trăm) đặt ra yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải kiểm nghiệm sâu sắc. Chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2011 đang rút ngắn độ trễ và thể hiện tác động của nó; tăng trưởng tín dụng đầu năm nay giảm như vậy cũng là một nguyên do.

Tất nhiên, ở đây mấu chốt vẫn là mối quan hệ vĩ mô, và khó tránh sự đánh đổi, giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát.

Không chỉ do sửa sai

Trở lại với thực tế tín dụng tăng trưởng âm kéo dài đến cuối quý 1/2012, ngoài logic nền kinh tế đã hấp thụ vốn tốt hơn nói trên, Ngân hàng Nhà nước có thể biện minh ở một lý do: có yếu tố ảo và đến nay sửa sai chưa xong.

Cụ thể, cuối tháng 12/2011, tăng trưởng tín dụng của hệ thống có hiện tượng nâng ảo để đón chính sách. Ngân hàng thương mại có động cơ tạo số dư nợ tuyệt đối lớn để nắm chỉ tiêu được giao theo cơ chế phân nhóm Ngân hàng Nhà nước thực hiện. Cũng là 8%, 15% hay 17%, nhưng số dư cuối 2011 lớn hơn thì thực tế 2012 sẽ có điều kiện cho vay tốt hơn (về số lượng).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình giải thích yếu tố ảo đó khiến tăng trưởng tín dụng hệ thống những tháng đầu năm giảm khi so với cuối 2011. Theo đó, có thể hiểu đây là một trong những nguyên nhân kéo dài cho đến thời điểm có dữ liệu trên, 20/3/2012.

Thêm nữa, Thống đốc cũng giải thích một nguyên nhân nữa là do yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, nhu cầu vay vốn hạn chế. Với lại, đầu năm mới, đi vay tiền cũng là “tâm lý” e dè…

Một nguyên nhân khác, sau khi lạm phát cho tín hiệu giảm tốc, chủ trương hạ lãi suất đặt ra quyết liệt, các nhu cầu hẳn chững lại và chờ đợi lãi suất cho vay thực sự giảm rồi mới tiếp cận. Đây là thực tế chung, bởi giảm được 1 - 2% lãi suất là đáng kể về chi phí.

Nhưng việc sửa sai yếu tố ảo và những nguyên nhân trên là chưa đủ. Cốt yếu thời gian qua và hiện nay vẫn là rào cản lãi suất.

Về phía doanh nghiệp, trong tin nhắn trao đổi với VnEconomy, bản thân một lãnh đạo ngân hàng thương mại cũng nhìn nhận ngắn gọn rằng: “Không ai vay với lãi suất quá cao!”.

Về phía ngân hàng, một cán bộ tín dụng cũng đủng đỉnh rằng: “Với tình hình hiện nay, ngân hàng anh chỉ cần thu hồi vốn và xử lý nợ tốt là đã có lãi trong năm 2012 rồi. Còn cho vay thì cần thận trọng, lãi suất quá cao thì doanh nghiệp sao chịu nổi, mà có vay cũng nhiều rủi ro”.

Vừa rồi Ngân hàng Nhà nước cũng đã giảm nhẹ các lãi suất điều hành. Chừng đó, có lẽ còn chưa đủ để kích thích tăng trưởng tín dụng dương trở lại một cách hợp lý. Mới đây, nhà điều hành tiếp tục có văn bản yêu cầu các ông lớn quốc doanh cắt giảm chi phí, tiếp tục hạ lãi suất, song đến nay thông tin vẫn lặng như tờ (hoặc do họ đã thực hiện trước khi có văn bản, hoặc phải chờ đợi thêm?).

Còn với thị trường, giờ đã sắp bước vào quý 2, sự chờ đợi cũng gần hơn vì Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã dự kiến là mỗi quý có thể giảm được 1% lãi suất. Nếu giảm được thêm, tín dụng tăng trưởng âm như trên có khi lại hay, bởi phần đất còn lại theo chỉ tiêu chung cả năm cho 9 tháng còn lại sẽ rộng thêm chút ít…