18:48 22/06/2011

“Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ không có gì bất thường”

Minh Đức

Lượng mua vào dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước, theo con số công bố mới nhất, là 3 tỷ USD

Từ năm 2010, khi tín dụng ngoại tệ bắt đầu bùng nổ, trong các dòng chảy bình luận đã có những ý kiến khác nhau.
Từ năm 2010, khi tín dụng ngoại tệ bắt đầu bùng nổ, trong các dòng chảy bình luận đã có những ý kiến khác nhau.
Tín dụng ngoại tệ tiếp tục tăng mạnh, được cho là bình thường, thậm chí là tích cực nếu lọc được “cặn”…

Theo báo cáo sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước về tình hình hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2011, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 10/6 mới chỉ tăng 7,05% so với cuối năm 2010; tín dụng bằng VND chỉ tăng 2,72%, trong khi bằng ngoại tệ tăng tới 22,21%.

Thời gian gần đây, một số ý kiến lo ngại về sự tăng trưởng quá cao như vậy của tín dụng ngoại tệ, cũng như dự tính lại tiếp tục một chu kỳ đột biến 6 tháng cuối năm 2011 và áp lực cầu ngoại tệ trả nợ đảo hạn đè nặng lên nỗ lực bình ổn tỷ giá USD/VND.

Thế nhưng, tại buổi gặp mặt báo chí cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu lại lạc quan khi cho tăng trưởng tín dụng ngoại tệ hiện nay và dự kiến cuối năm là vẫn bình thường.

“Một số ý kiến lo ngại rằng lại đến chu kỳ tín dụng ngoại tệ tăng trưởng mạnh gây biến động tỷ giá. Nhưng cho vay ngoại tệ hai năm nay nó như nhau, không còn chu kỳ nữa. Mở rộng tín dụng ngoại tệ hai năm nay trở thành bình thường, không có gì là bất thường cả. Cũng không có chuyện lại có chu kỳ tín dụng ngoại tệ tăng mạnh vào cuối năm. Đến 10/6, dư nợ tín dụng ngoại tệ 22%, trong khi cả năm 2010 là 48%, là bình thường”, Thống đốc nói.

Từ năm 2010, khi tín dụng ngoại tệ bắt đầu bùng nổ, trong các dòng chảy bình luận đã có những ý kiến khác nhau.

Trước hết, việc mở rộng đối tượng được vay ngoại tệ từ đầu năm 2010 là một nguyên nhân tạo cầu. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là chênh lệch lãi suất giữa vay vốn bằng VND so với USD quá lớn, đủ để kích thích các nhu cầu vay đánh đổi với rủi ro tỷ giá.

Tuy nhiên, lo ngại thứ nhất được đặt ra là nhu cầu vay và tín dụng tăng trưởng quá mạnh sẽ tạo áp lực cầu ngoại tệ để trả nợ như đề cập ở trên, gây căng thẳng tỷ giá. Lo ngại thứ hai là hiện tượng một số doanh nghiệp xuất khẩu lợi dụng chênh lệch lãi suất, vay USD lãi suất thấp đổi qua VND để gửi lãi suất cao, vừa tạo cung ảo vừa làm lệch lạc dòng vốn…

Là người trong cuộc, dĩ nhiên Ngân hàng Nhà nước lường tính được những bất cập này. Từ giữa tháng 6/2010, nhà điều hành đã đưa ra 6 giải pháp hạn chế tín dụng ngoại tệ, cũng như phối hợp với Bộ Công Thương xác định danh mục hạn chế cấp tín dụng nhập khẩu…

Đến năm 2011, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành cơ chế cho vay ngoại tệ, trong đó điểm nhấn cơ bản là các nhu cầu vay phải đảm bảo, cam kết có nguồn ngoại tệ để trả nợ đối ứng.

Còn hiện tượng vay USD đổi qua VND gửi lại ngân hàng lấy chênh lệch lãi suất, hiện chưa có bất cứ một thông tin nào công bố chính thức từ Ngân hàng Nhà nước, và chưa rõ trên thực tế ra sao.

Nhưng, nhìn chung, như Thống đốc Nguyễn Văn Giàu nhận xét, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ hiện nay là bình thường. Thậm chí, diễn biến thời gian qua và cả xu hướng tiếp tục trong thời gian tới có những giá trị cần khẳng định. Yêu cầu còn lại đối với Ngân hàng Nhà nước là gạn đục khơi trong mà thôi.

Cuối năm 2010, khi tỷ giá USD/VND bắt đầu leo thang và căng thẳng, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại đưa ra quan điểm rằng: cần tiếp tục giữ nhịp độ của tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, thậm chí đẩy mạnh ở những nhu cầu vay là các doanh nghiệp xuất khẩu.

Bởi lẽ, quan hệ tín dụng từ những doanh nghiệp đó được xem là một giải pháp tái tạo nguồn ngoại tệ, tạo cung cho hiện tại bằng tạm ứng tương lai. Doanh nghiệp xuất khẩu vay USD, bán lại cho ngân hàng để lấy VND đưa vào sản xuất kinh doanh. Khi nguồn USD từ xuất khẩu về tài khoản, doanh nghiệp đem trả lại ngân hàng, thay vì trú ẩn, găm giữ ở tài khoản tiền gửi.

Với quan hệ tín dụng này, vòng quay hai năm qua là bình thường, có vai trò hỗ trợ cung cho thị trường. Với sự bình yên của tỷ giá trong khoảng ba tháng qua, sự hỗ trợ này có đóng góp đáng kể.

Áp lực cầu ngoại tệ trả nợ khi các hợp đồng đáo hạn chỉ đáng lo ngại với các nhu cầu vay nhập khẩu, đảo vốn lợi dụng chênh lệch lãi suất. Ở đây, một mặt Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra cơ chế để hạn chế (dù trên thực tế có thể có những khác biệt nhất định), một mặt tiếp tục có động thái hạn chế sự tăng trưởng quá nóng - như quyết định tăng dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ từ tháng 5/2011.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu, lãi suất vay vốn thấp kích thích nhu cầu vay. Trong bối cảnh lãi suất vay VND ngất ngưởng trên 20%, thậm chí tới 22% - 23%..., tín dụng ngoại tệ với lãi suất cỡ 6% - 7%/năm là một nguồn vốn thuận lợi. Chi phí đầu vào tốt hơn, doanh nghiệp có điều kiện để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, và đặc biệt là có thêm ưu thế để cạnh tranh giá trên thị trường quốc tế.

Ở khía cạnh này, tín dụng ngoại tệ có giá trị kích thích xuất khẩu, tạo đầu vào ngoại tệ cho nền kinh tế và góp phần hạn chế nhập siêu.

Còn trong thời gian qua, với nguồn cung từ các doanh nghiệp xuất khẩu vay và bán lại, thị trường ngoại hối đã có thêm điều kiện bình ổn, bên cạnh chính sách “siết” thị trường tự do và “vắt” cung từ găm giữ.

Dự trữ ngoại tệ theo đó có thêm điều kiện để cải thiện. Lượng mua vào dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước, theo con số công bố mới nhất, là 3 tỷ USD, dù thời điểm và tổng dự trữ không được nói rõ.