Tăng tuổi nghỉ hưu: Nam 62, nữ 58?
Trong cả hai phương án về tuổi nghỉ hưu tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới nhất đều quy định tăng đến 62 tuổi với nam và 60 đối với nữ, song một số vị đại biểu Quốc hội cho rằng nữ chỉ cần tăng đến 58
Trong cả hai phương án về tuổi nghỉ hưu tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới nhất đều quy định tăng đến 62 tuổi với nam và 60 đối với nữ, song một số vị đại biểu cho rằng nữ chỉ cần tăng đến 58.
Bên cạnh đó, có một phương án giao Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động, nhưng đại biểu cho rằng cần công khai, minh bạch ngay trong bộ luật.
Cả ngày 23/10 Quốc hội thảo luận về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) và như nhiều lần thảo luận khác, tăng tuổi nghỉ hưu vẫn là vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Do còn có ý kiến khác nhau nên tại dự thảo mới nhất, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn để hai phương án về tuổi nghỉ hưu.
Phương án 1 là tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Phương án 2: tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam và đủ 60 tuổi đối với nữ. Kể từ ngày 1/1/2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung, cầu của thị trường lao động, xu hướng già hóa dân số, Chính phủ quy định cụ thể lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động.
Đều nhất trí về sự cần thiết tăng tuổi nghỉ hưu song nhiều ý kiến tại phiên thảo luận còn rất băn khoăn về lộ trình, một số ý kiến cho rằng cần xem xét một phương án khác với hai phương án trên.
Đồng ý lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với nam là 3 tháng/1 năm và nữ là 4 tháng/ 1 năm, đại biểu Trần Văn Tiến nhấn mạnh quy định này bảo đảm tính công khai, minh bạch ngay trong luật.
Đại biểu Tiến cũng cho rằng cần quy định việc tăng tuổi nghỉ hưu theo hướng công chức thì tăng tất cả, viên chức nên tăng một bộ phận lớn, công nhân lao động tăng một bộ phận nhỏ và lao động nữ nên được nghỉ hưu ở tuổi 58 là phù hợp.
Đồng ý chọn phương án 1, đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) góp ý thêm là cần có quy định người lao động trong một số ngành nghề có thể nghỉ trước tuổi hoặc sau tuổi không phải như trong luật là 5 năm mà khoảng 10 năm. Có khoảng rộng như vậy, theo đại biểu là để xem xét đến những người lao động ở môi trường nặng nhọc, độc hại, vẫn có thể nghỉ hưu ở tuổi 50, 52, như vậy tương đối phù hợp và có thể chấp nhận được.
Lộ trình minh bạch, công khai như vậy người lao động biết được mình sẽ nghỉ hưu như thế nào trong độ tuổi sức khoẻ bình thường, nhằm phát huy được chuyên môn kỹ thuật cao của những lao động có năng lực. Có những người khoảng 70 tuổi vẫn có thể làm việc tốt, chúng ta có thể tạo điều kiện để tăng thêm nguồn nhân lực lao động, ông Sơn phân tích.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao - Ảnh: Quang Phúc.
Đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cũng đề xuất phương án tuổi nghỉ hưu của nam là 62 và nữ là 58, vì phương án này đảm bảo kết hợp được giữa cái chung và riêng của nền văn hoá Việt Nam.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phản ánh, nhiều cử tri kiến nghị khi xem xét việc nâng độ tuổi lao động, đặc biệt đối với lao động nữ thì cần phải cân nhắc.
Vị đại biểu này dẫn thông tin từ một báo cáo, độ tuổi sống khoẻ mạnh sau 60 của nam và nữ tại Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới thì thấp hơn, Việt Nam là 18,8 năm đối với nam 18,7 năm đối với nữ. Trong khi một số nước như Singapore trên 22 năm.
Như vậy, về thể lực, thể trạng của người Việt Nam, kể cả điều kiện làm việc, môi trường làm việc, thu nhập, đời sống, phong tục tập quán thì việc nâng cao độ tuổi đối với lao động nam và lao động nữ, cử tri tỉnh này không đồng tình, đại biểu cho biết.
Tuy nhiên, với xu thế chung đại biểu Bình Định vẫn đồng ý nâng tuổi nghỉ hưu nhưng nữ chỉ nên tăng đến 58 tuổi, nam có thể đến 62 tuổi.
Phiên thảo luận chiều một số vị đại biểu cũng thiên về ủng hộ phương án nam 62, nữ 58 thì nghỉ hưu.
Ngoài hai phương án tại dự thảo thì phương án nam 62, nữ 58 rất cần được quan tâm xem xét, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu.
Giải trình ý kiến đại biểu cuối phiên thảo luận, về tuổi nghỉ hưu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung chỉ đề cập vấn đề nghỉ hưu sớm, còn lộ trình thì đã báo cáo rõ với Quốc hội.
Theo Bộ trưởng với nhóm lao động trong ngành nghề độc hại và đặc biệt độc hại, nguy hiểm, xác định ở 1.800 ngành nghề với số lượng khoảng 3 triệu người và số này sẽ thuộc nhóm nghỉ hưu sớm, cộng với sức khỏe suy giảm thì đương nhiên được nghỉ hưu sớm tới 10 năm.