09:53 10/09/2007

Tạo thương hiệu cho lao động

Lý Hà

Các trường dạy nghề cần chú trọng đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo thương hiệu cho lao động Việt Nam

Được đào tạo đúng nhu cầu, người ra trường nhiều khả năng sẽ có thu nhập cao.
Được đào tạo đúng nhu cầu, người ra trường nhiều khả năng sẽ có thu nhập cao.
Các trường dạy nghề cần chú trọng đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo thương hiệu cho lao động Việt Nam. Việc phát triển mạng lưới đào tạo nghề phải chú trọng chất lượng, phải sát với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị triển khai dạy nghề trình độ cao đẳng năm 2007, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 7/9.

Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác dạy nghề trong những năm qua đồng thời cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế cần phải khắc phục, như công tác đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, chất lượng đào tạo nghề còn thấp, trong khi đó mức đầu tư cho công tác này chưa được chú trọng, bởi vậy việc triển khai dạy nghề trình độ cao đẳng là việc làm cần thiết.

Việc cần thiết hiện nay là phải tạo động lực và nguồn lực để hệ thống các trường dạy nghề phát triển. Từng trường cần tăng cường quản lý bằng các quy chế, tiêu chí chất lượng, đưa công tác kiểm định chất lượng đi vào thực tế và cần có hệ thống kiểm định chất lượng dạy nghề từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng. Đối với các trường cũng phải tạo mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp.

Đó là điều kiện ban đầu nếu ra trường các doanh nghiệp tạo sẽ tạo điều kiện cho học sinh thực tập đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp có thể tham gia giảng dạy. Đào tạo đúng nhu cầu là người ra trường sẽ có thu nhập cao.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kết hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo cùng các cơ quan truyền thông có kế hoạch vận động, tuyên truyền kịp thời nhằm thay đổi nhận thức của học sinh và các bậc phụ huynh rằng không chỉ có học đại học mới là con đường tốt nhất, duy nhất đảm bảo tương lai vững chắc. Sắp tới Chính phủ sẽ nghiên cứu và có chính sách cho vay tiền để tất cả thanh - thiếu niên có thể học lấy một nghề cho mình.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đây là năm đầu tiên triển khai đào tạo nghề trình độ cao đẳng, Bộ yêu cầu Tổng cục Dạy nghề phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, chỉ đạo các cơ sở dạy nghề tổ chức tuyển sinh và triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo nghề trình độ cao đẳng năm học 2007-2008.

Báo cáo tổng hợp đăng ký tuyển sinh dạy nghề trình độc cao đẳng năm 2007 của các bộ, ngành địa phương, đến nay đã có 78 trường đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng nghề (55 trường cao đẳng nghề và 23 trường đại học, cao đẳng). Tổng chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng nghề là 30.185, trong đó các trường cao đẳng nghề là 20.490 chỉ tiêu chiếm 68% chỉ tiêu đào tạo nghề cao đẳng năm 2007; các trường đại học, cao đẳng có dạy nghề là 9.695 chỉ tiêu.

Theo đánh giá Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mặc dù đào tạo nghề trình độ cao đẳng lần đầu tiên được thực hiện, nhưng đã được xã hội đón nhận và hoan nghênh, số lượng học sinh đăng ký vào học cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh. Đến nay, trước thềm năm học mới, công tác tuyển sinh cao đẳng nghề cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.

Theo Tổng cục Dạy nghề, từ năm 2001 đến năm 2006 cả nước đã dạy nghề cho trên 6,6 triệu người, tăng bình quân hàng năm 6,5%. Tính riêng năm 2006 đã dạy nghề cho 1,34 triệu người tăng gần 2 lần so với năm 2000 và năm 2007 sẽ tuyển sinh dạy nghề cho trên 1,4 triệu người.

Quy mô dạy nghề trong năm qua tăng nhanh, luôn đạt và vượt mức kế hoạch Quốc hội và Chính phủ giao, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 13,4% năm 2000 lên gần 20% năm 2006 và dự kiến năm 2007 sẽ đạt khoảng 21%.

Mục tiêu của ngành lao động đến năm 2010 có 120 trường cao đẳng nghề; 300 trường trung cấp nghề; 750 trung tâm dạy nghề, trong đó tập trung xây dựng 3 trường đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Đến năm 2020 sẽ có 80 trường đại học nghề; 300 trường cao đẳng nghề, trong đó có 100 trường chất lượng cao, 30 trường đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới; 350 trường trung cấp nghề; 1.000 trung tâm dạy nghề.

Bên cạnh đó sẽ phát triển mạnh dạy nghề tại doanh nghiệp, làng nghề theo phương thức truyền nghề, kèm cặp nghề, “cần gì học nấy”. Đẩy mạnh xã hội hoá dạy nghề; khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các trường cao đẳng nghề tư thục và trường có vốn đầu tư của nước ngoài; mở rộng hội nhập quốc tế về dạy nghề.

Về cơ cấu đào tạo nghề theo ba cấp trình độ, đến năm 2010 cao đẳng nghề đạt 7,5%, trung cấp nghề 22,5%, sơ cấp nghề 70%; đến năm 2020 con số tương ứng là 15%, 35% và 50%.