15:30 03/10/2012

Tập đoàn kinh tế: Cuộc thanh lọc bắt đầu

Nghệ Nhân

Thấy gì từ việc Chính phủ đã quyết định "dừng thí điểm" hai tập đoàn ngành xây dựng?

Ngày 24/3/2010, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ ra mắt.
Ngày 24/3/2010, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ ra mắt.
Theo kế hoạch, ngày mai (4/10), Hội đồng thành viên Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) sẽ có cuộc họp quan trọng liên quan đến hoạt động của các tổng công ty thành viên. Tuy nhiên, nội dung của cuộc họp này có thể sẽ xoay sang hướng khác khi Chính phủ vừa công bố quyết định kết thúc thí điểm hình thành hai tập đoàn ngành xây dựng, trong đó có HUD.

Vậy là chỉ sau 2 năm rưỡi kể từ ngày ra mắt, HUD đã phải nói lời tạm biệt với mô hình “tập đoàn” vì với Quyết định 1428/QĐ-TTg ngày 2/10/2012, các tổng công ty từng được gom về HUD và Tập đoàn Xây dựng và Công nghiệp Việt Nam (VNIC) sẽ được “trả về nguyên trạng”.

Cụ thể, HUD và Sông Đà, những nhân tố chính của hai tập đoàn xây dựng sẽ quay về với mô hình tổng công ty, trong khi các tổng công ty khác sẽ được chuyển về Bộ Xây dựng, bao gồm Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; Tổng công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng; Tổng công ty Cơ khí xây dựng; Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội; Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng; Tổng công ty Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Việt Nam.

Cùng trong ngày đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 54/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm thành lập Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam và Quyết định 55/QĐ-TTg thành lập Công ty mẹ - Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị trên cơ sở bộ máy tổ chức của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD.

Ngày 12/1/2010, Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam (VNIC) được thành lập theo Quyết định số 52/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt với sự tham gia của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tương đồng thuộc Bộ Xây dựng.

Từ đó đến nay, đã có không ít hoạt động dưới “tấm áo tập đoàn” đã được tiến hành. Tập đoàn hẳn nhiên là “oách” hơn tổng công ty, nên khó có thể nói hết tâm trạng hồ hởi của ban lãnh đạo các tập đoàn tại thời điểm ra mắt. Không phải không có những “tâm tư” từ lãnh đạo các tổng công ty thuộc ngành xây dựng: từng “ngồi cùng chiếu” với nhau, giờ đây về vị thế và quyền lực, đã là cấp trên cấp dưới.

Lãnh đạo tập đoàn VNIC khi đó tin rằng, sự ra đời của tập đoàn “có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp xây dựng nói riêng và của đất nước nói chung và là công cụ để Nhà nước triển khai các dự án trọng điểm của quốc gia có quy mô lớn, bảo đảm việc xây dựng cơ sở vật chất của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Với định hướng chiến lược trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, có quy mô và vốn lớn, công nghệ hiện đại, đa sở hữu, trong đó sở hữu Nhà nước là chi phối, đa ngành nghề, tập trung vào sáu (06) lĩnh vực chính là Xây dựng, Lắp máy; Sản xuất công nghiệp; Gia công chế tạo máy móc thiết bị; Kinh doanh bất động sản; và Đầu tư tài chính, VNIC sẽ “từng bước xây dựng, tiến tới hoàn thiện để trở thành tập đoàn công nghiệp xây dựng hùng mạnh của quốc gia và khu vực, đủ năng lực cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài”.

Trong khi đó, tại HUD, trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn HUD, ông Nguyễn Hiệp cho biết, tập đoàn này “sẽ phát huy và đáp ứng sự nghiệp phát triển đô thị và nhà ở với vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước và tham gia điều tiết thị trường nhà ở theo phương châm: kết hợp giữa kinh doanh và phục vụ - lấy phục vụ để phát triển”.

Ông cũng khẳng định, trong tương lai, mũi nhọn của HUD cũng sẽ là mũi nhọn của tập đoàn HUD, là mô hình nhà ở hướng tới các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn và tham gia điều tiết thị trường bất động sản theo định hướng của Chính phủ.

Một khối lượng công việc đồ sộ đã được hoàn tất trong năm 2010, chủ yếu về phương diện tổ chức, nhân sự đã được tiến hành tại hai tập đoàn này. Và rất nhiều quyết định hành chính các loại đã được ban hành từ thời điểm đó đến nay để bộ máy tập đoàn được hoàn thiện về căn bản.

Dẫu được thành lập trên tinh thần “thí điểm”, ít người nghĩ rằng tuổi thọ của các tập đoàn này lại ngắn ngủi đến thế. Đã có những động thái cho thấy mô hình tập đoàn đã và đang được “hoàn thiện”, chẳng hạn vào ngày 1/9/2011, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có văn bản số 11798/BTC-TCDN phê duyệt vốn điều lệ của Tập đoàn HUD tại thời điểm 31/12/2010 là 7.158 tỷ đồng, bao gồm văn phòng Công ty mẹ và 04 Tổng công ty thành viên Tập đoàn.

Về sự kiện này, HUD cho rằng đây chính là “một bước quan trọng trong lộ trình tăng vốn chủ sở hữu Tập đoàn đến năm 2015, tạo nguồn lực tài chính để triển khai thành công Chương trình phát triển nhà ở của Tập đoàn”.

Tương tự, tại Sông Đà, gần đây nhất đã có một dự án tái cơ cấu tập đoàn được khởi động với nguồn vốn lên tới hàng trăm triệu USD, dự kiến vay từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

Nhưng lãnh đạo Bộ Xây dựng, những người trực tiếp theo dõi quá trình “thí điểm” tại hai tập đoàn này, hẳn biết rõ nhất về tình hình phát triển của các tập đoàn. Điều dễ nhận thấy nhất chính là việc, tuy các tổng công ty được gộp lại, song về bản chất, họ vẫn hoạt động độc lập. Một phép cộng cơ học dường như không đủ để các tập đoàn này phát triển như những kỳ vọng đã tuyên bố trước đó.