16:42 24/05/2007

Tập đoàn kinh tế tư nhân cần sự thừa nhận pháp lý

Các tập đoàn hiện nay buộc phải mang cái tên không chính danh “công ty cổ phần tập đoàn”, hoặc công ty TNHH tập đoàn

Bài viết của LS. Phạm Chí Công, Giám đốc Vietthaibinh Group.

Về pháp lý, mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay chưa được thừa nhận nên phải mang cái tên không chính danh là “công ty cổ phần tập đoàn”. Vậy, danh chính ngôn thuận, bao giờ họ mới được mang đúng tên?

Các tập đoàn kinh tế trên thế giới hiện đang được tổ chức, tái cơ cấu theo xu thế sáp nhập và mua lại. Theo số liệu của hãng thông tin Dealogic, tổng giá trị của những vụ sáp nhập trong năm 2006 đã lên tới 3.460 tỉ đô la Mỹ với 28.312 thương vụ. Tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s gọi đây là “hội chứng sáp nhập”. Hội chứng này rất có thể tạo ra một thời kỳ mới trong nền kinh tế thế giới - thời của các tập đoàn.

Ở nước ta, trong hầu hết các chính sách phát triển kinh tế, đã thể hiện quan điểm hình thành các tập đoàn kinh tế đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên quan điểm này mới chỉ được thể chế hóa ở khu vực kinh tế nhà nước. Cơ sở pháp lý cho việc hình thành tập đoàn kinh tế nhà nước là Nghị định 153/2004/NĐ-CP ngày 9-8-2004 của Chính phủ.

Và trong năm 2006 và đầu năm 2007 tám tập đoàn kinh tế quốc gia trong các lĩnh vực mũi nhọn như bưu chính viễn thông, dầu khí, đóng tàu, than khoáng sản, điện lực, bảo hiểm... đã được thành lập. Tuy nhiên đó là chuyện của khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân, nơi đóng góp đến 39% GDP và một phần ba tổng đầu tư toàn xã hội, cũng cho thấy một sức sống mạnh mẽ, thực sự là động lực phát triển đất nước. Mỗi doanh nghiệp, dù nhỏ, đều có một hoặc một số thế mạnh, có thể là vốn, công nghệ, mạng lưới phân phối, thương hiệu... Tích hợp, liên kết các thế mạnh đó vào một doanh nghiệp, đó chính là tập đoàn kinh tế.

Đã có một số tập đoàn kinh tế tư nhân hình thành theo mô hình này. Tiêu biểu như FPT, Đồng Tâm, Kinh Đô, Hòa Phát, Hanaka... Các tập đoàn này đều có vốn góp, cổ phần chi phối lẫn nhau ở các công ty con, công ty liên kết, ngân hàng, đối tác chiến lược trong và ngoài nước với hàng ngàn cổ đông. Mô hình này đặt ra hàng loạt các quan hệ đa dạng cần chế định về mặt pháp lý.

Trên thực tế về pháp lý, mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân hiện nay chưa được thừa nhận. Các tập đoàn hiện nay buộc phải mang cái tên không chính danh “công ty cổ phần tập đoàn”, hoặc công ty TNHH tập đoàn. Luật Doanh nghiệp 2005 được đánh giá là “luật để hội nhập” thì cả luật và các văn bản hướng dẫn đều chưa tạo được hành lang pháp lý cho việc hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân. Chúng ta chỉ có một nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Doanh nghiệp về đăng ký kinh doanh và cũng không có bất cứ đề cập nào đến việc hình thành và phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam.

Luật Doanh nghiệp 2005 quy định mô hình “nhóm công ty”, là tập hợp các công ty có mối quan hệ gắn bó lâu dài về lợi ích kinh tế, công nghệ, thị trường (chương VII, điều 146-149). Các quy định này ghi nhận nhóm công ty được “tập hợp” dưới các hình thức là (i) công ty mẹ - công ty con; (ii) tập đoàn kinh tế; và (iii) các hình thức khác. Việc phân định hình thức nhóm công ty là sự tập hợp của phép tính cộng như thế theo Luật Doanh nghiệp là không có cơ sở thực tiễn.

Hình thức “công ty mẹ - con”, “tập đoàn kinh tế” hay “các hình thức khác” trong quy định thực chất chỉ là một, cần tích hợp trong một chế định về “tập đoàn kinh tế tư nhân” (mô hình corporation phổ biến trên toàn thế giới).

Hình thức công ty mẹ con

Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong ba trường hợp (điều 4, Luật Doanh nghiệp 2005) với những bất lợi của mỗi trường hợp như sau:

Trường hợp thứ nhất, sở hữu trên 50% vốn của công ty đó. Về tỷ lệ này, đa số các quyết định quan trọng trong một công ty cổ phần thuộc thẩm quyền của hội đồng quản trị. Nếu đại diện sở hữu vốn trên 50% mà không chiếm trên 50% số thành viên hội đồng quản trị, thì công ty mẹ cũng không quyết định được các vấn đề của công ty con.

Sau năm 2010 Việt Nam sẽ có những tập đoàn với hàng triệu cổ đông là tổ chức, cá nhân, lúc ấy xem ra các quy định về sở hữu vốn sẽ dần bị vô hiệu. Qua đó cho thấy việc quy định tỷ lệ sở hữu vốn đối với mô hình tập đoàn chỉ là khung tương đối. Quan hệ mẹ con không có ý nghĩa gì khi không có cơ chế để tập hợp và ràng buộc sức mạnh mẹ - con về năng lực kinh doanh, công nghệ, thương hiệu, thị trường...

Trường hợp thứ hai và thứ ba là “quyền bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên HĐQT và sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty con”. Đối với công ty cổ phần, theo luật, hai quyết định này thuộc quyền biểu quyết của đại hội đồng cổ đông, được thông qua khi có số cổ đông đại diện cho ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của cổ đông dự họp chấp thuận đối với quyết định bầu thành viên hội đồng quản trị và ít nhất 75% đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung điều lệ.

Tỷ lệ này hạn chế các tập đoàn kinh tế tư nhân mở rộng các công ty con vì cứ đầu tư các công ty con là phải đầu tư trên 65% vốn, nếu nhỏ hơn công ty mẹ vẫn không thể quyết định được các vấn đề quan trọng của công ty con. Quy định này mâu thuẫn với trường hợp thứ nhất chỉ cần trên 50%.

Đối với hình thức tập đoàn kinh tế

Luật đưa ra khái niệm tập đoàn kinh tế “là nhóm công ty có quy mô lớn” và giao cho Chính phủ hướng dẫn tiêu chí, tổ chức, quản lý và hoạt động.

Như vậy việc thừa nhận các tập đoàn kinh tế tư nhân vẫn mang tính chủ trương. Hệ thống quy định chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các tập đoàn. Các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước đang phải áp dụng Luật Doanh nghiệp mà luật này cũng chưa có sự thừa nhận chính thức nào.

Do không có quy định cụ thể để xác định một doanh nghiệp là tập đoàn kinh tế hay là công ty mẹ nên không thể yêu cầu họ lập hai loại báo cáo tài chính (theo điều 147, 148 Luật Doanh nghiệp 2005) và cũng không thể yêu cầu công ty con có nghĩa vụ phải gửi báo cáo tài chính cho công ty mẹ. Và như vậy thì môi trường kinh doanh sẽ kém minh bạch, cả ở góc độ công ty lẫn góc độ quản lý nhà nước. Nhiều vụ bê bối, sụp đổ tại các tập đoàn khổng lồ như Enron, WorldCom... đều xuất phát từ các phi vụ gian lận tài chính thông qua các công ty con.

Các tập đoàn kinh tế tư nhân ở Việt Nam đang hoạt động hiệu quả và sẽ phát triển mạnh theo quy luật thị trường chứ không phải là phép cộng số học các doanh nghiệp. Vì vậy nên sớm có một nghị định về việc thành lập tập đoàn kinh tế tư nhân, sự thừa nhận chính thức về pháp lý, với tầm nhìn tối thiểu là 20 năm.

Việc hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước cũng đang đặt ra các yêu cầu về hoàn thiện, tính tương thích với hệ thống pháp luật về cạnh tranh, đầu tư, thương mại, chuyển giao công nghệ, thuế, tài chính, ngân hàng, sáp nhập và mua lại theo hướng thống nhất, khuyến khích mô hình kinh tế này.

* Tập đoàn kinh tế tư nhân là một doanh nghiệp quy mô lớn, một pháp nhân có sự liên kết tự nguyện của các thế mạnh về vốn, thương hiệu, kỹ thuật, công nghệ, thị trường, đối tác quốc tế, trình độ quản lý... giữa các doanh nghiệp độc lập. Tập đoàn có thể nắm giữ 100% vốn hoặc giữ cổ phần, vốn góp chi phối tại các công ty con. Công ty con được tổ chức dưới các hình thức: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, công ty cổ phần, công ty liên doanh trong và ngoài nước.