10:52 31/08/2007

Tập đoàn nhôm lớn nhất thế giới muốn xây tổ hợp luyện kim ở Việt Nam

Huyền Ngân

Nội dung cuộc trò chuyện với ông Evgeny Volosov, Trưởng đại diện của UC RUSAL tại Việt Nam

"Chúng tôi nhận định Việt Nam là quốc gia có nguồn năng lượng dồi dào với nhiều mỏ quặng bauxite."
"Chúng tôi nhận định Việt Nam là quốc gia có nguồn năng lượng dồi dào với nhiều mỏ quặng bauxite."
Nhà sản xuất nhôm và alumina lớn nhất thế giới - Tập đoàn UC RUSAL (Nga) - đang có ý định đầu tư xây dựng một tổ hợp các nhà máy năng lượng luyện kim ở Việt Nam.

Sau đây là cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông Evgeny Volosov, Trưởng đại diện của UC RUSAL tại Việt Nam.

Xin ông giới thiệu đôi nét về Tập đoàn UC RUSAL?

UC RUSAL thành lập vào tháng 3/2007 tại Nga trên cơ sở hợp nhất của 3 công ty: RUSAL - trước là một trong 3 công ty sản xuất nhôm lớn nhất thế giới; SUAL - một trong 10 nhà kinh doanh nhôm lớn nhất thế giới, và Glencore - nhà cung cấp alumina.

UC RUSAL có các nhà máy nhôm, mỏ quặng, nhà máy sản xuất alumina, xưởng đúc, nhà máy nghiền lá kim loại, sản xuất đóng gói nguyên liệu. Hiện UC RUSAL đã đặt văn phòng tại 17 nước trên thế giới với khoảng 100.000 nhân viên.

Vậy lý do nào khiến UC RUSAL có mặt tại Việt Nam chỉ sau 2 tháng thành lập tập đoàn?

UC RUSAL muốn phát triển kinh doanh toàn cầu, đa dạng hoá ngành kinh doanh, không chỉ ở năng lượng luyện kim mà còn muốn đứng đầu trong lĩnh vực khoáng sản và luyện kim.

Chúng tôi nhận định Việt Nam là quốc gia có nguồn năng lượng dồi dào với nhiều mỏ quặng bauxite, là cơ hội rất tốt cho việc phát triển năng lượng mới và các dự án kim loại, tạo ra một chu trình sản xuất từ bauxite đến sản phẩm nhôm và hợp kim. Chính vì thế tháng 5/2007, UC RUSAL quyết định mở văn phòng đại diện ở Việt Nam.

Ông nhận định thế nào về lĩnh vực khoáng sản và luyện kim tại Việt Nam hiện nay?

Hiện tại, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp nhôm riêng với quy mô lớn. UC RUSAL mong muốn xây dựng tổ hợp nhà máy năng lượng luyện kim tại thị trường này.

Vì thế UC RUSAL sẵn sàng đóng góp kinh nghiệm về sản xuất, quản lý, quá trình nghiên cứu, công nghệ hiện đại, tài chính và đào tạo cán bộ cho dự án này. Sau khi dự án hoàn thành sẽ cung cấp đủ nhu cầu về nhôm cho thị trường trong nước.

Qua đó, không chỉ góp phần làm cho ngành công nghiệp luyện kim mà còn giúp cho một số lĩnh vực khác (có liên quan) của Việt Nam phát triển hơn.