10:51 09/09/2011

Tập đoàn, tổng công ty: Nơi gặp khó, chỗ “ngon xơi”

Anh Quân

Dự thảo lần thứ ba báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vừa được đưa ra thảo luận

 Theo ước tính của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, trong năm nay Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) có khả năng lỗ 3.092 tỷ đồng - Ảnh: Getty.
Theo ước tính của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, trong năm nay Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) có khả năng lỗ 3.092 tỷ đồng - Ảnh: Getty.
Bản dự thảo lần thứ ba báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vừa được Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương đưa ra thảo luận chiều ngày 8/9.

Về tổng thể, báo cáo này nhìn nhận: “Hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp trong khối gặp khó khăn do thiếu vốn đầu tư thực hiện dự án trọng điểm, dẫn đến chậm tiến độ; chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp thấp, thậm chí một số doanh nghiệp bị lỗ, nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, một số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, dễ rơi vào khủng hoảng”.

Lợi nhuận ngân hàng tăng cao

Con số doanh thu của khối doanh nghiệp Trung ương vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá, nhưng nhìn sâu vào các chỉ tiêu lợi nhuận, nộp ngân sách…, khối doanh nghiệp này chia thành hai nửa khác biệt.

Với khối doanh nghiệp liên quan đến sản xuất thì dường như khó khăn hơn, ngược lại, những ngành nghề nông nghiệp, gia công, hay sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu thô vẫn đạt tốc độ tăng trưởng rất cao!

Báo cáo cho biết, tổng doanh thu khối doanh nghiệp sản xuất ước tính đạt 1.021.208 tỷ đồng, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng khoảng 69% kế hoạch năm. Tuy nhiên, lợi nhuận không bao gồm Tổng công ty Hàng không (Vietnam Airlines), Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) chỉ đạt 35.634,5 tỷ đồng, bằng khoảng 57% so với năm 2010.

Ước tính các doanh nghiệp sản xuất (không bao gồm Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, các tập đoàn Vinashin và Sông Đà) đã nộp ngân sách nhà nước khoảng 150.696,5 tỷ đồng, tăng trên 12% so với năm 2010 và bằng khoảng 70% so với kế hoạch.

Đề cập đến khối ngân hàng, báo cáo cho biết không kể Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), nguồn vốn huy động ước đạt 1.592.871 tỷ đồng, bằng gần 97% kế hoạch và tăng 16% so với năm 2010; dư nợ tín dụng là 1.195.461 tỷ đồng, bằng 88,7% và tăng 14,9%.

Đặc biệt đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng tăng khá cao so với năm 2010, ước tính đạt 14.813 tỷ đồng, bằng 99,7% kế hoạch và tăng 7,6% so với 2010. Đây cũng là khối có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế so với năm trước ở mức cao nhất. Số nộp ngân sách của khối này đạt 2.657 tỷ đồng, bằng 58,6% và tăng 2,5% so với 2010.

Với khối các đơn vị tài chính, bảo hiểm, tập hợp số liệu của Tập đoàn Bảo Việt và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước cho thấy, tổng doanh thu đạt 18.848 tỷ đồng, vượt 5,7% so với kế hoạch và tăng trên 20% so với 2010; lợi nhuận sau thuế đạt 3.751 tỷ đồng, cao hơn tương ứng 0,73% và 15%; nộp ngân sách đạt 1.055 tỷ đồng, bằng 98,4% và tăng 26%.

Đánh giá cả năm 2011, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương cho rằng hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đều duy trì được tốc độ tăng trưởng và đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên xét về hiệu quả, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của hầu hết các đơn vị thuộc khối sản xuất, thương mại dịch vụ, xây dựng đều giảm sút so với năm 2010.

Nơi gặp khó, chỗ “ngon xơi”

Trong khi các ngành sản xuất liên quan đến nông sản, nguyên nhiên liệu thô xuất khẩu, hàng gia công được hỗ trợ bởi yếu tố giá nên có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khá cao, những ngành liên quan đến sản xuất thực cho thấy những khó khăn nhất định.

Theo Đảng úy khối doanh nghiệp Trung ương, các đơn vị có khả năng hoàn thành kế hoạch và đạt tăng trưởng cao gồm Tập đoàn Dầu khí, Tổng công ty Giấy, Tập đoàn Công nghiệp Cao su, Tổng công ty Cà phê, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Xăng dầu, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (mức tăng trưởng sản lượng hoặc doanh thu từ 20-50%).

Trong khi đó, một số doanh nghiệp có khả năng không hoàn thành kế hoạch năm nay, có mức tăng trưởng doanh thu thấp gồm có Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy, Tập đoàn Điện lực.

Xét về hiệu quả sản xuất kinh doanh, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương cho rằng nhóm các doanh nghiệp có lãi và nộp ngân sách khá bao gồm Tập đoàn Dầu khí, Cao su, Dệt may, Cà phê, và khối các ngân hàng thương mại. Mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân đạt từ 15-20%.

Nhưng ngược lại, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khoản lỗ rất lớn. Cụ thể như các trưởng hợp Tập đoàn Điện lực lũy kế lỗ tính đến 30/6/2011 là 31.565 tỷ đồng, trong đó năm 2010 lỗ 23.647 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm nay lỗ 7.918 tỷ đồng.

Ngoài ra, tổng công ty Hàng hải trong 6 tháng năm 2011 lỗ 660 tỷ đồng, khoản nợ từ Vinashin chuyển sang là 16.000 tỷ đồng; Tổng công ty Xăng dầu trong 7 tháng năm 2011 lỗ 1.449 tỷ đồng; Tập đoàn Sông Đà thiếu vốn do chưa được chủ đầu tư thanh toán công nợ lên đến 5.500 tỷ đồng.

Theo ước tính của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, trong năm nay Tập đoàn Điện lực có khả năng lỗ 11.669 tỷ đồng; Tổng công ty Xăng dầu lỗ 1.200 tỷ đồng; Vinashin lỗ 3.092 tỷ đồng; Tổng công ty Hàng hải lỗ 613 tỷ đồng.

Do khác nhau rất xa về kết quả kinh doanh, thu nhập bình quân mỗi lao động tại các doanh nghiệp cũng chênh lệch rất lớn. Trong khi lao động tại Tập đoàn Dầu khí có thu nhập bình quân 16,2 triệu đồng/tháng; Ngân hàng Công Thương và Ngoại thương từ 15-18 triệu đồng/ tháng… thì con số tương ứng ở Tổng công ty Cà phê là 2,3 triệu đồng. Vinashin là 3,5 triệu đồng, Dệt may 3,7 triệu đồng…

Nhìn vào kết quả này cũng có một điểm đáng quan tâm khác, những tập đoàn, tổng công ty lỗ lớn không nhất thiết là thu nhập bình quân của lao động ở mức thấp nhất. Tất nhiên, những đơn vị làm ăn hiệu quả thì thu nhập đều ở mức khá cao.

Vẫn còn tràn lan đầu tư ngoài ngành

Đánh giá về thực trạng đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty, báo cao cho hay có 21/31 doanh nghiệp, ngân hàng đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với tổng số vốn đầu tư ngoài ngành hơn 22.590 tỷ đồng.

Trong 6 doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành trên một nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí chiếm vị trí đầu với 6.690 tỷ đồng, chiếm 3,76% vốn điều lệ. Tập đoàn Cao su xếp thứ hai với 3.700 tỷ đồng nhưng chiếm tới 19,8% vốn điều lệ. Tập đoàn Điện lực đầu tư ngoài ngành 2.100 tỷ đồng, chiếm 2,8% vốn điều lệ…

Lĩnh vực được các doanh nghiệp chuộng rót vốn nhất là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với 13 đơn vị, tổng vốn hơn 10.700 tỷ đồng, trong đó dẫn đầu là Tập đoàn Dầu khí với 5.636 tỷ đồng.

Ngoài ra, có 13 đơn vị đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán với tổng vốn gần 1.300 tỷ đồng. Có 8 đơn vị đầu tư vào bất động sản, khu công nghiệp, xây lắp với tổng vốn hơn 3.754 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là Tập đoàn Công nghiệp Cao su hơn 1.500 tỷ đồng…

“Một số doanh nghiệp đang thiếu vốn cho đầu tư phát triển ngành nghề kinh doanh chính nhưng lại đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn vốn…”, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương lưu ý.

Thực tế là hoạt động đầu tư của khối doanh nghiệp Trung ương khá “bí bét”. Báo cáo cho biết, hầu hết các đơn vị đều không đạt giá trị về đầu tư, bình quân chỉ đạt 60-70% kế hoạch. Đáng chú ý là giá trị đầu tư của Tổng công ty Hàng không mới đạt 39% kế hoạch, Tổng công ty Xi măng là 49%, và Sông Đà 59%...