11:09 12/04/2021

Thấy gì từ quyết định phạt "thần tốc" gần 3 tỷ USD đối với Alibaba?

Đức Anh

Khoản phạt của Alibaba được đưa ra sau cuộc điều tra chống độc quyền kéo dài chỉ 4 tháng - tốc độ nhanh chóng mặt so với các cuộc điều tra tương tự ở Mỹ hay châu Âu

Tỷ phú Jack Ma - Ảnh: Getty Images
Tỷ phú Jack Ma - Ảnh: Getty Images

Sau khi lĩnh án phạt kỷ lục với cáo buộc kinh doanh độc quyền, hãng thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc Alibaba đã có động thái bất ngờ: Đó là cảm ơn nhà chức trách Trung Quốc. 

ĐỘNG THÁI KỲ LẠ CỦA ALIBABA

"Alibaba sẽ không thể đạt được kết quả tăng trưởng hiện có nếu không nhờ những chính sách và dịch vụ của chính phủ. Đồng thời, sự giám sát, lượng thứ và ủng hộ từ tất cả khách hàng nội địa là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của chúng tôi", Alibaba cho biết trong một bức thư công khai sau khi nhận án phạt kỷ lục 2,8 tỷ USD. "Với những điều này, chúng tôi dành tất cả sự cảm ơn và tôn trọng". 

Theo Bloomberg, động thái của Alibaba cho thấy sự kỳ lạ trong chiến dịch siết chặt quản lý các hãng công nghệ lớn tại Trung Quốc so với ở những nơi khác trên thế giới. Mark Zuckerberg và Tim Cook chắc chắn sẽ không thể hiện thái độ biết ơn công khai nếu như Facebook và Apple nhận khoản phạt tiền kỷ lục như vậy. 

Với vụ điều tra chống độc quyền nhằm vào Alibaba, các nhà chức trách Bắc Kinh đã đưa ra kết luận chỉ trong vòng 4 tháng. Đây là tốc độ chóng mặt so với các cuộc điều tra kéo dài nhiều năm tại Mỹ hay châu Âu. Giới chức Trung Quốc đã phát đi thông điệp rõ ràng rằng các tập đoàn lớn rằng hành vi cạnh tranh không công bằng sẽ phải trả giá. 

Khoản phạt gần 3 tỷ USD dành cho Alibaba nói lên điều gì? - Ảnh 1.

Alibaba rơi vào tầm ngắm của nhà chức trách từ cuối năm ngoái, bắt đầu từ vụ IPO khủng của Ant Group - công ty liên kết của Alibaba - bị đình chỉ - Ảnh: AP

Theo một số nhà phân tích, với Alibaba, khoản phạt 2,8 tỷ USD không nghiêm trọng như nhiều người lo sợ và đồng thời đã giúp vén "đám mây đen" bao phủ lên đế chế internet khổng lồ của tỷ phú Jack Ma. Khoản phạt này chỉ chiếm 4% trong tổng doanh thu nội địa năm 2019 của Alibaba, thấp hơn nhiều so với quy định phạt tối đa 10% doanh thu theo luật pháp Trung Quốc. Dù công ty bị phạt, giá cổ phiếu Alibaba đã tăng 5,5% trong phiên giao dịch sáng thứ Hai (12/4) trên sàn chứng khoán Hồng Kông. 

"Chúng tôi rất vui mừng khi vấn đề đã được giải quyết", Joseph Tsai, người đồng sáng lập và hiện là phó chủ tịch của Alibaba cho biết trong một cuộc họp qua điện thoại với nhà đầu tư ngày 12/4. "Hành động pháp lý này được thực hiện nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng trên thị trường". 

Bên cạnh tiền phạt, Alibaba phải thực hiện nhiều biện pháp theo yêu cầu của nhà chức trách, như hạn chế việc yêu cầu các nhà bán hàng phải lựa chọn giữa Alibaba hoặc các nền tảng thương mại điện tử khác. Với hầu hết những yêu cầu này, Alibaba đã cam kết sẽ thực hiện. Tuy nhiên, Tsai cho biết các nhà chức trách sẽ không áp đặt những thay đổi đối với chiến lược kinh doanh thương mại điện tử của công ty.

"Nhà chức trách công nhận mô hình kinh doanh của chúng tôi. Đây là mô hình tốt cho sự tăng trưởng nền kinh tế đất nước và thúc đẩy đổi mới sáng tạo", ông Tsai nói. "Alibaba không biết về bất kỳ cuộc điều tra chống độc quyền nào khác, ngoại trừ cuộc điều tra đã được thảo luận trước đó về các vụ mua lại và đầu tư của công ty và các hãng công nghệ lớn khác". 

Theo Jet Deng, một luật sư về chống độc quyền, Alibaba "đã thoát khỏi những kết cục như bị buộc phải chia tách công ty hoặc rút vốn khỏi các mảng kinh doanh không cốt lõi".

"MÂY ĐEN" THỰC SỰ ĐÃ TAN?

Tuy vậy, nhiều nhà phân tích nhận định Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục siết chặt kiểm soát đối với các hãng internet và công nghệ tài chính khổng lồ - chiến dịch đã "thổi bay" hơn 250 tỷ USD vốn hóa của Alibaba từ tháng 10/2020. 

Động thái thỏa hiệp nhanh chóng của Alibaba cho thấy sự dễ tổn thương của đại gia công nghệ này trước các hành động pháp lý của giới chức. Điều này khác xa so với hơn 6 năm trước, khi Alibaba công khai phản đối sự kiểm duyệt của Cục Quản lý Nhà nước về Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc đối với vấn đề hàng giả trên nền tảng Taobao của công ty và cuối cùng Cục này phải rút lại các cáo buộc. 

Ngoài vấn đề độc quyền, Bắc Kinh được cho là đang siết chặt quản lý đối với các mảng kinh doanh khác trong đế chế của tỷ phú Jack Ma, bao gồm mảng cho vay tiêu dùng của Ant Group và hoạt động kinh doanh truyền thông của Alibaba. 

Khoản phạt gần 3 tỷ USD dành cho Alibaba nói lên điều gì? - Ảnh 2.

Dù "qua ải" chống độc quyền, nhiều nhà phân tích cho rằng tương lai bất ổn vấn chờ đợi Alibaba ở phía trước - Ảnh: AFP

Hiện tại, chưa rõ các cơ quan quản lý của Trung Quốc có thể đưa ra những quyết định pháp lý nào khác nữa đối với Alibaba. Theo giới thạo tin, giới chức Bắc Kinh đang quan ngại về khả năng thao túng dư luận của Alibaba và muốn buộc công ty này rút vốn khỏi hàng loạt tờ báo, công ty truyền thông, bao gồm tờ báo 117 năm tuổi South China Morning Post. 

Theo Bloomberg, một hãng công nghệ khổng lồ khác là Tencent sẽ là mục tiêu tiếp theo của các cơ quan quản lý tài chính hàng đầu Trung Quốc. Ngân hàng trung ương Trung Quốc được cho là đang thảo luận về việc thành lập một liên doanh với các hãng công nghệ lớn trong nước nhằm giám sát lượng dữ liệu khổng lồ mà các công ty này thu về từ hàng trăm triệu người dùng. Đây có thể sẽ là bước leo thang lớn trong chiến dịch kiểm soát lĩnh vực internet của Trung Quốc.