19:31 06/09/2008

Thận trọng cả vay lẫn cho vay đầu tư chứng khoán

Hoàng Vũ

Hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán đang được nối lại, nhưng vẫn là sự thận trọng từ hai phía: ngân hàng và người vay

 Với người vay vốn tham gia thị trường trong năm 2007, bên cạnh khả năng thua lỗ còn là gánh nặng lãi vay.
Với người vay vốn tham gia thị trường trong năm 2007, bên cạnh khả năng thua lỗ còn là gánh nặng lãi vay.
Hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán đang được nối lại, nhưng vẫn là sự thận trọng từ hai phía: ngân hàng và người vay.

Sau tháng tăng trưởng mạnh nhất kể từ đầu năm của thị trường chứng khoán, một số ngân hàng thương mại thông báo bắt đầu đẩy mạnh hoạt động cho vay cầm cố cổ phiếu. Đón sự chuyển động này, có những kỳ vọng, chờ đợi và cả sự dè chừng.

Lợi và khó

Ngày 1/9, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông báo triển khai sản phẩm “Cho vay chứng khoán - CK300” nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các nhà đầu tư chứng khoán. Sản phẩm này bước đầu được áp dụng tại Sở Giao dịch Tp.HCM với hạn mức tín dụng là 300 tỷ đồng. Một khách hàng có cơ hội vay tối đa là 5 tỷ đồng với thời hạn tối đa 2 tháng.

Cùng thời điểm này, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) quyết định tăng hạn mức cho vay chứng khoán từ hơn 200 tỷ đồng lên đến 800 tỷ đồng, đi cùng với danh mục nhận cầm cố khoảng 100 cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết.

Ngày 5/9, Ngân hàng An Bình (ABBank) phối hợp cùng Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) mở dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư vay tiền mua chứng khoán không phải trả lãi suất theo kỳ T+2 với hạn mức bằng 70% tổng giá trị chứng khoán hiện có trong tài khoản hoặc bằng hạn mức ABS cấp.

Theo Sacombank, gần đây nền kinh tế vĩ mô đang dần ổn định, lạm phát đã có dấu hiệu giảm dần, thị trường chứng khoán có dấu hiệu hồi phục trở lại với chỉ số VN-Index tăng trưởng liên tục và tính thanh khoản của thị trường đã cải thiện đáng kể, và “đây chính là cơ hội tốt cho nhu cầu đầu tư và nhu cầu đi vay cầm cố chứng khoán của các nhà đầu tư và là lý do để Sacombank triển khai sản phẩm này”.

Ngoài lý do trên, có thể thấy một số nguyên nhân khác thúc đẩy một số ngân hàng thương mại nối lại hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán. Đó là dư địa cho vay loại này hiện còn lớn theo quy định hiện hành.

Theo Quyết định số 03 của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 1/2/2008, tổng dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán của mỗi ngân hàng không được vượt quá 20% vốn điều lệ (thay cho hạn mức 3% tổng dự nợ trước đó). Với hạn mức này, nhiều ngân hàng đang có thuận lợi để có thể đẩy mạnh cho vay do mức vốn điều lệ tăng cao; tiêu biểu như Sacombank hiện đã có vốn điều lệ lên tới 5.116 tỷ đồng, đi cùng với khả năng cho vay tối đa là hơn 1.000 tỷ đồng; hay ACB với hơn 5.800 tỷ đồng vốn điều lệ; một số ngân hàng khác có vốn điều lệ lớn như SeABank là 3.000 tỷ đồng, Techcombank trên 3.000 tỷ đồng, VPBank 2.000 tỷ đồng…

Mặt khác, sau khó khăn thanh khoản những tháng đầu năm, tín dụng tăng trưởng chậm, các ngân hàng đang bắt đầu đẩy mạnh hoạt động cho vay ra nói chung trong 4 tháng còn lại của năm để nắm khả năng hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm. Hiện tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống mới chỉ tăng 16,78%, trong khi mốc có thể đạt theo “hạn mức” của Ngân hàng Nhà nước định hướng là 30% cho năm này.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của VnEconomy, hầu hết các ngân hàng có hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán mạnh trong năm 2007 hiện vẫn “đóng cửa”, khó nối lại. Nguyên do, ngoài sự thận trọng trước biến động khó lường của thị trường, còn là khó khăn vẫn còn từ việc xử lý sự tồn đọng của thời điểm khó khăn vừa qua.

Tại một ngân hàng cổ phần cho vay đầu tư chứng khoán mạnh trong năm 2007, lãnh đạo ngân hàng từ chối tiết lộ thông tin, nhưng theo cán bộ tín dụng tại đây thì đang có chủ trương “tuyệt đối” hạn chế cho vay loại này, dù thị trường chứng khoán đang hồi phục trở lại.

Theo ông, hai tháng nay ngân hàng này vẫn phải đốc thúc nhà đầu tư hoàn vốn và bù thêm tài sản thế chấp để giải quyết ảnh hưởng của đợt sụt giảm giá chứng khoán kéo dài và sâu từ cuối năm 2007. Và kinh nghiệm của đợt biến động vừa qua khiến ngân hàng vẫn đang dè chừng.

Thận trọng và chờ đợi

Trao đổi về sự nối lại của hoạt động cho vay nói trên, nhiều nhà đầu tư cùng có một nhận định: thị trường chứng khoán sẽ có thêm nguồn vốn mới, thúc đẩy sự đi lên của đà phục hồi hiện nay, nhưng hơn hết vẫn là nguồn vốn của chính mình.

Với người vay vốn tham gia thị trường trong năm 2007, bên cạnh khả năng thua lỗ còn là gánh nặng lãi vay. Hiện vẫn còn những trường hợp chưa giải quyết gọn gánh nặng này và nặng hơn khi ngân hàng điều chỉnh lãi suất cao.

Với nhu cầu vay vốn thời điểm này, trước mắt và cụ thể nhất vẫn là mức lãi vay quá cao so với thời điểm trong năm 2007. Trong thời điểm chứng khoán nóng sốt, thăng hoa, mức lãi suất vay vốn 21%/năm có thể “là chuyện nhỏ”, nhưng với biến động khó lường và sự thua lỗ phổ biến vừa qua, đó là một gánh nặng thực sự.

Theo nhà đầu tư Bùi Thái Phương (sàn chứng khoán Tân Việt), hơn ai hết nhà đầu tư rút ra được bài học kinh nghiệm trong năm 2007 và đầu năm 2008, trong đó là sự nặng nề của nguồn vốn đi vay. “Hơn hết vẫn là nguồn vốn chủ động của mình. Ngay cả thị trường hiện nay nhiều người vẫn rất thận trọng ở sự phục hồi nối tiếp và càng thận trọng hơn khi vay vốn với lãi suất cao”, anh Phương nói.

Ở phía ngân hàng, sự thận trọng trong kế hoạch nối lại này là việc nâng cao các điều kiện cũng như cân nhắc hạn mức cho vay. Trong năm 2007, tỷ lệ cho vay được các ngân hàng xác định phổ biến từ 50% - 60% thị giá. Nhưng nay, tỷ lệ này giảm mạnh, như tại Eximbank, tỷ lệ cho vay được xác định không vượt quá 30% thị giá cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và ngay với trái phiếu chuyển đổi cũng không vượt quá 30% thị giá.

Với thị trường hiện tại, sự phục hồi đang thể hiện, có triển vọng đi cùng với chuyển biến của nền kinh tế. Phát biểu từ một số đại diện tổ chức thành viên thị trường đặt kỳ vọng sự mở cửa trở lại của ngân hàng sẽ tạo thêm “cú hích” để sôi động hơn, phục hồi hơn. Hiện từ các đầu mối nói trên mới chỉ gợi mở nguồn vốn khoảng 1.000 tỷ đồng, nhưng trong trung hạn, nếu thị trường phát triển, có thể nhiều nhà băng khác cũng sẽ lần lượt mở hầu bao.