Thận trọng với thuốc trị cảm lạnh
Các thuốc trị cảm thường bán sẵn tại hiệu thuốc, mua không cần kê toa, song một số tân dược có thể gây ra tác dụng phụ, cần đến ý kiến của bác sỹ.
Cũng như bệnh cúm, cảm lạnh do virus gây ra với cả vài trăm loại khác nhau nhưng nhóm rhinovirus (virus mũi) là thường thấy hơn cả.Như tên gọi, virus này xâm nhập cơ thể qua mũi và miệng. Virus nằm trong các giọt nước nhỏ li ti từ miệng mũi bệnh nhân thoát ra khi họ ho, hắt xì hơi hoặc nói. Chúng bay lởn vởn trong trông khí cả mấy tiếng đồng hồ và người lành hít phải là mang bệnh. Virus cũng lây lan qua các đồ dùng của bệnh nhân như điện thoại, khăn mặt, bát đĩa, bàn viết, máy vi tính… Sờ đụng vào các vật dụng đó rồi đưa tay lên miệng, lên mũi là mắc cảm lạnh ngay.Hiện nay, chưa có vaccine ngừa cảm lạnh. Phương thức phòng bệnh giản dị và hữu hiệu là không tiếp cận quá gần với người bệnh, bệnh nhân che miệng mũi khi ho; rửa tay thường xuyên; không dùng chung vật dụng với bệnh nhân, nghỉ ngơi tại nhà khi mắc bệnh, uống nhiều nước.Trên thị trường có rất nhiều thuốc trị cảm, trị ho và thuốc phối hợp trị cảm ho. Tất cả đều là những thuốc thông thường nhưng nếu không hiểu rõ tác dụng phụ thì vẫn có thể gây hại, nhất là với cơ địa đặc biệt của người cao tuổi (thường cao huyết áp, đau dạ dày...).
Với thuốc cảm chứa Chlorphéniramine, không nên dùng liều cao, kéo dài trên hai tuần vì có thể gây ra nhịp tim nhanh, tim co bóp mạnh, huyết áp tăng. Không dùng cho những người bị bệnh nặng ở gan, thận, cao huyết áp, tăng nhãn áp, bí tiểu tiện, bệnh tim bẩm sinh vì thuốc làm giảm hiệu lực dược phẩm trị cao huyết áp, tăng hiệu lực thuốc tê mê, nguy hiểm khi uống chung với thuốc kháng viêm giảm đau không steroid như aspirin, diclofenac, indomethacin...
Thuốc ho, long đờm làm giảm ho mạnh, gây ức chế trung tâm hô hấp, ngăn cản phản xạ ho. Những thuốc giảm ho mạnh có hàm lượng codein 25 mg/viên không nên dùng cho người bị suy hô hấp, hen suyễn. Thuốc giảm ho chứa dextromethorphan khi dùng cho người suy gan và cao tuổi cần giảm 50% liều lượng dùng lần đầu để xem xét khả năng dung nạp. Nhóm thuốc giảm đau thông thường chứa aspirin không dùng được cho người bị loét dạ dày, tá tràng và các bệnh xuất huyết.Với thuốc chống nghẹt mũi cũng cần cẩn trọng. Hoạt chất chính của các thuốc này là một chất tổng hợp tương tự như epinephrine (adrenaline) do phần tủy tuyến thượng thận tiết ra. Cả hai thứ có tác dụng làm co mạch máu. Tại mũi, thuốc làm giảm sung huyết, niêm mạc xẹp xuống, lỗ mũi thông, bệnh nhân thở dễ dàng. Nhưng thuốc cũng làm nhịp tim nhanh, tăng áp xuất huyết ở người đang bị cao huyết áp, kích thích thần kinh với sợ hãi, nóng nảy, run tay, khó ngủ, chóng mặt, nhức đầu, đổ mồ hôi, nôn ói… Đang bị cao huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường không nên dùng thuốc này nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
Người cao tuổi cũng cần thận trọng với các nhóm thuốc cảm kết hợp với thuốc kháng viêm giảm đau không chứa nội tiết tố steroid như ibuprofenòmlurbiprofen, ketoprofen, piroxicam, phenylbutazone, diclofenac... Đa số chúng không dùng cho người có nghi ngờ hoặc đã viêm loét tá tràng, hen suyễn, hay bị chảy máu, suy chức năng gan thận, cao huyết áp hoặc suy tim. Đây là những thuốc có công dụng trị đau nhức thấp khớp nhưng khó dung nạp với người cao tuổi, có nhiều chống chỉ định và tương kỵ với nhiều loại thuốc.