07:30 01/11/2008

Tháng 10: Nhiều kỷ lục được thiết lập ở Phố Wall

Duy Cường

Ngày 31/10, Phố Wall tiếp tục khởi sắc, khép lại một tuần thành công nhưng đánh dấu một tháng giảm điểm “kinh hoàng”

Chứng khoán Mỹ đã trải qua tháng 10 "kinh hoàng" khi các chỉ số giảm từ 14% đến gần 18% - Ảnh: Reuters.
Chứng khoán Mỹ đã trải qua tháng 10 "kinh hoàng" khi các chỉ số giảm từ 14% đến gần 18% - Ảnh: Reuters.
Ngày 31/10, Phố Wall tiếp tục khởi sắc, khép lại một tuần thành công nhưng đánh dấu một tháng giảm điểm “kinh hoàng”.

Tuần tăng điểm ấn tượng của chứng khoán Mỹ

Giá dầu kỳ hạn giao tháng 12 tại NYMEX trong ngày 31/10 đã tăng 1,85 USD/thùng, tương đương 2,8%, đóng cửa ở mức 67,81 USD/thùng, giảm 32,83 USD/thùng, tương đương 32,62% so với ngày 30/9.

Ngày 31/10, Bộ Thương mại Mỹ thông báo, chi tiêu dùng của người dân Mỹ trong tháng Chín đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này tương đương với dự báo của giới phân tích đưa ra trước đó.

Theo giới phân tích nhận định, chi tiêu dùng của người dân Mỹ giảm xuống là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến GDP của nước này tăng trưởng âm 0,3% trong quý 3/2008 vì tổng giá trị tiêu dùng của người dân đóng góp 2/3 giá trị của GDP.

Cũng trong tháng Chín, thu nhập của người dân Mỹ đã tăng 0,2%, bằng một nửa so với tháng Tám. Lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực – thực phẩm và năng lượng) của nước này đã tăng 2,4% trong tháng 9, thấp hơn mức tăng 2,5% trong tháng Tám, so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin đáng chú ý khác, các thành viên Quốc hội nước này đang xem xét một kế hoạch kích thích nền kinh tế bằng việc hoàn thuế cho người dân Mỹ. Ban đầu gói hỗ trợ này là 60 tỷ USD, sau đó được nâng lên 150 tỷ USD và nay con số mới nhất là 300 tỷ USD.

Theo giới phân tích nhận định, 300 tỷ USD – bằng 2% GDP của Mỹ, không phải là quá lớn nhưng sau việc bơm 700 tỷ USD để cứu ngành tài chính, thì nó lại trở thành con số gây tranh cãi và có lẽ sẽ có thay đổi, nhất là việc bầu tổng thống sẽ có thể thay đổi quan điểm điều hành đất nước của tân tổng thống Mỹ.

Hôm thứ Sáu, Tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ, Chevron đã công bố doanh thu của hãng đạt 78,9 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 7,9 tỷ USD, tương đương 3,85 USD/cổ phiếu, tăng vọt so với mức lợi nhuận 3,7 tỷ USD (1,75 USD/cổ phiếu) của quý 1/2007.

Như vậy, hai tập đoàn năng lượng hàng đầu của Mỹ là Exxon Mobil và Chevron đã công bố kết quả kinh doanh vượt mong đợi của giới phân tích. Việc giá dầu liên tục tăng cao và có lúc đã tăng lên trên 147 USD/thùng (11/7/2008) trong quý 3 đã giúp hoạt động kinh doanh của các tập đoàn năng lượng thu về các khoản lãi khổng lồ.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số USD đã tăng 1,1% trong ngày và 8% trong tháng 10 so với 6 ngoại tệ mạnh khác. Trong đó, đồng USD đã lên giá 1,3% trong ngày 31/10 và tăng 9,6% trong tháng 10, so với đồng Euro - đây là tháng tăng mạnh nhất của USD kể từ tháng 3/1991. Ngược lại đồng USD lại giảm tới 7,1% so với đồng Yên trong tháng 10.

Chứng khoán Mỹ đã kết thúc ngày giao dịch cuối tháng 10 bằng sắc xanh cùng biên độ tăng trên 1,5% của hai chỉ số S&P 500, Dow Jones và trên 1,3% của chỉ số Nasdaq.

Nhưng tâm điểm chính là hai thái cực phân chia rõ ràng trước sự tăng giảm của thị trường. Trong tuần, nhà đầu tư không thể tin nổi các chỉ số chứng khoán lại có thể tăng trên 10%, ngược lại họ cũng phải chứng kiến tháng 10 “kinh hoàng” khi các chỉ số giảm từ 14% đến gần 18%, đây là mức giảm kỷ lục được thiết lập cánh đây hơn 20 năm ở nước Mỹ.

Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 11,3%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/1974; chỉ số S&P 500 tăng 10,5%, mức lên điểm ấn tượng nhất kể từ tháng 1/1980; chỉ số Nasdaq lên 10,9%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2001.

Trong tháng 10, chỉ số Dow Jones mất 14,06%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/1998; chỉ số S&P 500 giảm 16,83%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 10/1987; chỉ số Nasdaq trượt 17,73%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2001.

Điểm qua kết quả giao dịch ngày 31/10: Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 144,32 điểm, tương đương 1,57%, đóng cửa ở mức 9.325,01.

Chỉ số Nasdaq phiên này lên 22,43 điểm, tương đương 1,32%, chốt ở mức 1.720,95.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 14,66 điểm, tương đương 1,54%, đóng cửa ở mức 968,75

* Tuần tới, các tập đoàn Anadarko Petroleum (APC), MasterCard (MA) Cisco Systems (CSCO) và Sprint Nextel (S.N) sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 3/2008.

Tuần tăng điểm kỷ lục của chứng khoán châu Á

Chứng khoán châu Á ngày giao dịch cuối tuần và cũng là ngày cuối tháng 10 đã có sự phân hóa tăng - giảm thay vì cùng lên điểm như phiên trước đó. Trong đó, thị trường Nhật, Trung Quốc và Hồng Kông đã giảm điểm trong khi các thị trường lớn khác vẫn duy trì được sắc xanh.

Ngày 31/10, Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) đã đưa ra quyết định cắt giảm 0,2% lãi suất cơ bản từ 0,5%/năm xuống 0,3%/năm. Đây là lần đầu tiên sau 7 năm BoJ cắt giảm lãi suất xuống dưới 0,5% để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong vòng 80 năm qua.

Trước đó, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy, Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan đã cắt giảm lãi suất cơ bản và dự báo trong tuần tới, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Anh và Úc cũng đưa ra quyết định tương tự.

Như vậy, đây là lần thứ hai trong tháng, nhiều nước, vùng lãnh thổ đã cắt giảm lãi suất cơ bản trong một nỗ lực toàn cầu chung sức chống khủng hoảng.

Cùng ngày, Nhật đã công bố lạm phát cơ bản (không bao gồm rau quả và cá) của nước này đã tăng 2,3% trong tháng 9 so với cùng năm ngoái.

Nguyên nhân khiến giá cả tăng cao trong tháng là do giá xăng tăng tới 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái, ngoài ra giá một số loại lương thực, thực phẩm khác cũng lên giá mạnh.

Mặc dù BoJ đã cắt giảm lãi suất cơ bản nhưng quyết định đó đã không tác động tích cực tới thị trường chứng khoán Nhật. Với mức giảm hơn 5% vào ngày giao dịch cuối tháng, chỉ số Nikkei 225 đã mất tổng cộng 24% giá trị trong tháng 10 và đây là tháng giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử của chỉ số này.

Với 3 phiên tăng điểm trước đó, thị trường chứng khoán Nhật đã tiến thêm gần 30% nên các nhà đầu tư đã tăng mạnh bán ra nhằm hiện thực hóa các danh mục đầu tư. Sức cầu yếu hơn hẳn so với lượng cung ào ạt của thị trường. Sự bất cân xứng cung - cầu chính đã đẩy chỉ số Nikkei 225 liên tục trong sắc đỏ.

Trong phiên này, cổ phiếu của các nhà sản xuất ôtô đã sụt giảm mạnh, trong đó, cổ phiếu Mazda mất 13,8%, cổ phiếu Honda giảm 13%, cổ phiếu Toyota  hạ 4,4%,…

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 452,78 điểm, tương đương -0,51%, đóng cửa ở mức 8.576,98, tăng 12% so với tuần trước nhưng thấp hơn 44% so với đầu năm nay. Khối lượng giao dịch phiên này đạt 2,78 tỷ cổ phiếu, thị trường có 892 lên điểm và 750 cổ phiếu mất điểm.

Điểm qua các thị trường khác: Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 28,34 điểm, tương đương 2,61%, chốt ở mức 1.113,06, tăng 17,6% so với tuần trước.

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 361,18 điểm, tương đương  -2,52%, đóng cửa ở mức 13.968,67, tăng 26,8% so với tuần trước.

Chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan phiên này lên 187,02 điểm, tương đương 3,99%, chốt ở mức 4.870,66, tăng 11,53% so với tuần trước.

Chỉ số Straits Times của Singapore phiên cuối tuần lên 3.75 điểm, tương đương 0,21%, đóng cửa ở mức 1.805,66, tăng 13,25% so với tuần trước.

Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 34,82 điểm, tương ứng -1,97%, chốt ở mức 1.728,79, mất 0,31% trong tuần.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 9.180,69 9.325,01 Up144,32 Up1,57
Nasdaq 1.698,52 1.720,95 Up  22,43 Up1,32
S&P 500 954,09 968,75 Up  14,66 Up1,54
Anh FTSE 100 4,291.65 4.377,34  Up  85,69 Up2,00
Đức DAX 4,869.30 4.987,97 Up118,67 Up2,44
Pháp CAC 40 3,407.82 3.487,07 Up  79,25 Up2,33
Đài Loan Taiwan Weighted 4.683,64 4.870,66 Up187,02 Up3,99
Nhật Nikkei 225 9.029,76 8.576,98 Down452,78 Down5,01
Hồng Kông Hang Seng 14.329,80 13.968,67  Down361,18 Down2,52
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.084,72 1.113,06 Up  28,34 Up2,61
Singapore Straits Times 1.814,36 1.805,66 Up   3,75 Up0,21
Trung Quốc Shanghai Composite 1.763,61 1.728,79 Down 34,82 Down1,97
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg