12:37 27/01/2008

Thành danh trên thương trường bằng xích lô

Dũng Hiếu

20 tuổi đời, Đỗ Anh Thư lên đường nhập ngũ và trở thành chiến sĩ lái xe trên cung đường Trường Sơn khói lửa

Ông Đỗ Anh Thư trong một chuyến du lịch tại Nha Trang.
Ông Đỗ Anh Thư trong một chuyến du lịch tại Nha Trang.
Được tờ Tạp chí của Ngân hàng Phát triển châu Á bình chọn là một trong mười người nghèo vượt khó thành công nhất Việt Nam, ông Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch xích lô Sans Souci thành danh trên thương trường bắt đầu từ một người đạp xích lô.

“Tên tiếng Pháp “Sans Souci” dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Đừng lo âu”. Đây là câu cửa miệng của người Pháp khi muốn động viên một ai đó. Tại Việt Nam, giao thông còn tệ quá, nhưng để thể hiện lòng hiếu khách, tôi luôn hy vọng, nếu đi xích lô Sans Souci, khách du lịch sẽ cảm thấy yên tâm hơn và được tận hưởng không khí bình yên của Hà Nội...”.

Tiếp chúng tôi trong một buổi chiều đầu đông, ông Anh Thư mở đầu câu chuyện xoay quanh chiếc xích lô giản dị như vậy, như chính cuộc đời của ông.

20 tuổi đời, Đỗ Anh Thư lên đường nhập ngũ và trở thành chiến sĩ lái xe trên cung đường Trường Sơn khói lửa. Ngày đất nước thống nhất, ông lặng lẽ trở về đời thường nung nấu quyết tâm thi đại học. Bằng sự cần cù, chịu khó, Đỗ Anh Thư đã mày mò tìm kiếm tài liệu sách vở, tự học và thi đỗ vào khoa Sử, trường Đại học Sư phạm I.

Năm 1981, sau khi tốt nghiệp, ông được phân công về giảng dạy ở trường Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội), sau đó lại được điều về dạy tại trường cấp III Chu Văn An. Lúc bấy giờ, Hà Nội đang có phong trào đi xây dựng vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Ông xung phong lên đường tiếp tục sự nghiệp làm thầy ở nơi xa xôi ấy.

Được vài năm, khi nơi đây đã dần ổn định, ông quay trở lại Hà Nội chờ phân công công tác. Tuy nhiên, sau 3-4 năm kiên trì liên hệ, ông vẫn không nhận được hồi âm. Trong thời gian này, ông đã đi dạy thêm, đi làm gia sư, cùng vợ làm hoa giả để lấy tiền kiếm sống sinh nhai nhưng vẫn không đủ sống. Gánh nặng gia đình cứ nặng dần trên vai ông khi đứa con đầu lòng ra đời lại hay bị bệnh.

Hoàn cảnh đó buộc ông nghĩ ngay đến chuyện mua một chiếc xích lô chạy thêm. Ông tâm sự: “Lúc tôi quyết định sẽ đi đạp xích lô kiếm sống, gia đình tôi cản ghê lắm”.

Nhưng với ông, đây là một nghề lao động rất đáng trân trọng và đồng tiền kiếm ra bằng chính mồ hôi của mình thì có gì phải hổ thẹn. Ông cho biết: “Dù bị mọi người trong nhà “cười”, tôi vẫn quyết định mua một chiếc xích lô với giá 2 chỉ vàng. Và hàng ngày tôi chở hàng trong các khu phố cổ và đón khách tại các tụ điểm công cộng của Hà Nội. Tôi đã nghĩ, một ngày nào đó, mức sống khá lên, tôi sẽ bỏ cái nghề này và lại đi dạy học”.

Vào những năm 90, khi đất nước bắt đầu mở cửa, người nước ngoài đến Việt Nam mà tìm được một người lái xe biết ngoại ngữ là rất khó. Họ còn rất e dè khi nhìn thấy những chiếc xích lô thô kệch. Càng ngày nhu cầu khách nước ngoài càng tăng. Điều này càng khiến ông quyết tâm lập “thương hiệu” xích lô Sans Souci.

Năm 1990, ông đã thành lập đội xích lô Sans Souci chỉ có 7 người. Với quan điểm thống nhất là phải “tân trang” cho xe đẹp lên cho nên, mỗi ngày, sau các chuyến chở khách, họ lại cùng góp vào 5.000 đồng để cuối tháng mua thêm những tấm inox hay vải giả da, nệm mút để trang trí cho xe thêm đẹp.

Ông tâm sự: “Nghề gì cũng vậy, có chút tri thức sẽ dễ dàng và đơn giản hơn rất nhiều”. Để nhân viên có thể giao tiếp với du khách nước ngoài, ông Thư soạn thảo giáo trình tiếng Anh, Pháp phát cho từng tài xế. Để anh em dễ học và dễ nhớ, ông viết những câu đơn giản bằng tiếng Anh, tiếng Pháp có phiên âm dịch nghĩa tiếng Việt để họ học trong lúc vắng khách. Chủ yếu là những câu cơ bản liên quan đến khách cần gì, ăn gì, ở đâu... Xe xích lô đẹp, các bác tài lại biết ngoại ngữ xã giao, tận tình phục vụ khách khiến xích lô Sans Souci đi lên trông thấy.

Khi chúng tôi hỏi: “Sang năm mới, ông có trăn trở gì với nghề xích lô”? Giản dị, ông cho biết: “Tôi rất muốn hợp nhất các đoàn xích lô tại Hà Nội lại sao cho quy củ hơn, chuyên nghiệp hơn để nó thực sự trở thành một nghề vững vàng”!