09:54 27/06/2007

Thất bại để thành công: Tự tin bước qua

Kinh nghiệm kiếm sống trên hè phố dần dần giúp Dậu phát hiện những hướng làm ăn mới ngay trong thời điểm khó khăn

Ông chủ Lâm An Dậu (thứ hai từ phải qua) thường nói với các cộng sự ở Công ty Vĩnh Tiến: “Gặp thất bại, phải tỉnh táo tìm cách giải quyết”.
Ông chủ Lâm An Dậu (thứ hai từ phải qua) thường nói với các cộng sự ở Công ty Vĩnh Tiến: “Gặp thất bại, phải tỉnh táo tìm cách giải quyết”.
“Nếu tôi buông xuôi thì chẳng giải quyết được gì, thậm chí còn làm cho tình trạng tồi tệ càng tồi tệ hơn. Vậy thì tôi sẽ bình thản, thật bình thản trước mọi biến cố có thể xảy ra, tỉnh táo tìm cách giải quyết”.

>>Xem loạt bài "Thất bại để thành công"

Lâm An Dậu, Tổng giám đốc thương hiệu tập giấy Vĩnh Tiến, nói về tâm trạng của mình như vậy khi đứng trước những thất bại.

Cậu bé bán thuốc lá dạo tập kinh doanh

Chuyện khởi nghiệp của ông chủ thương hiệu giấy Vĩnh Tiến bắt đầu bằng những ngày đi bán thuốc lá dạo. Lâm An Dậu kể: “12 tuổi, tôi đã ra hè đường bán thuốc lá với chị gái. Đó là những năm khó khăn sau năm 1975. Tôi cứ nghĩ mãi tại sao cả hai chị em cứ phải ngồi im một chỗ đợi khách đến mà không tự đi tìm khách.

Nghĩ là làm, tôi đề nghị chị ngồi bán thuốc, còn tôi ôm thùng gỗ đi bán dạo. Sáng kiến bước đầu thành công, thuốc lá tôi bán tăng gấp ba lần. Đó là cú kinh doanh đầu đời của tôi trên đường phố. Tôi lại nghĩ để bán được nhiều nơi hơn cần phải có xe đạp, thế là tôi xin ba má chiếc xe đạp cũ. Nhưng chân tôi còn ngắn nên phải ngồi gá trên sườn xe mà đạp. Khổ nhất là bộ sên xích cứ quay một chút lại trật ra, tay chân ngày nào cũng đen nhẻm vì phải ráp lại xích xe cà tàng”.

Năm 1980, nhiều người trong dòng họ đi vượt biên, nhưng ba má Lâm An Dậu vẫn ở lại. Dậu nhớ anh đã từng nói với ba mẹ mình: “Mình đi đâu thì cũng phải làm mới có ăn. Ba má cứ yên tâm. Con còn tay, còn chân thì nhà mình không nghèo được”.

Kinh nghiệm kiếm sống trên hè phố dần dần giúp Dậu phát hiện những hướng làm ăn mới ngay trong thời điểm khó khăn. Thấy bán thuốc lá dạo suốt đời chỉ nắng mưa cùng đường phố, Dậu chuyển sang buôn bán hóa chất.

Ban đầu chỉ buôn bán cò con, sau đó không chỉ thu mua ở khu Chợ Lớn mà còn ra tận biên giới gom hàng về cung cấp cho các nhà sản xuất mỹ phẩm, kem đánh răng. Thời điểm đó, hàng hóa chất cực hiếm. Dậu bỏ vốn một, lời ba. Nhiều hôm anh chạy hàng một buổi, chiều đã ra chợ sắm được chục lượng vàng bỏ túi.

“Hốt bạc” nhanh chóng, chàng trai trẻ không té ngã trên thương trường mà trắng tay với chiếu bạc đỏ đen! Và rồi chuyện gì đến phải đến. Một buổi sáng thức dậy, Dậu chỉ còn hai bàn tay trắng. Má Dậu khóc: “Má không giận vì con tán gia bại sản, nhưng má buồn vì nếu cứ thế này thì chắc chắn đời con sẽ không ra gì”. Dậu lặng người, nghẹn giọng không nói được tiếng nào. Đêm đó, anh thắp nén nhang ra thề trước sân nhà đoạn tuyệt với cờ bạc.

Sau thất bại do lối sống của mình, Dậu bắt tay làm lại từ đầu bằng nghề ve chai, tư chất lanh lợi từ thuở nhỏ đưa Dậu đến nhiều nơi, quan hệ nhiều nguồn để có thể mua hàng lớn. Một lời một, Dậu phục hồi nhanh chóng.

Bạn bè chủ động đề nghị Dậu hợp tác mở rộng mạng lưới buôn bán giấy vụn. Đêm đó Dậu mất ngủ, thao thức: “Người làm ăn là người đi trên con đường luôn có nhiều người đi. Nếu mình bằng lòng với hiện tại để đứng lại thì có nghĩa là đã tự thụt lùi”. Sáng hôm sau, anh nói với bạn bè: “Tại sao tụi mình chỉ biết mua bán giấy vụn mà không nghĩ phải làm ra giấy?”.

Buồn khóc với thất bại thì giải quyết được gì?

Dậu bắt tay thực hiện ý nguyện của mình bằng cách tích lũy vốn, mua một miếng đất xây nhà xưởng, rồi mua máy móc để chuẩn bị sản xuất giấy.

Dậu đi tìm mua máy cũ chỉ hoạt động được bằng điện, nhưng khi máy vừa hoạt động mới bắt đầu lộ rõ điểm yếu chết người khi Tp.HCM những năm đầu thập niên 1980 cúp điện trung bình 4-5 ngày mỗi tuần. Máy móc nằm “trùm mền”, ông chủ trẻ cũng lao đao. Thất bại đã bày ra ngay từ khi nhà máy chưa đi vào hoạt động.

Dậu ra một quyết định làm mọi người ngạc nhiên: đập nhà máy! Dậu đập nhà máy cũ để xây một nhà máy mới có qui mô lớn hơn và hiện đại hơn để bắt đầu cho một thương hiệu Vĩnh Tiến chuyên sản xuất các loại giấy vở và văn phòng phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm của Vĩnh Tiến nhanh chóng bị cạnh tranh dữ dội, nhất là các loại giấy vở nhập ngoại giá rẻ, chất lượng kém.

Một thời gian sau, Công ty Vĩnh Tiến lâm vào khủng hoảng, bế tắc hẳn đầu ra. Anh lại mất ngủ triền miên.

Một số “quân sư” tư vấn cho Dậu chiêu thức “gậy ông đập lưng ông”: “Đối thủ cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ. Mình sẽ làm sản phẩm y như vậy để cạnh tranh ngược lại họ”. Những năm lăn lóc cho Dậu có cảm giác bất ổn. Dậu bình tĩnh phân tích lại và hiểu rằng tự hạ thấp chất lượng sản phẩm là tự giết mình. Dậu quyết định phân khúc thị trường, khẳng định Vĩnh Tiến vẫn là Vĩnh Tiến.

Dậu tiếp tục nghiên cứu, đầu tư nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm, đồng thời rà soát qui trình sản xuất hợp lý để giảm giá thành sản phẩm. Thực tế sau này đã cho thấy Dậu đúng, tình hình kinh tế phát triển thì người tiêu dùng giấy vở không chỉ nhìn giá mà còn chọn lựa chất lượng. Vĩnh Tiến bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, sản phẩm Vĩnh Tiến hút hàng trên thị trường cả nước.

Bây giờ, Lâm An Dậu nhìn lại sự nghiệp kinh doanh có mồ hôi, nước mắt, nụ cười của mình với sự thanh thản: “Trong thương trường thất bại rất thường đến, nhưng buồn khóc với nó thì có giải quyết được gì? Vậy thì hãy cười lên, và tự tin mà bước qua”.