11:13 11/05/2007

Thất nghiệp giàu có và người lao động nghèo

Cứ đến độ cuối tháng Tư, đầu tháng Năm là người dân Đức lại háo hức thưởng thức măng tây

Một người lao động Ba Lan tại một vườn măng tây ở Beelitz (Brandenburg - Đức) - Ảnh: DW.
Một người lao động Ba Lan tại một vườn măng tây ở Beelitz (Brandenburg - Đức) - Ảnh: DW.
Cứ đến độ cuối tháng Tư, đầu tháng Năm là người dân Đức lại háo hức thưởng thức măng tây.

Ai nấy đều tranh thủ ra nhà hàng ăn măng tây hoặc mua măng tây về nhà chế biến vì đến độ tháng sáu là hết mùa. Vừa qua có một câu chuyện liên quan đến măng tây - dù chả liên quan gì đến vấn đề ẩm thực - khiến nhiều người bàn tán.

Số là những người nông dân ở ngoại ô thủ đô Berlin bao năm nay đều thuê người dân Ba Lan nhập cư thu hoạch măng tây. Họ được coi là lực lượng lao động có nghề nhất trong công việc này. Thế nhưng năm nay, vì bức xúc trước tình trạng nhiều người dân Đức lâm vào cảnh thất nghiệp, nhà chức trách đã yêu cầu các bác nông dân phải thuê người bản địa thu hoạch măng tây thay vì “nhờ vả” cánh nhập cư Ba Lan.

Các bác nông dân Đức tuân chỉ, yêu cầu văn phòng cung cấp lao động cử 60 người tới làm việc và nhắc đi nhắc lại rằng nhất định các công nhân phải có mặt lúc 6g30 sáng để bắt đầu công việc. Hôm sau, cũng là vào buổi sáng nhưng mãi tận 8g, khoảng... 15 người Đức có mặt, làm chưa tới 11g trưa hơn phân nửa đã bỏ cuộc. Tới hôm sau nữa thì chẳng thấy ai quay lại.

Peter Pruefert, một cựu phóng viên ở Berlin, tỏ ra tức giận khi xem phóng sự này trên truyền hình. Theo ông, nhiều người dân Đức đang tỏ ra lười biếng và ỷ lại quá mức vào trợ cấp thất nghiệp. “Một phần thu nhập của những người đi làm được dành ra để trợ cấp cho những người thất nghiệp. Cũng không thành vấn đề - ông Peter chia sẻ - Nhưng tôi chỉ mong người thất nghiệp tỏ ra có trách nhiệm với xã hội hơn một chút. Ví dụ như họ tình nguyện dọn tuyết vào mùa đông. Nhưng không, nhiều người thất nghiệp lại yên phận trong sự bao bọc của các loại phúc lợi xã hội”.

Chương trình Hartz IV ra đời hai năm nay chứng tỏ hiệu quả phần nào trong việc giảm số người thất nghiệp lười biếng. Chương trình này yêu cầu những người muốn lĩnh trợ cấp phải chứng minh được là mình nghèo thật chứ không phải là những người có nhà to, xe hơi đẹp và thậm chí đi du lịch nước ngoài như tình trạng đã diễn ra nhiều năm qua. Nhờ Hartz IV, số người “thất nghiệp giàu có” đã giảm hẳn. Hiện nước Đức có 4 triệu người thuộc diện nhận trợ cấp thất nghiệp, giảm được 1 triệu so với trước.

Nhưng ở một góc khác của xã hội, một tầng lớp “người lao động nghèo” lại đang hình thành với số lượng ngày càng gia tăng. Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều công ty lớn đã tìm mọi cách nhằm giảm thu nhập của người lao động. Ví dụ T-com, một trong những hãng viễn thông sừng sỏ, đã chuyển nhân viên sang làm ở một công ty con mới thành lập của hãng lớn để có thể trả lương thấp hơn mà không bị mất danh tiếng.

Hoặc các bác tài xế xe buýt ở Frankfurt nay đành ngậm ngùi chịu mức thu nhập thấp hơn bởi công ty nhà nước chịu trách nhiệm về hệ thống giao thông công cộng ở đó đã thuê lại các công ty tư nhân kinh doanh một số tuyến đường. Không ai lấy làm lạ khi các công ty tư nhân tha hồ “bóp nặn” các bác tài xế.

Ngay cả sinh viên ra trường, dù với tấm bằng thạc sĩ, đều cực kỳ khó khăn tìm được một việc làm cố định hoặc phù hợp với khả năng. Đời sống ngày càng đắt đỏ, thu nhập thì cứ giảm đều nên nhiều người lo ngại tình trạng này sẽ gây ra những vấn nạn xã hội khó lường.

Vừa rồi, Chính phủ Đức định áp dụng luật lương tối thiểu như Pháp, Anh đã làm để cải thiện tình trạng “người lao động nghèo”. Nhưng ý tưởng vừa đưa ra lập tức bị các công ty la ó. Với lý do không chịu nổi chi phí, họ đe dọa sẽ cắt giảm hàng ngàn việc làm nếu luật này được áp dụng.

Mấy tuần lễ gần đây, các tờ báo Đức đưa tin nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục và hưng thịnh trở lại, đặc biệt các ngành công nghiệp tăng trưởng khá mạnh. Các công ty lên tiếng than phiền họ thiếu trầm trọng nhân công tay nghề cao. Các chương trình mời gọi lao động nước ngoài có kỹ năng, trong đó ưu tiên hàng đầu là lao động Ấn Độ, được mở ra.

Nhưng nghe nói lao động nước ngoài không mấy mặn mà. Thứ nhất là vì tiếng Đức rất khó học nên không ai muốn sang Đức sinh sống. Thứ hai, họ nghi ngờ không biết cuộc hồi phục kinh tế này có kéo dài lâu không.