Thay Chỉ thị 03 bằng Quyết định 03
Ngày 1/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Quyết định 03 thay thế Chỉ thị 03 về cho vay đầu tư chứng khoán
Ngày 1/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành Quyết định 03 thay thế Chỉ thị 03 về cho vay đầu tư chứng khoán.
Đúng vào ngày thị trường chứng khoán đóng cửa, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã ký ban hành Quyết định 03 thay cho Chỉ thị 03 về việc cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán.
Ngoài tầm của sự kiện được chờ đợi trong suốt thời gian qua, thời điểm ban hành cũng đáng chú ý: một bước đệm nghỉ Tết sẽ giảm bớt áp lực tác động cũng như những phản ứng từ dư luận.
Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, nhiều ý kiến tập trung bàn luận về phương thức cho vay mới với hai chiều trái ngược, thắt chặt và mở rộng. Và tác động của chính sách này có vẻ đang nhạt nhòa.
Không có gì mới ngoài những thông tin mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra trước đó:
Thứ nhất, quy định các điều kiện đối với các tổ chức tín dụng cho vay đầu tư chứng khoán nhằm yêu cầu tuân thủ pháp luật về tín dụng và bảo đảm an toàn trong hoạt động cho vay, như phải ban hành quy trình nghiệp vụ cho vay loại này làm cơ sở cho việc thanh tra, giám sát hoạt động cho vay; đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định; có tỷ lệ nợ xấu dưới 5%; thực hiện hạch toán, thống kê chính xác, báo cáo đúng thời hạn các khoản cho vay để phục vụ cho quản trị kinh doanh nội bộ và giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ hai, hệ số rủi ro của các khoản cho vay đầu tư chứng khoán để tính hệ số an toàn vốn tối thiểu là 250% (trước đây là 150%); theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ phải xem xét, quyết định cho vay một cách thận trọng.
Thứ ba, tổng dư nợ cho vay loại này không vượt quá 20% vốn điều lệ. Biện pháp kiểm soát tín dụng này gắn quy mô, rủi ro cho vay đầu tư chứng khoán với quy mô vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, đồng thời tránh được tình trạng tăng tổng dư nợ tín dụng nếu quy định giới hạn tỷ lệ % trên tổng dư nợ như trước đây. Với quy định này, cho vay đầu tư chứng khoán không quá mở rộng cho vay, nhiều ngân hàng có dư nợ cho vay ở mức thấp so với vốn điều lệ vẫn có thể tiếp tục cho vay.
Thứ tư, khi cơ chế cho vay mới có hiệu lực thi hành, nếu các tổ chức tín dụng đáp ứng được các quy định nêu trên thì tiếp tục cho vay. Các tổ chức tín dụng chưa đáp ứng được các quy định đó thì không được phép cho vay; khi đáp ứng được các quy định này thì mới được tiếp tục trong giới hạn cho phép.
Như vậy, sau 7 tháng có hiệu lực và có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường chứng khoán và hoạt động của nhiều ngân hàng thương mại, Chỉ thị 03 chính thức kết thúc sứ mệnh.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nếu kéo dài biện pháp khống chế tỷ lệ dư nợ cho vay đầu tư chứng khoản ở 3% tổng dư nợ theo Chỉ thị 03 sẽ tạo nên yếu tố tâm lý không thuận lợi đối với thị trường và hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Đây là lý do để cơ quan này ban hành Quyết định 03 với một phương thức mới.
Hiện tại, về phương thức cho vay mới theo quy mô vốn điều lệ, có những nhận định trái chiều, có sự ủng hộ và cả thất vọng. Và có thể Quyết định 03 sẽ tiếp tục là đề tài tốn giấy mực như Chỉ thị 03 trước đó.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngay cả khi theo phương án cũ hay mới, các ngân hàng vẫn có khả năng cung ứng một lượng tín dụng lớn. Ngay khi theo Chỉ thị 03, cả hệ thống cũng chỉ dùng chưa hết một nửa (1,37%), tương ứng với 11.400 tỷ đồng.
Còn với Quyết định 03, Ngân hàng Nhà nước cho rằng đây là một trong những giải pháp góp phần đảm bảo an toàn tín dụng và làm cho thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh. Với cơ chế mới, dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, khả năng dư nợ tăng lên không lớn so với cuối năm 2007.