16:57 20/04/2009

Thấy gì từ đợt giảm điểm này của chứng khoán?

Tống Minh Tuấn

Diễn biến thị trường trong hai phiên gần đây đang gây nên những hoang mang nhất định lên nhà đầu tư

Việc được cho vay, cầm cố, ứng trước tiền… hay nói cách khác là tạo điều kiện quay vòng và tăng thanh khoản của nhà đầu tư lên nhiều lần, cộng với yếu tố hỗ trợ tích cực từ bên ngoài, đã làm cho thị trường lên điểm mạnh mẽ - Ảnh: AFP.
Việc được cho vay, cầm cố, ứng trước tiền… hay nói cách khác là tạo điều kiện quay vòng và tăng thanh khoản của nhà đầu tư lên nhiều lần, cộng với yếu tố hỗ trợ tích cực từ bên ngoài, đã làm cho thị trường lên điểm mạnh mẽ - Ảnh: AFP.
Diễn biến thị trường trong hai phiên gần đây đang gây nên những hoang mang nhất định lên nhà đầu tư.

Khác với những phiên điều chỉnh khác trước đó, lần điều chỉnh phiên thứ 6 tuần trước có dấu hiệu quay đầu của một số cổ phiếu từng làm “trụ cột” và niềm tin cho thị trường như BVS, SSI, ACB…

Và sự điều chỉnh đó đã được khẳng định thêm nữa vào một phiên giảm sàn đồng loạt sáng thứ Hai đầu tuần ngày hôm nay, dập tắt nốt những hy vọng mong manh vào một sự phục hồi trở lại của thị trường.

Có nhiều điều đáng nói sau lần điều chỉnh này. Trong khuôn khổ tiêu điểm của ngày hôm nay, người viết xin cùng các nhà đầu tư tản mạn và có một góc nhìn riêng về tính chất của lần điều chỉnh này.

Thị trường sẽ về đến bao nhiêu trong đợt sụt giảm lần này? Liệu lần điều chỉnh vừa rồi có phải là đỉnh? Liệu thị trường có còn cơ hội, hay bao lâu nữa sẽ có đợt “sóng” tiếp? Liệu có còn hy vọng vào các mã cổ phiếu tài chính ngân hàng đã từng dẫn dắt thị trường trong suốt thời gian vừa qua?

4 yếu tố hỗ trợ trong dài hạn

Thị trường tăng điểm trong thời gian qua đã tích tụ nhiều yếu tố “mong manh” khi có dấu hiệu mà người viết tạm gọi là nén cung. Khi tích tụ đến đủ điểm để chốt lời, cùng với việc lo ngại rủi ro tăng dần theo từng phiên lên điểm, thị trường đã có một phiên vỡ òa quay đầu giảm điểm.

Có nên quá bi quan và hoảng sợ về lần giảm điểm này? Ở khía cạnh nhìn nhận dài hạn vĩ mô, người viết có cái nhìn tương đối lạc quan. Yếu tố dài hạn sẽ hỗ trợ thị trường tại một số điểm:

Thứ nhất, Việt Nam và thế giới đang dần thoát khỏi khủng hoảng. Khác với lần điều chỉnh để rồi bước vào suy thoái, lần điều chỉnh này nằm trong xu thế bước ra khỏi khủng hoảng. Do vậy nó tạo nhiều cơ hội hơn cho thị trường chứng khoán với tính chất “ngày mai tốt hơn ngày hôm nay”.

Thứ hai, xuất khẩu và các sản xuất Việt Nam đang cho thấy Việt Nam thực sự chống chọi tốt với suy thoái toàn cầu. Việc tìm những thị trường mới và thị phần liên tục được cải thiện đối với thị trường Mỹ cho thấy Việt Nam dù đang khó khăn nhưng tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu trở lại là lớn.

Điều này làm cho hy vọng vào sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ nhanh hơn do Việt Nam chủ yếu bị ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường xuất khẩu chứ không phải giải quyết các yếu tố ngân hàng tài chính.

Thứ ba, dưới chính sách kích cầu, lãi suất buộc phải hạ thấp, thanh khoản thị trường luôn được cải thiện do được hưởng lợi từ luồng tiền kích thích kinh tế đang chảy mạnh mẽ trong nền kinh tế. Lãi suất thấp cũng làm chi phí doanh nghiệp giảm và tạo điều kiện tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Mặc dù tăng thanh khoản mạnh, cho đến nay vẫn chưa nhìn thấy dấu hiệu đáng ngại về sự tăng trở lại của lạm phát.

Thứ tư, các yếu tố bên ngoài đang dần cho thấy những tác động tích cực hơn đến thị trường chứng khoán Việt Nam từ thế giới và Mỹ.

Từ đó, người viết vẫn tin rằng, cuối năm nay, VN-Index có thể đạt mức 400-420 điểm. Đó cũng có thể là quan điểm của các tổ chức nếu họ nhìn nhận về Việt Nam với một cái nhìn tích cực.

Thử dò "đáy" trong ngắn hạn

Về cái nhìn ngắn hạn hơn, người viết cho rằng sự quay đầu mạnh của đợt điều chỉnh này có nhiều yếu tố liên quan đến việc “leverage” (khuếch đại tiền) của nhà đầu tư.

Việc được cho vay, cầm cố, ứng trước tiền… hay nói cách khác là tạo điều kiện quay vòng và tăng thanh khoản của nhà đầu tư lên nhiều lần, cộng với yếu tố hỗ trợ tích cực từ bên ngoài, đã làm cho thị trường lên điểm mạnh mẽ. Nhưng nó khá mong manh vì các yếu tố:

Một là, các yếu tố cơ bản chưa thực sự vững vàng, mặc dù có dấu hiệu hồi phục nhưng các chỉ báo kinh tế và kết quả kinh doanh của hàng loạt blue-chip chưa thực sự khẳng định đã ở trạng thái tốt. Mặt bằng giá trị P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ở mức không phải là thấp.

Hai là, phần lớn vẫn là yếu tố cầu nội đẩy thị trường trong thời gian vừa qua, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân. Dòng vốn này có tính chất rất ngắn hạn và không ổn định, đặc biệt khi được “leverage” nhiều.

Các tổ chức lớn vẫn khá dè dặt, đặc biệt yếu tố nước ngoài đã không còn chiếm vị trí quan trọng như trước đây do tỷ trọng tham gia của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh.

Ba là, tăng nóng liên tục với sự dẫn đầu của các cổ phiếu ngân hàng tài chính với kỳ vọng hòa nhập dự phòng có lãi lớn, có dấu hiệu đầu cơ nhiều nên khá rủi ro khi thị trường quay đầu.

Với các yếu tố như trên, người viết cho rằng trong các phiên sắp tới, thị trường sẽ có những diễn biến trái triều nhau giữa hai thế lực nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

Nhà đầu tư cá nhân còn “kẹt” lại thị trường sẽ tìm cách “xả hàng” để thu hồi vốn sau khi đã “leverage” khá mạnh. Quá trình này diễn ra ngược với lúc đi lên nóng của thị trường.

Có thể có một lượng tiền chảy ngược lại của nhà đầu tư tổ chức (đặc biệt tổ chức hay quỹ còn nắm tỷ lệ tiền mặt cao). Đây có thể là luồng tiền đầu tư trên cơ sở đầu tư dài hạn với kỳ vọng vào sự cải thiện của kinh tế vĩ mô và kỳ vọng tăng điểm của VN-Index vào cuối năm.

Lượng giải ngân này của tổ chức vào thị trường sẽ tăng dần nếu VN-Index càng giảm điểm. Khi đó có thể sẽ có sự đảo chiều ngược lại nếu lượng cầu này dần thắng lượng cung bán ra của nhà đầu tư “còn kẹt”.

Người viết cho rằng ngưỡng 290 sẽ là ngưỡng cản mạnh khi hai xu thế này tìm được điểm cân bằng và thị trường quay đầu.

Do vậy, trong ngắn hạn thị trường có thể có vài phiên giảm điểm mạnh. Tuy nhiên, về dài hơn, người viết vẫn tin tưởng và có cái nhìn lạc quan hơn về thị trường với các yếu tố vĩ mô hỗ trợ, và sự tham gia chuyên nghiệp và vững vàng hơn của nhà đầu tư tổ chức, sẽ khiến thị trường ngày càng có bước đi ổn định.